“Trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” 
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.
Đó là tình cảnh tiến thoái lưỡng nan mà các địa phương đang gặp phải khi người lao động ùn ùn “bỏ phố về quê”. Vướng mắc là bởi ai cũng hiểu người dân không thể trụ lại được các đô thị nữa mới phải về quê, các địa phương sẵn sàng tiếp nhận, đón người dân trở về nhưng thực tế nhu cầu đang vượt quá khả năng tiếp nhận của các tỉnh. Lúng túng, không biết giải quyết bằng cách nào, một số tỉnh thông báo không nhận người dân từ địa phương khác trở về nữa.

Chỉ trong vòng 2 tháng, TP. Hồ Chí Minh đã có 4 chỉ thị giãn cách, gia tăng từng cấp độ. Đi kèm với đó, cuộc sống của đại đa số người dân bị xáo trộn, thất nghiệp tăng cao, một bộ phận người lao động, làm công việc thời vụ, thuê nhà trọ rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Một số người dân tìm đường về quê tránh dịch để giảm bớt một phần gánh nặng cơm áo gạo tiền… Ngoài TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh phía Nam như An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Phước… đã có văn bản về việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau ngày 1.8. Chắc chắn tới đây, người dân bỏ phố về quê sẽ ngày càng tăng.

Các tỉnh đã thể hiện trách nhiệm chăm lo cho Nhân dân bằng cách hỗ trợ vé máy bay, tàu hỏa, xe tô tô, chuẩn bị nơi cách ly để tiếp nhận. Thế nhưng, nhu cầu quá lớn, thực tế nảy sinh khi có thêm rất nhiều người từ các tỉnh phía Nam về quê tự phát bằng xe máy, xe đạp, thuê xe dịch vụ… đi từ hàng trăm đến hàng nghìn cây số. Điều này đã gây nên hệ lụy là đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với Covid-19, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Việc nhiều người cùng trở về cũng khiến nhiều tỉnh không thể đủ cơ sở để cách ly, nguy cơ lây nhiễm chéo cũng khiến đội ngũ y tế lúng túng trong bảo đảm yêu cầu chống dịch.

Tại Thừa Thiên Huế, hiện cả tỉnh có hơn 10.000 chỗ cách ly, đang cách ly hơn 8.000 người về từ vùng dịch, và dự kiến trong vài ngày tới sẽ hết công suất. Ngoài ra, tỉnh còn tập trung nhân lực, vật lực điều trị cho hơn 30 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 20 bệnh nhân được phát hiện trong khu cách ly là người về từ các vùng dịch phía Nam. Tại Hà Tĩnh, đến ngày 30.7 đã ghi nhận 12 ca mắc Covid-19 trong số những người từ TP. Hồ Chí Minh được tỉnh đón về quê bằng tàu hỏa. Dẫu làm hết trách nhiệm với dân, chia sẻ áp lực với TP. Hồ Chí Minh là việc cần kíp, nhưng các tỉnh cũng cần phải tính toán thận trọng để những cuộc “hồi hương” mang lại sự an toàn cho người về lẫn người dân đang sống ở quê nhà.

Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương giữ cho mình “khỏe” cũng là cách giúp sức TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, để lực lượng y tế có thể tập trung cho TP. Hồ Chí Minh dập dịch. Giải pháp không tổ chức đón người dân về quê, mà tìm cách hỗ trợ tối đa cho người dân như Quảng Bình đang thực hiện cần được tham khảo, xem xét nhân rộng. Đến nay, tỉnh đã huy động được hơn 3,5 tỷ đồng cho người dân khó khăn ở TP. Hồ Chí Minh và tiếp tục hỗ trợ thêm. Đưa người từ vùng dịch về “vùng xanh” là đánh cược về sự rủi ro lây lan dịch bệnh. Không để dân vì thiếu ăn mà lũ lượt về quê, uy hiếp “vùng xanh”. Các địa phương hỗ trợ thực phẩm, vật chất để người dân chịu khó ở yên trong thời gian giãn cách là phương án tốt nhất bởi chi phí này sẽ thấp hơn nhiều so với đưa đón, cách ly, xét nghiệm…

Trong Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 chiều 31.7, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang giãn cách xã hội tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”. Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31.7.2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Chúng ta đã thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết F1, F0. Điều này cũng cần được áp dụng với các hộ nghèo trong thời gian giãn cách. Cách thực hiện như Quảng Bình rất cần được áp dụng rộng rãi để tiết kiệm nguồn lực, đem lại sự an toàn cho đồng bào, không gây thêm áp lực liên tỉnh, gây thêm những rối ren trong công cuộc điều hành chống dịch nói chung.