Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp không đồng nghĩa với sự thay đổi theo hướng tích cực trong nhận thức về trách nhiệm xã hội. Đó là nhận định của không ít các chuyên gia khi tình trạng doanh nghiệp vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường hay có hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra khá phổ biến trong giai đoạn hiện nay. Trách nhiệm đó không chỉ bao gồm các hoạt động từ thiện, chương trình xã hội mà phải bắt nguồn từ việc quan tâm, chăm lo cho người lao động, người tiêu dùng cũng như bảo vệ môi trường sống và môi trường kinh doanh lành mạnh.

Số liệu điều tra mới đây tại Việt Nam cho thấy, chỉ khoảng 23,8% công nhân cả nước có thu nhập trên 1,5 triệu đồng/tháng, mức lương dưới 1 triệu đồng còn phổ biến trong khi doanh nghiệp vẫn thường xuyên trốn tránh đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm quy định về thời gian làm việc của doanh nghiệp cũng không ít. Rất nhiều công ty bắt công nhân làm việc từ 10 giờ đến 12 giờ không trả lương làm thêm cũng như không giải quyết chế độ nghỉ bù. An toàn lao động cũng là vấn đề rất đáng báo động hiện nay khi năm 2011, trên toàn quốc đã xảy ra 5.896 vụ, làm 6.164 người bị nạn trong đó có 574 người chết, 1.314 người bị thương nặng mà nguyên nhân chủ yếu là do công nhân không được trang bị đủ phương tiện bảo hộ hay doanh nghiệp không huấn luyện cho họ về an toàn lao động.

Điều này còn được lý giải bởi những dẫn chứng cụ thể về tình trạng hàng loạt các mặt hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như nước tương, mỳ gói chứa chất gây ung thư; thực phẩm chứa hàn the,… hay không hiếm gặp các trường hợp doanh nghiệp xả thải ra môi trường gây tác động xấu tới đời sống xã hội. Đáng nói hơn là thực trạng doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận thương mại về gas, xăng dầu; cạnh tranh không lành mạnh với doanh nghiệp khác; nhiều hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới xã hội.

Không ít các chuyên gia cho rằng, sở dĩ doanh nghiệp chưa quan tâm tới trách nhiệm xã hội bởi pháp luật chưa có những quy định ràng buộc hay sự hiểu biết chưa đầy đủ của doanh nghiệp cũng khiến họ quên đi trách nhiệm của mình. Do vậy, việc xây dựng một hành lang pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi đầy đủ và nghiêm túc trách nhiệm xã hội là rất cần thiết. Cùng với hoạt động tuyên truyền, giáo dục thì việc hoàn thiện pháp luật là biện pháp có hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm xã hội không chỉ là làm từ thiện mà còn là một chiến lược phát triển. Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội có thể không làm tăng chi phí trước mắt nhưng doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều cái lợi hơn về lâu dài như tăng lòng tin của người lao động, người tiêu dùng cũng như nâng cao được vị thế của doanh nghiệp trên thị trường.

Thao Giang
Nguồn: http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=244324