Từ tháng 5/2011, CPI có xu hướng giảm dần
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tác động tâm lý đẩy CPI tháng 4 tăng cao

Theo Tổ điều hành thị trường trong nước, trong cơ cấu tính CPI tháng 4, các nhóm tiếp tục có mức tăng cao là nhóm giao thông (tăng 6,04%), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,5%, các nhóm còn lại đều mức tăng từ 0,02 đến 1,63%. Đồng thời, CPI khu vực thành thị và nông thôn cũng tăng tương đương mức 3,32%.

Như vậy, CPI 4 tháng đầu năm đã tăng 9,64% so với tháng 12/2010. Trong cơ cấu chỉ số giá, nhóm có mức tăng cao nhất là nhóm giao thông tăng 15,2% (do điều chỉnh giá xăng dầu, cước vận tải), tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 13,19% (do giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình đều tăng), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 10,56%, các nhóm còn lại tăng từ 2,42 đến 5,95%.

Các chuyên gia Tổ điều hành phân tích, nguyên nhân chủ yếu làm CPI 4 tháng đầu năm 2011 tăng cao là do: Giá nhiều hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng, ảnh hưởng tới giá hàng nhập khẩu, gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước, cùng với việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng đã tác động đến giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng và nguyên liệu nhập khẩu. Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, dịch bệnh lan rộng ảnh hưởng đến nguồn cung nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm tươi sống. Nhu cầu tiêu dùng mang tính mùa vụ. Chi phí đầu vào tăng (mặt bằng lãi suất ở mức cao, điều chỉnh tăng giá điện, than, xăng dầu, điều chỉnh tăng lương…) đã tác động đến giá thành hầu hết các mặt hàng trên thị trường.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đều thống nhất cho rằng, CPI vừa qua tăng đột ngột chủ yếu do hai nhóm thực phẩm và giao thông vận tải. Trong đó, nhóm thực phẩm và ăn uống dịch vụ ngoài gia đình đã đóng góp vào cơ cấu tính CPI tới 55,8%, nhóm giao thông vận tải chiếm 14,3% nên tác động rất lớn vào CPI chung cả nước.

Tuy nhiên, qua phân tích của đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, hiện nguồn cung thực phẩm tươi sống, nhất là thịt lợn không thiếu, hiện số đầu lợn và đàn lợn đang phục hồi trở lại, nhưng tăng chủ yếu ở những nơi nuôi tập trung và tại các trang trại chăn nuôi. Ông Lê Bá Lịch- Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam- cũng cho biết, trong tháng 4 giá thức ăn chăn nuôi chỉ tăng nhẹ (khoảng 2%), vì thế, lý do tăng giá thịt lợn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao là không đúng, hiện người chăn nuôi gia súc, gia cầm vẫn có lãi.

Nhận xét về việc tăng giá thực phẩm tươi sống, ông Trương Quang Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương- cho rằng: Trong khi nguồn thực phẩm không thiếu, tỉ lệ đàn gia súc, gia cầm đang phục hồi, giá thức ăn chăn nuôi không tăng cao, chi phí đẩy không ảnh hưởng nhiều đến người nuôi, người chăn nuôi vẫn có lãi thì việc giá thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống tăng cao là không hợp lý. Như vậy ở đây có yếu tố tăng giá do tâm lý.

Cũng có ý kiến cho rằng, còn có một nguyên nhân khiến giá thực phẩm tươi sống trong nước tăng cao, là vừa qua giá lợn hơi tại Việt Nam thấp hơn Trung Quốc làm cho một lượng lớn lợn Việt Nam đã xuất khẩu qua biên giới.

Đối với các mặt hàng vật liệu xây dựng, qua phân tích của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, giá bán thép tại các cơ sở sản xuất đã ổn định trong một thời gian dài và đang có xu hướng giảm nhẹ, vì giá chào phôi thép giảm 5-10 USD/tấn so với cuối tháng 3, trong khi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhiều dự án, công trình bị cắt giảm, giãn hoặc hoãn tiến độ ảnh hưởng làm giảm nhu cầu sử dụng sắt thép. Hiện giá bán thép tại miền Bắc khoảng 16,51- 16,55 triệu đồng/tấn (Giang thép Thái Nguyên và VPS), miền Nam từ 16,32 đến 17,14 triệu đồng/tấn (Thép miền Nam, Vinakyoei). Nếu tính cả thuế VAT, giá bán buôn tại các nhà máy dao động khoảng 18- 18,8 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, Hiệp hội Thép thừa nhận, giá bán thép qua các trung gian, đại lý trên thị trường là bao nhiêu thì không kiểm soát được.

Từ các ý kiến của các thành viên cho thấy, chi phí đẩy như giá điện, giá than, xăng dầu trong tháng 4 có tăng nhưng mức tăng không cao như mức tăng của các mặt hàng thực phẩm, vật liệu xây dựng hay cước giao thông vận tải. Vì vậy, các thành viên Tổ điều hành kiến nghị, các địa phương cần phải tăng cường công tác kiểm soát giá, có biện pháp quản lý giá thực phẩm, vật liệu xây dựng và cước giao thông vận tải, tránh để thị trường tăng giá cao do yếu tố tâm lý.

Tháng 5, CPI có xu hướng giảm

Theo Tổ điều hành thị trường, trong tháng 5, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động từ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: Giá nhiều mặt hàng nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu cũng như gây sức ép tăng giá trên thị trường hàng hóa. Tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, dịch bệnh đã từng bước được khống chế nhưng vẫn diễn ra trên diện rộng khiến người chăn nuôi chưa dám tái đàn mạnh. Cung ứng điện trong mùa khô có thể ảnh hưởng tới sản xuất của một số ngành. Việc tăng mức lương tối thiểu áp dụng từ 1/5 cùng với tác động của mặt bằng giá mới (nguyên nhiêu liệu) tiếp tục làm gia tăng chi phí đầu vào. Kỳ nghỉ lễ dài (30/4- 1/5) sẽ làm gia tăng nhu cầu du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

Tuy nhiên, trong bối cảnh một số vật tư thiết yếu đang tiếp tục ổn định và với hiệu quả ban đầu của các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự báo chỉ số giá tiêu dùng từ tháng 5 vẫn sẽ cao nhưng có xu hướng giảm dần.

Để tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất nhằm bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho thị trường, đồng thời tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, một số hiệp hội ngành hàng kiến nghị:

Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, bảo đảm giữ vững cân đối cung- cầu các mặt hàng trọng yếu với giá bán hợp lý.

Các địa phương chủ động có kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu chống thiên tai, bão lũ và ổn định đời sống nhân dân.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá đối với các mặt hàng thiết yếu thuộc diện bình ổn giá nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Thanh Hương
Nguồn: Báo điện tử Công thương