TTCK 6 tháng đầu năm: Những sự kiện đáng nhớ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

TTCK đã đi được nửa chặng đường của năm 2009 với nhiều mốc sự kiện đáng nhớ. Có những sự kiện đã trở thành cú híc cho thị trường phát triển nhưng cũng có những sự kiện không ai mong muốn.

Tuy nhiên, dù thế nào, nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý đều hướng đến mục tiêu tạo ra một thị trường tài chính minh bạch. Dưới đây là một số mốc sự kiện đáng chú ý diễn ra trong 6 tháng qua do InfoTV tổng hợp.

Ngày 09/01: Bộ Tài chính lùi thời hạn đánh thuế thu nhập cá nhân đến tháng 5/2009. Luật Thuế thu nhập cá nhân vẫn có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 quy định 10 loại thu nhập sẽ bị chịu thuế. Trong đó có thu nhập tiền lương, tiền công, đầu tư vốn, lợi tức cổ phần, chuyển nhượng vốn, nhượng quyền thương mại, quà tặng, tiền thưởng và bản quyền tác phẩm có giá trị vượt trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn nên chủ trương của Chính phủ là chưa thu thuế đối với các khoản thu nhập này đến hết tháng 5/2009.

Theo tính toán của Bộ Tài chính việc giãn nộp thuế cho tất cả đối tượng thì ngân sách mỗi tháng sẽ thất thu khoảng 1.000 tỷ đồng, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu ngân sách, song đổi lại việc làm này sẽ kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân có thêm chi tiêu để vượt qua tình hình khó khăn.

Ngày 12/01: HOSE thực hiện giao dịch không sàn đối với 69 công ty chứng khoán. Theo đó 69/92 công ty chứng khoán thành viên của HOSE bắt đầu triển khai giao dịch trực tuyến kể từ 12/01/2009. Giao dịch trực tuyến cho phép tự động hóa quá trình nhận lệnh, xử lý và xác nhận giao dịch của nhà đầu tư.

Với việc thực hiện giao dịch trực tuyến, nhà đầu tư có thể ngồi tại nhà đặt lệnh mua bán thông qua phần mềm của công ty chứng khoán, lệnh này sau đó sẽ được chuyển thẳng vào hệ thống của HOSE.

Mỗi công ty chứng khoán đều có đường truyền dung lượng 128 Mb/giây, có khả năng xử lý 220 lệnh trong một giây (trên thực tế sau khi thử nghiệm là 85 lệnh/giây), giúp giải quyết hiện tượng thắt nút cổ chai khi thị trường sôi động như năm 2007.

Với phương thức giao dịch mới được kỳ vọng sẽ xuất hiện các công ty chứng khoán chuyên cung cấp dịch vụ môi giới trực tuyến, không cần tốn chi phí thuê một văn phòng 150 mét vuông làm sàn giao dịch tại các khu trung tâm.

Các công ty này sẽ tiết giảm tối đa chi phí hoạt động và sẽ lấy đó làm lợi thế để cạnh tranh với các công ty khác. Điều này đặt ra vấn đề phải thay đổi điều kiện quản lý đối với các công ty chứng khoán về cơ sở vật chất.

Tháng 2/2009: 15 mã cổ phiếu bị kiểm soát trên sàn HOSE. Chỉ trong vòng 1 tháng, đã có 15 mã cổ phiếu bị kiểm soát trên sàn HOSE và 1 mã cổ phiếu trên sàn Hà Nội bị đưa vào diện kiểm soát do kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm. Đó là cổ phiếu VE1 trên sàn Hà Nội và các cổ phiếu: BHS, FPC, GMD, HAP, IFS, MPC, MTG, PPC, REE, SAM, TPC, TRI, TYA, VHG, VTA trên sàn HOSE.

Danh sách cổ phiếu bị cảnh báo tại HOSE tăng lên 16 kể từ ngày 17/4, khi có thêm sự góp mặt của cổ phiếu KDC (Công ty cổ phần Kinh Đô). Nguyên nhân do báo cáo tài chính năm 2008 KDC sau kiểm toán âm, với mức lỗ trước thuế 61,7 tỷ đồng thay vì lãi 142,3 tỷ đồng như báo cáo tài chính đã lập trước đó.

Cú sốc này đã khiến cho NĐT trở nên bi quan hơn, cộng với đà suy giảm kinh tế đã kéo VN-Index xuống mức đáy 235,50 điểm và Hastc-Index xuống đáy 78,06 điểm trong phiên giao dịch ngày 24/02/2009.

Tuy nhiên, 4/2009, UBCK đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở GDCK TP. HCM và TTGDCK Hà Nội sửa đổi quy chế niêm yết về các nội dung liên quan đến cổ phiếu bị kiểm soát theo hướng phân loại theo cấp độ giám sát (cảnh báo, kiểm soát…). Văn bản này đã “minh oan” cho các mã cổ phiếu khi được chuyển từ diện kiểm soát sang cảnh báo.

Tháng 2/2009: Quyết định 126/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính buộc CTCK phải đóng cửa các ĐLNL sau một năm văn bản này có hiệu lực. Điều này đã gây không ít bất ngờ cho các Công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty có nhiều “cánh tay nối dài” là các đại lý nhận lệnh.

10/02: Công ty niêm yết không đủ điều kiện về vốn phải chuyển sàn

Để thực hiện các quy định về tiêu chuẩn niêm yết tại Nghị định 14/2007/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 10/2/2009, Ủy ban Chứng khoán đã có Công văn số 163/UBCK-PTTT về việc xử lý các công ty không đủ điều kiện niêm yết theo quy định tại Nghị định 14/2007/NĐ-CP.

Cụ thể, các công ty có vốn điều lệ dưới 80 tỷ đồng mà không có kế hoạch tăng vốn thì phải đăng ký kế hoạch chuyển sang niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong vòng 3 tháng kể từ ngày 8/2/2009.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán suy giảm, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc tăng vốn điều lệ đối với các Doanh nghiệp nhỏ gần như là điều không thể. Chính vì vậy, đã có hàng loạt cuộc đổ bộ của các công ty niêm yết xuống sàn Hà Nội trong thời gian qua.

Tháng 3/2009: Hàng loạt CTCK rút bớt nghiệp vụ kinh doanh

Nếu như các công ty niêm yết không đủ số vốn tối thiểu sẽ phải rời sàn HOSE thì các công ty chứng khoán không đủ vốn pháp định tối thiểu 300 tỷ đồng cũng không được cấp phép đủ 4 nghiệp vụ kinh doanh.

Theo Nghị định số 14/2007 quy định cụ thể về vốn pháp định cho các nghiệp vụ kinh doanh của CTCK, môi giới chứng khoán thì vốn pháp định cần có là 25 tỷ đồng, tư vấn đầu tư chứng khoán là 10 tỷ đồng, tự doanh chứng khoán là 100 tỷ đồng và bảo lãnh phát hành chứng khoán là 165 tỷ đồng.

Để thực hiện cả 4 nghiệp vụ trên thì vốn pháp định phải là 300 tỷ đồng. Tháng 3/2009 hàng loạt các CTCK phải rút bớt các nghiệp vụ kinh doanh- trong đó chủ yếu là nghiệp vụ tự doanh và bảo lãnh phát hành- do không thể huy động đủ 300 tỷ đồng vốn pháp định.

18/03: HOSE công bố đưa cổ phiếu IFS vào diện kiểm soát, nâng tổng số cổ phiếu bị kiểm soát tại sàn này lên con số 16.

08/04: UBCK Nhà nước tổ chức Hội nghị các doanh nghiệp niêm yết lấy ý kiến sửa đổi, thay thế Thông tư 38/2007 về minh bạch hóa thông tin trên thị trường thế giới.

03/04: Sàn HOSE lập một kỷ lục mới về tính thanh khoản với hơn 42 triệu đơn vị chuyển nhượng trong 1 phiên, phá kỷ lục hơn 39 triệu đơn vị chuyển nhượng được lập vào tháng 10/2008. Đây là phiên mở đầu cho chuỗi 3 phiên liên tiếp sàn HOSE lập kỷ lục về KLGD khi dừng lại ở con số 55,23 triệu đơn vị vào ngày 08/04.

17/04: Sàn HOSE lập thêm 1 kỷ lục mới về KLGD với hơn 68 triệu đơn vị chứng khoán được chuyển nhượng. Tuy nhiên, đây là là phiên mở đầu cho chuỗi giảm điểm của thị trường sau một thời gian tăng quá nóng.

17/04: HOSE chuyển 15 mã chứng khoán từ diện kiểm soát sang cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu sẽ bị HOSE đưa vào diện cảnh báo nếu rơi vao các trường hợp như: Có nợ quá hạn trên 1 năm hoặc tỷ lệ nợ quá hạn cao hơn 10% tổng vốn chủ sở hữu; Không đủ 100 cổ đông nắm giữ tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty; Lợi nhuận sau thuế của năm tài chính là số âm; Công ty ngừng hoặc bị ngừng các HĐSXKD chính.

Các công ty được chuyển sang diện cảnh báo là: CTCP Đường Biên Hoà (mã CK: BHS); CTCP Full Power (mã CK: FPC); CTCP Đại lý Liên hiệp Vận chuyển (Mã CK: GMD); CTCP Hapaco (mã CK: HAP); CTCP Thực phẩm Quốc Tế (mã CK: IFS); CTCP Thuỷ sản Minh Phú (mã CK: MPC); CTCP MT Gas (mã CK: MTG); CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã CK: PPC); CTCP Cơ điện Lạnh (mã CK: REE); CTCP Cáp và Vật liệu Viễn thông (mã CK: SAM); CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (mã CK: TPC); CTCP Nước giải khát Sài Gòn (mã CK: TRI); CTCP Dây cáp điện Taiya (mã CK: TYA); CTCP Đầu tư Sản xuất Việt Hàn (mã CK: VHG); CTCP Vitaly (mã CK: VTA).

Cũng trong ngày 17/4, HOSE cũng đã đưa cổ phiếu KDC của CTCP Kinh Đô vào diện cảnh báo kể từ ngày 17/4 do có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2008. Như vậy, cùng với 15 cổ phiếu được chuyển diện giám sát, KDC là cổ phiếu thứ 16 bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do có kết quả kinh doanh năm 2008 phát sinh âm.

Ngoài ra, còn có cổ phiếu BTC của CTCP Cơ khí và xây dựng Bình Triệu bị HOSE đưa vào diện kiểm soát từ năm 2005 và BBT của CTCP Bông Bạch Tuyết bị đưa vào diện bị kiểm soát từ năm 2008.

17/4: Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội có quyết định đưa 9 mã cổ phiếu niêm yết trên sàn này vào diện bị cảnh báo.

Các cổ hiếu của các công ty bị đưa vào diện bị cảnh báo gồm các công ty cổ phần Gạch men Viglacera Thăng Long (mã chứng khoán TLT); Sara Việt Nam (SRA); Nam Vang (NVC); Đầu tư CMC (CMC); Sữa Hà Nội (HNM); Chứng khoán Kim Long (KLS); Chứng khoán Bảo Việt (BVS); Xây dựng Điện VNECO 1 (VE1); Chứng khoán Hải Phòng (HPC).

Lý do bị đưa vào diện kiểm soát là các công ty trên bị lỗ trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2008. Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, sẽ có thông báo về việc đưa các cổ phiếu trên ra khỏi diện bị cảnh báo sau khi họ khắc phục được tình trạng nêu trên.

Tháng 5/2009: NĐT sống với những tin đồn thất thiệt trên TTCK với những thông tin liên quan đến cổ phiếu của Vinaconex, PVFC, Chứng khoán Sài Gòn, Nhựa Thiếu niên Tiền phong…

01/06: Quyết định số 55/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tối đa 49% cổ phần tại công ty đại chúng. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2009 và thay thế Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg ngày 29/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy định trước đó, tỷ lệ sở hữu của nhóm này tại công ty cổ phần chưa niêm yết tối đa là 30%, tại các công ty niêm yết là 49% (ngoại trừ quy định chuyên ngành).

09/06: Lần đầu tiên thị trường đạt kỷ lục mới về giá trị giao dịch trên cả hai sàn khi phiên giao dịch ngày 09/06 ghi nhận trên 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch thông qua hai sàn. Đây là một trong những phiên giao dịch tiêu biểu cho thời kỳ tăng quá nóng của thị trường.

10/06: Chỉ 1 ngày sau đó, ngày 10/06/2009, sàn HOSE lập một kỷ lục mới cả về khối lượng cũng như giá trị giao dịch với 101.774.520 đơn vị chuyển nhượng và 3.101,02 tỷ đồng giá trị giao dịch chỉ trong vòng 1 phiên. Đây cũng là kỷ lục mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một kỷ lục mới nào có thể thay thế.

15/06: Thị trường bắt đầu một đợt điều chỉnh giảm sâu sau khoảng 3 tháng tăng nóng với mức giảm 16,07 điểm và chính thức kéo VN-Index rời khỏi ngưỡng 500 điểm kể từ đó đến nay.

17/06: Kỷ lục về giao dịch mới được lập trên sàn Hà Nội với 56.521.170 cổ phiếu được chuyển nhượng và giá trị giao dịch đạt 2.197,767 tỷ đồng.

24/06:Khép lại các mốc sự kiện đáng nhớ nhất trong 6 tháng đầu năm đối với TTCK là 2 sự kiện diễn ra cùng ngày 24/06/2009. Đó là việc Sở GDCK Hà Nội chính thức được thành lập và chính thức ra mắt thị trường chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).

Hai sàn cùng tăng điểm sau 6 tháng đầu năm

6 tháng đầu năm 2009 đã chứng kiến những những cung bậc khác nhau trên TTCK, có những tháng ngày mật ngọt đối với NĐT, nhưng cũng có những thời kỳ đáng quên, nhất là khoảng 2 tháng đầu năm.

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường đã có nửa năm khá thành công nếu so với cả năm 2008. Tính đến hết ngày 30/06/2009, VN-Index đã tăng 132,67 điểm(42,03%) và HNX-Index tăng 44,57 điểm (42,66%) so với thời điểm kêt thúc năm 2008.

Đây là một bước tiến dài của thị trường nếu như nhìn lại 6 tháng đầu năm 2008, VN-Index “bốc hơi” 527,62 điểm (56,91%), còn HASTC-Index giảm 211,49 điểm (65,37%) so với thời điểm kết thúc năm 2007.

Sự tăng trưởng khá nóng của thị trường đã làm nên một khối lượng giao dịch khổng lồ trên cả hai sàn. Tính chung, đã có hơn 3,6 tỷ (con số chính xác là 3.672.059.755) cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng trên sàn HOSE sau đúng 120 phiên giao dịch trong 6 tháng qua, tăng 229,69% so với cùng kỳ năm 2008.

Giá trị chứng khoán giao dịch trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm đạt  hơn 107 nghìn tỷ đồng (con số chính xác là 107.030,48 tỷ đồng), tăng 88,95% so với cùng kỳ năm 2008.

Trong khi đó, khối lượng giao dịch trên sàn Hà Nội trong 6 tháng qua đạt gần 2 tỷ cổ phiếu (con số chính xác là 1.994.810.644 cổ phiếu), tăng 436,16% so với cùng kỳ năm 2008.

Giá trị giao dịch toàn sàn trong 6 tháng đầu năm đạt gần 56 nghìn tỷ đồng (con số chính xác là 55.972,849 tỷ đồng), tăng 185,91% so với cùng kỳ năm 2008.

Theo Nguyễn Tuân InfoTV.vn