Ưu đãi thuế GTGT cho dịch vụ xuất khẩu: vướng nhiều đường
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thuế suất ưu đãi

Việc áp dụng mức thuế suất trên giúp giảm giá thành dịch vụ xuất khẩu, từ đó làm tăng cơ hội cạnh tranh cho các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam. Ngoài ra, nó còn giúp doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ có thể được khấu trừ hay được hoàn lại số thuế GTGT đầu vào của các loại hàng hóa, dịch vụ mà họ đã mua trong nước cho việc xuất khẩu dịch vụ. Từ đó, doanh nghiệp có thêm điều kiện tài chính để đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân sự, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, việc xây dựng các tiêu chí cơ bản nhằm xác định khi nào thì dịch vụ xuất khẩu được hưởng thuế suất GTGT 0% lại không rõ ràng.

Từ “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”…

Trước thời điểm 1-1-2009, bên cạnh hai điều kiện phụ là: (i) phải có hợp đồng ký với người mua ở nước ngoài theo quy định của Luật Thương mại; và (ii) người mua nước ngoài thanh toán tiền dịch vụ cho cơ sở cung cấp dịch vụ tại Việt Nam (Thông tư 84/2004/TT-BTC ngày 18-8-2004), thì điều kiện tiên quyết cho việc doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ được áp dụng mức thuế suất GTGT 0% là dịch vụ phải được “tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam”.

Tuy nhiên, khái niệm này lại không được định nghĩa hay hướng dẫn cụ thể dẫn đến tình huống là các cơ quan thuế địa phương mỗi nơi giải thích một kiểu trong một thời gian dài. Có nơi giải thích “dịch vụ tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam” là dịch vụ được tiêu dùng ở nước ngoài, không dính dáng gì đến Việt Nam. Có nơi hiểu là nếu dịch vụ đó phục vụ cho lợi ích của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam thì sẽ không được coi là tiêu dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Một số nơi còn giải thích rộng hơn là chỉ cần dịch vụ đó có liên quan, hay đề cập đến Việt Nam là có thể được xem như tiêu dùng tại Việt Nam rồi.

Ví dụ: công ty A được thành lập theo luật nước ngoài chuẩn bị thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Công ty A có sử dụng dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam của công ty tư vấn B tại Việt Nam. Sau khi hoàn tất việc cung cấp dịch vụ, công ty B xuất hóa đơn GTGT 0% cho công ty A.

Cuối năm, khi kiểm tra thanh quyết toán công ty B, cơ quan thuế địa phương đã không đồng ý việc xuất hóa đơn GTGT 0% vì cho rằng việc nghiên cứu thị trường dù là cung cấp cho công ty A nhưng lại phục vụ cho mục đích thành lập công ty con của công ty A tại Việt Nam và như vậy dịch vụ đó vẫn được xem là “tiêu dùng tại Việt Nam” và phải chịu mức thuế suất 10% thay vì 0%.

Tuy nhiên lúc này công ty A không chịu trả vì họ đã quyết toán toàn bộ chi phí thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam với bộ phận kế toán tập đoàn, và công ty B buộc phải “ôm” luôn số tiền 10% thuế GTGT mà đáng ra công ty A phải chịu và lại còn bị phạt vi phạm hành chính vì nộp chậm tiền thuế GTGT nữa.

Đến “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam”…

Từ thời điểm 1-1-2009 trở đi, khoản 1, điều 6, Nghị định 123/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 8-12-2008 (Nghị định 123) và điểm 1 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 26-12-2008 (Thông tư 129) đã đưa ra tiêu chuẩn mới là tổ chức ở nước ngoài “không có cơ sở thường trú tại Việt Nam” để được hưởng thuế suất thuế GTGT 0% đối với dịch vụ xuất khẩu nói chung (trừ một số dịch vụ không được hưởng thuế suất 0% như tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài).

Thông Tư 129 lại vấp phải rắc rối là không hướng dẫn làm thế nào để xác định được tổ chức ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Điều này thật sự gây khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế trong việc thực hiện yêu cầu này.

Điều 2 Nghị Định 123 và Công văn 3824/TCT-CS của Tổng cục Thuế ngày 18-9-2009 (Công văn 3824) có hướng dẫn khái niệm “cơ sở thường trú tại Việt Nam” được xác định theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và các nước.

Tuy nhiên, dù có định nghĩa về cơ sở thường trú như nêu ở trên, trong thực tiễn, vào thời điểm ký hợp đồng dịch vụ với các tổ chức ở nước ngoài, bên cung cấp dịch vụ ở Việt Nam không tài nào biết được là bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không, chỉ khi có khẳng định của bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài thì mới xuất hóa đơn GTGT 0%.

Trong một số trường hợp mà số tiền thuế GTGT phải trả lớn, bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài nộp đơn lên cơ quan thuế Việt Nam xin được xác nhận là họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Nhưng thường yêu cầu này không được đáp ứng vì hiện không có cơ chế để cơ quan thuế cấp giấy xác nhận này.

Thậm chí, nếu có cơ chế để cấp giấy xác nhận đi nữa thì cơ quan thuế Việt Nam cũng khó mà kiểm tra một cách thấu đáo việc vào thời điểm đó, bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài đó có cơ sở thường trú tại Việt Nam hay không. Hơn thế nữa, vì tính phức tạp của nó, thời gian chờ đợi được cấp giấy xác nhận (nếu có) hẳn sẽ rất lâu, mà các bên ký kết hợp đồng đôi khi không thể chờ đợi được vì sự cấp bách của giao dịch mà họ muốn giao kết.

Do vậy, để giảm thiểu rủi ro, thực tế bên cung cấp dịch vụ Việt Nam, trong một số trường hợp mà mức lợi nhuận thu được từ việc cung cấp dịch vụ không cao (dưới 10%), đã yêu cầu điều kiện tiên quyết cho việc ký kết hợp đồng là phải được xuất hóa đơn thuế GTGT 10%.

Đối với một số trường hợp khác, hai bên thỏa thuận rằng bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài sẽ cam kết bằng văn bản việc họ không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Nếu sau đó, cơ quan thuế khẳng định bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam vào thời điểm ký kết hợp đồng dịch vụ hay trong trong thời gian thực hiện hợp đồng thì họ sẽ hoàn lại tiền thuế GTGT cho phía Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này cũng không giảm bớt rủi ro cho bên cung cấp dịch vụ Việt Nam vì việc kê khai và trả thuế hiện nay là theo cơ chế tự khai, tự nộp. Chỉ một thời gian tương đối lâu sau khi xuất hóa đơn cho bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài thì cơ quan thuế mới thanh quyết toán thuế của bên cung cấp dịch vụ Việt Nam (có thể là 2-3 năm sau đó). Lúc này bên cung cấp dịch vụ Việt Nam có thể không còn giao dịch với bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài đó nữa. Hoặc bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài, vì lý do nào đó, không còn tồn tại nữa để bên Việt Nam có thể yêu cầu họ thanh toán khoản thuế 10% nói trên.

Cần một hướng dẫn dễ áp dụng và thực tế hơn

Để giải quyết dứt điểm những vướng mắc mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Việt Nam gặp phải, Nhà nước nên xem xét lại việc xác định tiêu chí cơ sở thường trú để áp dụng mức thuế suất 0% cho dịch vụ xuất khẩu. Nếu vẫn muốn duy trì tiêu chí cơ sở thường trú để xác định dịch vụ thực tế có xuất khẩu hay không thì cần có cơ chế để bên cung cấp dịch vụ tại Việt Nam có thể xác định được tình trạng của đối tác nước ngoài, qua đó xác định được chính xác nghĩa vụ thuế của giao dịch.

Ngược lại, nếu việc xác định tình trạng cơ sở thường trú là khó khả thi thì nên chăng xem xét thu hẹp khái niệm cơ sở thường trú tại Việt Nam. Điều này vừa có ý nghĩa giúp việc xác định có hay không có cơ sở thường trú của bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài tại Việt Nam dễ dàng hơn, lại vừa có ý nghĩa mở rộng diện được hưởng ưu đãi thuế GTGT của các doanh nghiệp xuất khẩu dịch vụ. Nhất là đối với các giao dịch mà doanh nghiệp không được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ vì bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài có cơ sở thường trú ở Việt Nam mà hoạt động của cơ sở thường trú này hầu như không ảnh hưởng đến tính chất “xuất khẩu dịch vụ” của giao dịch.

Trong trường hợp Nhà nước thấy cần khuyến khích hơn nữa hoạt động xuất khẩu dịch vụ, việc sử dụng tiêu chí cơ sở thường trú tại Việt Nam là không cần thiết nữa, hoàn toàn có thể xác định sản phẩm dịch vụ đã được xuất khẩu thông qua việc yêu cầu phải có hợp đồng cung ứng dịch vụ giữa tổ chức Việt Nam với bên yêu cầu dịch vụ ở nước ngoài và chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng cũng như các chứng từ khác theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hữu Phước (*)
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
_______________________________

(*) Công ty Luật Phước & Partners