TP.HCM: Khó thu hút lao động tại các khu công nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thâm hụt lao động gia tăng

TP.HCM hiện có 13 khu chế xuất – khu công nghiệp (KCX-KCN) và có hơn 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số lao động là 252.568 người. Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, thành phố sẽ có 23 KCX-KCN với diện tích đất 2.475 ha. Vì vậy, trong 5 năm tới, nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp hiện hữu, doanh nghiệp mở rộng sản xuất và doanh nghiệp đầu tư mới là 100.000 người, trong đó nữ chiếm tới 60% (60.000 người).

Hiện tại những ngành thâm dụng lao động chiếm tỷ trọng cao gồm: dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, cơ khí… Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp không thể tuyển dụng được số lao động cần thiết, chẳng hạn đầu năm 2011 KCX Tân Thuận cần tuyển 200 lao động cơ khí có tay nghề cao nhưng chỉ có 60% số cần tuyển nộp hồ sơ. Hoặc Tập đoàn Intel dự kiến tháng 4/2011 đi vào hoạt động và cần 3.000 lao động có tay nghề, tuy nhiên gần đến thời điểm đi vào hoạt động, tập đoàn này mới chỉ tuyển dụng được 400 lao động…

Đó là nguyên nhân khiến hầu hết các doanh nghiệp phải tuyển lao động phổ thông, sau đó tổ chức bồi dưỡng, dạy nghề, vận hành máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất do chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia Việt Nam huấn luyện đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tuyển chọn lao động Việt Nam gửi sang các công ty mẹ để bồi dưỡng, đào tạo về chuyên môn, quản lý điều hành nhằm thay thế dần các chuyên gia nước ngoài. Tính đến nay cũng đã có hơn 6.000 lượt lao động được sang các quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan… thời gian học tập từ 3 tháng đến 1 năm, trong đó Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ cao nhất khoảng 4.000 lượt, chiếm 80%.

Theo ông Nguyễn Tấn Định- Phó trưởng ban quản lý KCX-KCN TP. Hồ Chí Minh (HEPZA): Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thâm dụng lao động như: trình độ văn hóa của người lao động thấp, hầu hết lao động đến từ các tỉnh thành khác nên họ có thu nhập thấp, không có chỗ ở ổn định trong khi giá cả sinh hoạt liên tục tăng khiến lao động phải tăng ca. Vì vậy chỉ cần doanh nghiệp khác trả lương cao hơn 100.000 đ/tháng cũng có thể khiến người lao động chuyển việc. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 15% lao động thay đổi chỗ làm vì chỗ khác trả lương cao hơn.

Làm gì để thu hút lao động?

Ông Trần Anh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM- cho biết, mặc dù thiếu lao động cho các KCX-KCN nhưng nhà trường và doanh nghiệp lại chưa gặp nhau. Việc đào tạo nặng lý thuyết, ít thực hành như hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại, đào tạo thêm cho nhân công sau tuyển dụng. Chưa kể, với thiết bị cũ kỹ, lạc hậu ở nhiều trường như hiện nay thì học viên sau tốt nghiệp cũng hoàn toàn bỡ ngỡ với những máy móc thiết bị hiện đại trong thực tế. Sự mất cân đối về số lượng, chất lượng, về cơ cấu trình độ các ngành nghề này khiến doanh nghiệp không tìm được người lao động như mình mong muốn và trên 50% sinh viên ra trường khó khăn trong kiếm việc làm.

“Để chủ động trong việc tuyển dụng nhân lực, các doanh nghiệp nên ký kết các thỏa thuận hợp tác trong đào tạo với các trường. Theo đó, doanh nghiệp sẽ là những người đặt hàng, còn các trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Giải pháp này còn giúp sinh viên có điều kiện thực tập, tiếp cận thực tế với doanh nghiệp về chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ sản xuất”- ông Tuấn nói.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Thủy, trưởng phòng quản lý nhân sự Công ty TNHH MTEX, nếu doanh nghiệp có chế độ đãi ngộ lao động tốt thì nhân viên gắn bó, muốn vậy phải cải thiện năng suất, đầu tư thêm máy móc thiết bị giảm dần các thao tác thủ công, cắt giảm lãng phí, sắp xếp bố trí lao động hợp lý… Đồng thời, Chính quyền thành phố cần quan tâm đến việc an sinh xã hội cho người lao động bằng cách cho phép các công ty xây dựng phát triển hạ tầng hoặc các doanh nghiệp địa ốc xây dựng các chung cư cho người lao động trong phần đất của KCX-KCN; khẩn trương cho xã hội hóa xây dựng và tổ chức các nhà trẻ trong các khu đất hoặc tiện ích công cộng trong các KCN…

Về phía HEPZA, ông Nguyễn Tấn Định cho biết, HEPZA đang phối hợp với ĐH Hồng Bàng xây dựng trung tâm đào tạo 18 tầng ở khu chế xuất Tân Thuận để có thể đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao tại nơi đây. Ngoài ra, mỗi năm HEPZA còn trao hơn 13.500 vé xe cho công nhân về quê ăn Tết, tổ chức khám bệnh cho 2.000 thanh niên công nhân, tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động tại các cổng KCX-KCN với giá rẻ cho công nhân…. Hiện tại, HEPZA cũng đang đưa ra kế hoạch phối hợp cùng các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề trong thành phố nhằm có hướng đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu phát triển của các KCX-KCN trong những năm tới.

Mai Ca
Nguồn: Báo điện tử Công thương