Tranh cãi về thuế thu nhập cá nhân ủy quyền chuyển nhượng BĐS
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bộ Xây dựng: không có cơ sở thu thuế

Các đây chưa lâu, trong một văn bản trả lời Bộ Tài chính liên quan đến việc thu thuế TNCN trong ủy quyền chuyển nhượng BĐS, Bộ Xây dựng đã nêu rõ quan điểm, việc ủy quyền chuyển nhượng BĐS là một dạng giao dịch dân sự. Người sở hữu đất đai có thể ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện các quyền của chủ sở hữu như bán, cho thuê, thế chấp BĐS… Giao dịch này không làm phát sinh việc chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng mà chỉ là sự thay đổi chủ thể thực hiện các quyền của chủ sở hữu. Vì vậy, không có cơ sở để thu thuế thu nhập cá nhân cũng như thu lệ phí trước bạ của người ủy quyền và người được ủy quyền chuyển nhượng BĐS.

Bộ Xây dựng cũng lập luận, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, những hộ gia đình, cá nhân có chuyển nhượng BĐS mà không phải là sản phẩm duy nhất mới thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Giao dịch ủy quyền BĐS không làm thay đổi chủ sở hữu, chủ sử dụng BĐS, không làm phát sinh thu nhập từ việc ủy quyền nên không thuộc diện phải chịu thuế thu nhập cá nhân.

Hiện nay, Luật Nhà ở chỉ có quy định về việc ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở mà không có quy định về việc ủy quyền định đoạt nhà ở.

Ngành Thuế: thực chất là giao dịch mua bán

“Việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho cá nhân khác được toàn quyền thực hiện việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt BĐS của mình, bao gồm cả việc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng, đổi, cho tặng, thế chấp và không hoàn trả lại BĐS, các lợi ích có được từ hoạt động ủy quyền; đồng thời bên được ủy quyền không nhận thù lao thì thực chất đó là hoạt động mua bán BĐS” – Từ quan điểm đó, trong Công văn 1133 ký ngày 5/5 trả lời Cục Thuế TP Hà Nội về thuế TNCN đối với trường hợp cá nhân có BĐS ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện giao dịch BĐS, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế Hà Nội thu TNCN với hợp đồng uỷ quyền giao dịch BĐS. Đây là công văn hướng dẫn thực hiện chính sách thuế nên chỉ đạo tại công văn được tất cả cục thuế các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương thống nhất thực hiện.

Theo lập luận của Bộ Tài chính, việc ủy quyền giao dịch BĐS, trong nhiều trường hợp, thực chất đó là giao dịch mua bán. Vì quyền lợi của số đông, vì nguồn thu của ngân sách, hơn nữa để công bằng với các đối tượng nộp thuế khác, cơ quan thuế ra hướng dẫn trên và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hướng dẫn này. Giao dịch ủy quyền BĐS mà làm thay đổi chủ sở hữu, chủ sử dụng BĐS, làm phát sinh thu nhập từ việc ủy quyền thì người ủy quyền thuộc diện phải chịu thuế TNCN. Vì họ không kê khai giá tài sản nên cơ quan thuế sẽ thu mức thuế bằng 2% tổng giá trị tài sản (theo giá do UBND tỉnh công bố).

Phải sửa Bộ luật Dân sự?

Bộ luật Dân sự cho phép các bên được ủy quyền, nhận ủy quyền. Luật cũng quy định việc ủy quyền có thể có thù lao hoặc không và người được ủy quyền không nhất thiết phải là người nhà mà tùy thuộc ý chí của người ủy quyền. Với loại giao dịch này, các bên không phải chịu thuế TNCN.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, liên quan đến việc thu thuế TNCN và trước bạ trong hoạt động ủy quyền mà suốt nhiều tháng qua, hoạt động này “tắc” do quan điểm các bộ ngành trái nhau, trong đó có những quan điểm trái cả các quy định trong Bộ luật Dân sự. Trong một lần trao đổi với  chúng tôi, Trưởng phòng Công chứng số 4 TP.Hà Nội Đặng Mạnh Tiến chia sẻ, phải hiểu cho đúng ý nghĩa của từ ủy quyền, rằng bên được ủy quyền thực hiện các giao dịch mua bán, thế chấp, tặng cho… là nhân danh bên ủy quyền, làm thay cho bên ủy quyền. Việc ủy quyền không làm phát sinh quyền sở hữu của bên được ủy quyền. Bởi thế, trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, người ủy quyền vẫn là chủ sở hữu.

Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng cũng bình luận rằng, “không thể ép buộc hoặc suy luận không ủy quyền cho người thân nghĩa là mua bán, rồi đưa vào một văn bản dạng quy phạm pháp luật. Trong pháp luật không có chuyện suy đoán”. Theo ông Thắng, hai giao dịch hoàn toàn khác nhau về hình thức lẫn bản chất. Khi người được ủy quyền chuyển nhượng tài sản thì người ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm về giao dịch này. Người ủy quyền hoặc người được ủy quyền đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền với điều kiện báo cho bên kia biết. Đó là những điểm hoàn toàn khác biệt với giao dịch chuyển nhượng.

Về ủy quyền là quyền của chủ sở hữu đã được Bộ luật Dân sự cho phép. Có ý kiến cho rằng, để chấn chỉnh tình trạng lợi dụng quy định ủy quyền để trốn thuế TNCN, có thể sửa đổi Bộ luật Dân sự theo hướng không cho ủy quyền định đoạt bất động sản. Đề xuất này cũng chính là một đề xuất hạn chế quyền dân sự và nhu cầu chính đáng, có thực của chủ sở hữu.

Bách Nguyễn
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam