Vì sao CPI tháng 5 tiếp tục giảm sâu?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cục Thống kê Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của hai thành phố lớn này. Theo đó, CPI tiếp tục giảm so với tháng trước: Hà Nội giảm 0,22% và TP Hồ Chí Minh giảm 0,16%. Giới phân tích khẳng định, nếu tháng 3 CPI giảm là theo quy luật hàng năm, các loại hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đều giảm sau Tết thì tháng 5, CPI giảm lại do nhu cầu tiêu dùng của người dân thu hẹp do thắt chặt chi tiêu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tại Hà Nội tháng 4.2013 chỉ tăng 1,7% so với tháng trước và dự báo cũng sẽ không tăng cao trong tháng 5 này. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh sau khi tăng nhẹ 2,8% trong tháng trước cũng được dự báo tăng không đáng kể trong tháng 5 này đã cho thấy rõ hoạt động mua bán cầm chừng của người tiêu dùng.
Nhìn vào 11 nhóm hàng trong rổ hàng hóa tính CPI của TP Hồ Chí Minh, đáng lưu ý một số nhóm hàng có mức giá giảm là: nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (-1,45%); giao thông (-0,52%), hàng hóa và dịch vụ khác (-0,31%), nhiều chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, các chính sách vĩ mô của Nhà nước đã đi đúng hướng, nhất là Nghị quyết 02 của Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản và khơi thông nguồn vốn tín dụng, nhưng khi triển khai thực hiện lại chưa thực sự hiệu quả. Ví như lĩnh vực vật liệu xây dựng, trong đó thép và xi măng là 2 mặt hàng chính của ngành xây dựng, qua 4 tháng mùa khô và vẫn đang trong mùa xây dựng nhưng lượng thép tồn kho cao cho dù đã chủ động giảm sản lượng sản xuất.

Đồng quan điểm phải tập trung tạo sức mua, tăng nguồn cung, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, chính sách mới tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho phía cung, nhưng bản chất của hoạt động doanh nghiệp là phải bán được hàng, sức mua yếu thì mọi sự hỗ trợ chỉ vào doanh nghiệp đều phản tác dụng. Theo ông Ánh, điều quan trọng là phải xử lý phía cầu, tức là xử lý sức mua. Có như vậy thì mới giải quyết hài hòa khó khăn của doanh nghiệp hiện nay dựa trên cơ chế thị trường, sự vận hành của thị trường.

Cùng những giải pháp đẩy mạnh sức mua như giảm các loại thuế đánh vào người tiêu dùng như thuế VAT, giá trị gia tăng, các doanh nghiệp cho rằng, cũng cần xem xét miễn, hoãn các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp vì hiện tại hầu hết doanh nghiệp đang cố gắng để tồn tại, duy trì sản xuất và thu nhập cho người lao động chứ không có lãi, trong khi việc tiếp cận vốn lại cực kỳ khó khăn, cho dù Ngân hàng Nhà nước khẳng định lãi suất đã giảm, điều kiện đã nới lỏng hơn. Theo Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Kinh Bắc Dương Thu Ánh, thời điểm này doanh nghiệp rất khó khăn vì các đơn hàng đặt ít hơn, đầu ra cho sản phẩm hẹp trong khi vay vốn ngân hàng vẫn gặp khó khăn.

Theo TS Nguyễn Đức Thành – GĐ Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học kinh tế – ĐH Quốc gia cho rằng, giải pháp căn cơ nhất lúc này là hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và thị trường. Theo đó, cần hạ lãi suất vay tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ đồng thời với các gói kích thích tiêu dùng để giảm hàng tồn kho, khơi thông thị trường bởi lực cầu hiện nay cũng đang rất yếu.

Liên quan đến các gói kích thích kinh tế, các chuyên gia đặc biệt lưu ý phải rất thận trọng và có sự giám sát chặt chẽ, bởi, nếu kích thích mà dòng tiền chỉ chảy vào các đại doanh nghiệp, các tổng công ty nhà nước lớn nhưng không tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa lại không tiếp cận được với nguồn vốn thì “lợi bất cập hại”. Nhất là khi dòng tiền tung ra lại trở thành dòng tiền nóng chảy vào vàng, chứng khoán, đô la mà những bài học năm 2008 – 2009 đã nhỡn tiền.

Nguyên Long
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân