Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn sáng sủa
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Lim Wee Tee, Giám đốc điều hành công ty VietnamWorks, bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng, một khi Việt Nam vượt qua được giai đoạn này, triển vọng trung hạn tới dài hạn vẫn còn vô cùng sáng sủa. Trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện thời sẽ tạo ra thêm nhiều sự không rõ ràng, các nhân tố nhất định sẽ không thay đổi”.

VietnamWorks là một công ty chuyên về tuyển dụng và xây dựng thương hiệu trên Internet cũng như cung cấp các dịch vụ trực tuyến như quảng cáo việc làm, banner và một cơ sở dữ liệu về người lao động thông qua một cổng HR hiện thu hút hơn một triệu người đăng kí sử dụng.

Tại công ty Best World International chuyên về sáng tạo các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khoẻ, Giám đốc điều hành Huang Ban Chin nói Việt Nam đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai ở châu Á sau Trung Quốc. “Chúng tôi hy vọng nhu cầu ở Việt Nam sẽ vẫn mạnh mẽ”, ông Chin nói.

George Tan, Giám đốc điều hành của tập đoàn Asiatic Group, lại tin rằng đã đến lúc mở rộng hoạt động marketing và phát triển tại Việt Nam. Doanh nhận này nhận định: “Trong những thời điểm thuận lợi, mọi người quá bận rộn và không mấy sẵn sàng mở cửa đón nhận các giải pháp thay thế”.

Tương tự, Ray Ferguson, người phụ trách các hoạt động của ngân hàng Stanchart ở Đông Nam Á, phát biểu: “Việt Nam là một thị trường hấp dẫn vì quy mô dân số trẻ và nhu cầu nội địa mạnh mẽ. Một số lượng lớn các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng đa quốc gia đã và đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam như Unilever, Coke, Colgate, Nestle…”.

Theo ông Ferguson, “nhu cầu ở Việt Nam sẽ tăng lên do sự dịch chuyển dân số từ nông thôn (hiện chiếm 75%) ra các thành phố và trẻ em bước vào các giai đoạn tiêu dùng”.

Ông Lim thuộc công ty VietnamWorks tán thành quan điểm trên và chỉ ra rằng với 86,5 triệu dân, Việt Nam đã tạo nên một thị trường rộng lớn. Số dân trong độ tuổi lao động – chủ yếu dưới 30 tuổi – sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng. Ông nói: “Con người là tài sản trọng yếu của bất kỳ nền kinh tế nào. Cũng như Sigapore đã trở nên thành công nhờ sự quả quyết tuyệt đối của người dân, tôi tin rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra ở Việt Nam”.

Sự trỗi dậy- chỉ là vấn đề thời gian

Bipin Jha, Giám đốc quản lý doanh nghiệp Motley Resources, cho hay một số lĩnh vực kinh tế đã bắt đầu trở thành đòn bẩy giá trị cho những khả năng vượt trội của Việt Nam. Ví dụ như “hai công ty chế biến đào lộn hột lớn của Ấn Độ đã bắt đầu đưa các cơ sở chế biên quy mô vào Việt Nam nhờ dễ dàng có được quyền xây dựng các cơ sở này, chi phí sản xuất rẻ và những lợi thế marketing sâu rộng mà họ có”.

Ông Jha nêu rõ, mặc dù Việt Nam không miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng “tác động ở nước này nhỏ hơn so với một số quốc gia khác trong khu vực. Sự giảm tốc của nền kinh tế là có thực nhưng ít nhất không xảy ra suy thoái ở Việt Nam. Các mặt hàng nông sản đang được tiêu dùng khá tốt”.

Ông Ferguson thuộc ngân hàng Stanchart cho biết thêm rằng, các dòng đầu tư trực tiếp chảy vào Việt Nam (với tổng giá trị ước tính hơn 10 tỉ USD trong năm 2008) sẽ giảm xuống nhưng người dân Việt Nam “đã cho thấy sự mau lẹ của họ và nhanh chóng có hành động cải cách khi bắt tay hợp tác”.

Vì lí do này, ngân hàng Stanchart dự đoán Việt Nam sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2009, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 6,5% mà chính phủ Việt Nam đã đặt ra. Ông Ferguson cũng nhận định, gói kích thích kinh tế của Việt Nam sẽ giúp giảm nhẹ tác động của bất kỳ sự suy sụp nào trong hoạt động kinh tế, thậm chí còn có thể ngăn chặn một sự tụt giảm về tăng trưởng kinh tế.

Xét về triển vọng công nghiệp, ông Tan tiếp tục nhận thấy các cơ hội trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng như năng lượng, nước sạch và xử lí chất thải. Doanh nhân này quả quyết: “Bản chất của những công việc như vậy là chúng không bao giờ chấm dứt, dù trong thời kỳ thuận lợi hay khó khăn”.

Ông Lim thuộc công ty VietnamWorks cũng đồng ý rằng, các nhân tố cơ bản vẫn luôn lành mạnh và đưa ra ví dụ về việc ngày càng có nhiều nhà máy được thiết lập ở Việt Nam. “Có một điểm thuận lợi là giá nhân công ở Trung Quốc đã bắt đầu tăng lên và ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia tìm đến Việt Nam như một nơi thay thế. Dẫu vậy, các khách hàng này sẽ vẫn yêu cầu người tài”.

Vì vậy, VietnamWorks đã đầu tư rất nhiều vào hoạt động marketing nhằm tạo ra một hình ảnh hấp dẫn, thu hút các lao động tìm việc làm tới website của họ.

“Vượt qua các đối thủ trong việc gây dựng hình ảnh, đồng nghĩa với việc chúng tôi nắm trong tay ngày càng nhiều hơn đơn xin việc của những lao động chất lượng cao. Do đó có thể thu được thành công trong việc ra giá và tránh bị mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh về giá cả. Cho tới hiện tại, chiến lược này đã thành công và chúng tôi tin rằng nó sẽ tiếp tục thành công”, ông Lim cho hay.

Tuy nhiên, vẫn có những thách thức ở Việt Nam mà một số doanh nhân được phỏng vấn đã chỉ ra như: Việc đáp ứng các đòi hỏi của những nhà đầu tư mới sẽ là một vấn đề và các cơ sở hạ tầng cho giao thông đường bộ, đường sắt cũng như đường thuỷ và đường không sẽ phải mở rộng để bắt kịp với sự phát triển của thương mại.

Theo ông Tan thuộc tập đoàn Asiatic, mặc dù luôn tồn tại các lo ngại nhưng “xét tình hình hiện tại ở Việt Nam, nền chính trị vững mạnh và tôi cho rằng sự trỗi dậy của nền kinh tế Việt Nam sẽ chỉ là vấn đề về thời gian”.

Theo Business Times Singapore