TPHCM dự kiến 100.000 hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo một tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi UBND thành phố ngày 2/3 vừa qua về kế hoạch phát triển doanh nghiệp thành phố, tính đến ngày 31/12/2016, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là 295.235 doanh nghiệp với vốn điều lệ đăng ký là 2.245.173 tỉ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2016 là 36.339 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp giải thể là 3.833 doanh nghiệp (chiếm tỷ lệ là 11%).

Hoạt động doanh nghiệp phân theo ngành nghề thì các ngành chiếm tỷ lệ cao có bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (38,91%); công nghiệp chế biến, chế tạo (11,07%); xây dựng (9,92%); khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (9,61%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (4,41%).

Do vậy, trong giai đoạn 2017-2020, số lượng doanh nghiệp thành phố cần phải đăng ký thành lập mới là 311.950 doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp của thành phố dự kiến đến năm 2020 là 607.185 doanh nghiệp để đảm bảo khi có doanh nghiệp giải thể thành phố vẫn đạt mục tiêu thành lập ít nhất 500.000 doanh nghiệp hoạt động.

Ngoài ra, để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 500.000 doanh nghiệp thì dự kiến có ít nhất 100.000 hộ kinh doanh thực hiện chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất kế hoạch thúc đẩy, hỗ trợ hộ cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, trong đó chỉ tiêu giao cho các quận, huyện phấn đấu. Trong đó, một số quận, huyện có số lượng lớn hộ kinh doanh cần phấn đấu đạt số lượng cao hơn các quận huyện khác như quận 1, 7, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức. Còn lại các huyện ngoại thành chủ yếu hoạt động về nông nghiệp, các hộ kinh doanh thường rất nhỏ nên giao thấp hơn so với bình quân chung.

Phân theo địa bàn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất nhóm các quận đề nghị mức tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đăng ký 20% gồm quận 1, 2, 3, 5, 7  bởi đây là các quận có thế mạnh để phát triển các ngành về tài chính ngân hàng, thương mại, dịch vụ nên tốc độ phát triển sẽ cao hơn và có nhiều ưu thế hơn so với các quận khác.

Nhóm các quận đề nghị mức tăng trưởng 15% gồm quận 4, 6, 8, 9, 10, 11, Bình Tân, Bình Thạnh, Gò vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức. Đây là những quận trong năm 2017 sẽ không có nhiều biến động, chủ yếu phải hoàn thành các nhiệm vụ thường xuyên và phát triển kinh tế-xã hội của từng quận.

Nhóm các quận, huyện đề nghị mức tăng trưởng 10% gồm quận 12, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè chủ yếu tập trung phát triển về nông nghiệp, trong khi hiện nay ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong toàn ngành kinh tế của thành phố nên Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chỉ tăng 10% so với số lượng doanh nghiệp đăng ký năm 2016. Riêng đối với quận 12 do trong thời gian tới phải di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nên sẽ làm giảm số lượng doanh nghiệp trên địa bàn nên cũng đề xuất tăng 10%.

Trong những năm tới, thành phố tập trung phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực như: phát triển nhanh mạng lưới phân phối, bán buôn và bán lẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.  Xây dựng hệ thống kho, bãi hiện đại, hoàn thiện và khai thác tối đa dịch vụ cảng vận tải, hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu. Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và ngành logistics. Xây dựng các chính sách khuyến khích người dân tham gia làm du lịch. Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử – công nghệ thông tin.

Thành phố thực hiện các giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Phát triển mạnh, vững chắc hệ thống tài chính phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, các loại quỹ đầu tư, tổ chức bảo hiểm. Xây dựng cơ chế thích hợp để khơi thông nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, quỹ đầu tư, tổ chức bảo hiểm, cho thuê tài chính,…

Bên cạnh đó, thành phố sẽ phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với thực thi quyền sở hữu trí tuệ, đưa vào khai thác Sàn giao dịch công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp; phát triển hạ tầng thông tin, thống kê khoa học và công nghệ. Thành phố tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục, nâng cao tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với nhà nước, người học và xã hội.

Về công nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất – cao su – nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) có hàm lượng khoa học – công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố.

Văn Nam
Theo TBKTSG