Vì sao Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất cơ bản?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản 8%/năm trong tháng tháng 3.2010, tháng thứ 4 liên tiếp, liệu có hợp lý trong bối cảnh diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường đang “đòi hỏi” một động thái ngược lại?

Trong một báo cáo công bố vào ngày 24.2.2010, Ngân hàng HSBC cũng cho rằng, áp lực giá cả leo thang hiện nay có thể dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản thêm 1 điểm phần trăm vào tháng 3.2010.

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,96% so với tháng trước, mức tăng cao nhất kể từ tháng 7.2008. Như vậy, CPI của 2 tháng đầu năm đã lên tới 3,35%, trong khi chỉ tiêu lạm phát của cả năm dưới mức 7%.

Các ngân hàng thương mại cũng đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước nâng lãi suất cơ bản để tăng khả năng huy động nhằm cải thiện tính thanh khoản.

Lời giải nào cho bài toán tăng trưởng cao, lạm phát thấp?

Có nhiều lý do để Ngân hàng Nhà nước buộc phải đi ngược lại với mong đợi của thị trường.

Một là lựa chọn thứ tự ưu tiên giữa tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát. Chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ năm 2010 là tăng trưởng đạt 6,5% và lạm phát dưới mức 7%. Chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2009 (5,32%), trong khi mục tiêu kiềm chế lạm phát cũng không được nới lỏng (lạm phát năm 2009 là 6,52%).

Rõ ràng, làm sao để vừa tăng trưởng cao vừa lạm phát thấp là bài toán vĩ mô khó có thể tìm được lời đáp vẹn cả đôi đường. Giải pháp tối ưu là chọn ra mục tiêu cần được ưu tiên. Với việc chọn cách duy trì mức lãi suất cơ bản hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ưu tiên cho vấn đề kích thích tăng trưởng kinh tế.

Hai là để giúp các doanh nghiệp “hạ cánh” một cách nhẹ nhàng. Chính phủ đã quyết định ngừng gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn vào đúng ngày 31.12.2009. Sự chấm dứt này là khá sốc đối với các doanh nghiệp vừa mới vượt qua khủng hoảng. Vì thế, cần có chính sách để các doanh nghiệp có thời gian thích nghi với mức lãi suất cao gấp đôi. Và việc duy trì lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước chính là nhằm mục đích này.

Ba là phối hợp một cách hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ngày 11.2.2010, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tăng tỉ giá liên ngân hàng từ 17.941 VND/USD lên mức 18.544 VND/USD, để giảm căng thẳng trên thị trường ngoại tệ và hỗ trợ xuất khẩu. Và việc duy trì lãi suất cơ bản sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có điều kiện tăng lượng thu mua hàng, dự trữ để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiếp đó, vào ngày 12.2.2010, Thủ tướng Chính phủ cũng ký quyết định giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2009. Việc duy trì lãi suất cơ bản là nhằm tài trợ bổ sung nguồn vốn doanh nghiệp với chi phí vốn thấp để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Bốn là yếu tố tâm lý. Mối lo ngại lạm phát đôi khi còn đáng sợ hơn lạm phát. Trong tháng 3.2010, Chính phủ sẽ tăng giá đồng loạt than, điện, nước. Những nhân tố mới này sẽ đẩy CPI lên cao hơn. Vì thế, cần có thêm thời gian “yên tĩnh” để tích lũy nội lực chống chọi với “bão”. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước chưa vội tăng lãi suất cơ bản nhằm tránh đẩy cao chi phí vốn của doanh nghiệp.

Tác động bên ngoài

Đêm 24.2.2010 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp 0-0,25% và dự kiến kéo dài cả năm để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ. Điều này đã củng cố quyết định của Ngân hàng Nhà nước vì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

 

Mặt khác, nền kinh tế thế giới, về cơ bản, đã thoát khỏi suy thoái, nhưng chưa phục hồi. Vì thế, giá nguyên liệu chưa tăng cao. Để tranh thủ cơ hội này, Ngân hàng Nhà nước đã duy trì lãi suất hiện tại nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tài trợ để nhập khẩu nguyên vật liệu, năng lượng với giá thấp, phục vụ phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Qua đó, gián tiếp làm giảm CPI.

Nhìn vào cơ cấu tăng CPI tháng 2 có thể thấy, trong 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống dẫn đầu với mức tăng tới 3,09% so với tháng trước. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong tháng Tết là nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá nhóm này tăng mạnh. Cùng lý do trên, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,27%; may mặc, mũ nón, giày dép 1,39%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,22%. Việc tăng giá xăng dầu vào ngày 14.1 cùng với nhu cầu đi lại nhiều trong tháng qua đã đẩy chỉ số giá nhóm giao thông tăng 1,45%. CPI nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 1,75% so với tháng trước. Như vậy, CPI tăng có nguyên nhân từ cầu kéo, chứ không phải do chi phí đẩy. Và đây là cơ sở quan trọng hỗ trợ cho quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Tác giả: ThS. Trần Đình Uyên(*)
Nguồn: Tạp chí NCĐT 08/03/2010

(*) Giảng viên Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng