Trong vòng 10 năm tới, xuất khẩu vẫn là chủ đạo
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tìm tăng trưởng “thật” sau những con số

Nhận xét chung về tăng trưởng công nghiệp thương mại giai đoạn 2000- 2010, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Nguyễn Tiến Vỵ cho biết: Công nghiệp Việt Nam phát triển ổn định, có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,9%/năm. Công nghiệp đã tăng trưởng cao ở 3 khu vực sản xuất, nhiều lĩnh vực có sự phát triển nhanh, công nghiệp hỗ trợ cũng bắt đầu hình thành… Hoạt động thương mại, dịch vụ giai đoạn này cũng có sự tăng trưởng lớn về quy mô xuất khẩu, cơ cấu hàng hóa và dịch vụ.

Giáo sư Nguyễn Quang Thái- Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam- đánh giá, không nên để ý về sản lượng tăng bao nhiêu mà phải chú ý vào giá trị gia tăng của từng lĩnh vực, ngành nghề. Đồng quan điểm này, các thành viên của đoàn công tác UBKT Quốc hội cũng cho rằng, phát triển công nghiệp cần có chuyển dịch từ bên trong và đạt chất lượng cao hơn là sự tăng trưởng con số.

PGS. TS Trần Thọ Đạt- Hiệu phó Trường dại học Kinh tế Quốc dân- băn khoăn: “Khi nghiên cứu vĩ mô về vấn đề mô hình tăng trưởng từ nay đến năm 2020, chúng tôi nhận thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo chiều rộng. Trong 26 năm qua, số liệu tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam cho thấy, tăng trưởng về vốn gấp 3 lần so với đóng góp tăng trưởng lao động, điều này dễ dẫn đến việc chúng ta bị mắc vào bẫy thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, qua theo dõi tỷ trọng gia tăng so với sản lượng thì trong vòng 5 năm trở lại đây có xu hướng đi xuống. Một số ý kiến cũng cho rằng, cần có thông tin cụ thể về nhóm ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đến năm 2020; những giải pháp tăng hệ số giá trị trên giá trị sản lượng của những ngành công nghiệp mũi nhọn, những khó khăn nhất hiện nay để phát triển công nghiệp hỗ trợ hiện nay là gì, cần tạo đột phá gì?”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại các bộ, ngành để thấy được bức tranh tăng trưởng hoàn chỉnh, Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Hà Văn Hiền bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn có được những thông tin cũng như những ý kiến đóng góp của Bộ Công Thương về điểm mạnh, yếu của khu vực kinh tế công nghiệp ngoài nhà nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, xu hướng vận động của Ngành Công Thương trong thời gian tới cũng như các đề xuất, chủ trương của Bộ Công Thương… để có được cái nhìn toàn diện, khách quan và chân thực nhất, nhằm phản ánh được mô hình phát triển công nghiệp của đất nước, từ đó định hình được thời gian tới cần làm gì, đặc biệt là có thể đưa những kết quả nghiên cứu của đề tài này vào thực tiễn”.

Vướng từ nhiều phía

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thẳng thắn: Việc phát triển công nghiệp trong thời gian qua dù đã có không ít thành công nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại chủ yếu trong công nghiệp cơ khí chế tạo và hỗ trợ, phụ trợ. Khi hội nhập, chúng ta không yêu cầu ràng buộc, cam kết nên nhiều nhà đầu tư chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp nặng và cơ khí có nhiều nhưng đến thời điểm hiện tại thì việc triển khai thực hiện lại chưa được như ý.

Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng Ngô Văn Trụ bày tỏ: Vướng mắc lớn là một mình Bộ Công Thương không thể làm được, chúng tôi chỉ có thể đưa ra chính sách nhưng khi thực hiện lại rất cần sự đồng tâm của nhiều bộ, ngành. Đơn cử như chương trình cơ khí trọng điểm, dù đã được Chính phủ duyệt dự án nhưng vẫn không có vốn để triển khai. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa có kết quả là do quy mô thị trường chưa đủ lớn để thu hút nhà đầu tư và quy hoạch phát triển nguyên vật liệu của chúng ta chưa có.

Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, chia sẻ: Việc thực hiện các chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp nói riêng và các chính sách của nền kinh tế nói chung chưa thực sự hiệu quả do thiếu sự phối hợp nhuần nhuyễn gữa các bộ, ngành. Bên cạnh đó, chính sách của chúng ta thường triển khai nửa chừng là dừng lại nên gây khó khăn cho kế hoạch phát triển của doanh nghiệp”. Vì thế, cần có chính sách thỏa đáng và nhất quán, làm đến nơi đến chốn. Trong xây dựng chính sách chung cần lưu ý vấn đề này.

Phát triển cả bề rộng và chiều sâu, xuất khẩu vẫn là chỉ đạo

Nêu quan điểm của Ngành Công Thương về định hướng phát triển trong giai đoạn 2011- 2020, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng: phát triển công nghiệp thời gian qua còn tồn tại nhiều vấn đề ở lĩnh vực cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Thực tế, công nghiệp cơ khí chế tạo nếu không có bàn tay Nhà nước thì không ra sản phẩm, thậm chí nếu cho vay không lãi cũng chưa chắc có doanh nghiệp đầu tư. Kiến nghị trong thời gian tới Quốc hội, Chính phủ phải có biện pháp về vốn đầu tư cho các công trình sản xuất ra tư liệu sản xuất.

Lợi thế phát triển công nghiệp của Việt Nam là điện tử, tin học, phần mềm và công nghiệp chế biến nên cần đẩy mạnh cũng như đầu tư sâu cho lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ trọng ngày một tăng nhưng cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu có chính sách hài hòa và hợp lý thì sẽ thúc đẩy được sự phát triển ở khu vực kinh tế này. Bên cạnh đó, vai trò của doanh nghiệp FDI nếu đi đúng hướng thì sẽ có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế và công nghiệp.

Bộ trưởng khẳng định: Chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011- 2020 vẫn phải đi bằng hai chân, một số lĩnh vực vẫn phải mở rộng sản xuất như vải, phân bón, hóa dầu. Nhưng đồng thời phát triển bề sâu một số lĩnh vực để nâng giá trị gia tăng lên. Đặc biệt, với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam hiện nay, trong 10 năm tới vẫn phải lấy xuất khẩu làm chủ đạo- đây vẫn là mô hình cần thực hiện. Lý do chính là chúng ta có những lợi thế trong xuất khẩu, nhất là nhóm về nông nghiệp, thủy sản; ngoài ra nhóm công nghiệp điện tử cũng có lợi thế. Vì thế, theo Bộ Công Thương 5-7 năm tới vẫn phải lấy xuất khẩu là yếu tố chính trong mô hình phát triển kinh tế.

Thùy Linh
Nguồn: Báo điện tử Công thương