Vì sao người dân khó mua ngoại tệ từ "kênh chính thống"?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nếu xuất trình đủ giấy tờ hợp lệ và ngân hàng có đủ nguồn cung sẽ bán USD cho cá nhân”. Đó là câu trả lời chung của hầu hết các ngân hàng (NH) trước tình trạng nhiều người dân phản ánh không thể mua được ngoại tệ khi có nhu cầu thiết yếu, chính đáng. Về lý do thứ nhất, tất nhiên khách hàng sẽ phải chấp nhận vì không đủ giấy tờ, còn lý do thứ hai, dù rằng đây thực sự là cái khó của các NH, nhưng thiệt hại cuối cùng vẫn thuộc về người đi mua USD, nếu NH cố tình gây khó.  

Muốn mua USD ở ngân hàng, phải có giấy tờ gì?

Trước thông tin nhiều người dân phán ánh về việc dù có nhu cầu chính đáng như đi du lịch, công tác nước ngoài… song họ vẫn không thể mua được USD từ phía các NH. Thậm chí, một độc giả ở TP Hồ Chí Minh trong ngày 11/3 đi đến 7 NH để mua USD đi du lịch nước ngoài đều bị từ chối với lý do “NH không đủ nguồn cung”.

Ngày 14/3, trong vai người có nhu cầu mua ngoại tệ để đi du lịch nước ngoài, chúng tôi đã trực tiếp đến một số NH trên địa bàn Hà Nội để “mục sở thị”. Tại một chi nhánh của NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên phố Lê Lai, ngay sau khi ngỏ ý muốn mua ngoại tệ về việc đi du lịch, công tác nước ngoài, một nữ nhân viên cho biết: Nếu mang đủ các giấy tờ như hộ chiếu, visa nước đến, vé máy bay, công văn cử đi công tác của cơ quan chủ quản… thì NH sẽ bán. Tuy nhiên, về định mức, khách hàng sẽ được mua các loại ngoại tệ khác tương đương 3.000 USD. Còn nếu mua USD, chỉ được mua đúng… 100 USD.

Tại NH TMCP Sài Gòn, chi nhánh Hồ Xuân Hương, nhân viên phòng giao dịch ngoại tệ cho chúng tôi biết: Với nhu cầu mua USD đi du lịch, khách hàng có thể mua được tối đa 5.000 – 7.000 USD, với mức giá cao hơn giá niêm yết một chút (?!). Tuy nhiên, khách hàng cần phải có các giấy tờ chứng minh như visa, hộ chiếu và vé máy bay để làm thủ tục mua USD.

Trường hợp mua USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh, cần có giấy tiếp nhận khám chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh nước ngoài hoặc giấy giới thiệu ra nước ngoài chữa bệnh của cơ sở chữa bệnh trong nước; giấy thông báo chi phí hoặc dự tính chi phí của cơ sở chữa bệnh nước ngoài; bản sao hộ chiếu của người bệnh…

Có thể nói rằng, với những quy định khắt khe của các NH, việc đáp ứng các yêu cầu về mặt giấy tờ đối với nhiều người có nhu cầu mua USD chính đáng đã là khó. Tuy nhiên, bất cập hơn nữa là với việc chỉ cho mua trong giới hạn từ 3.000 USD đến 7.000 USD sau khi đã phải chạy đôn chạy đáo để đáp ứng tất cả các yêu cầu về mặt thủ tục đối với những gia đình có con đi du học, người thân đi khám chữa bệnh là không thực tế. Bởi với số USD được phép mua đó không thể nào đáp ứng được nhu cầu của họ.

Thế mới có chuyện, một thời gian dài thay vì tìm đến các NH với rất nhiều thủ tục mà lại không đáp ứng đủ nhu cầu, nhiều gia đình có con đi du học hoặc ra nước ngoài khám chữa bệnh đã tìm đến các “kênh” khác để mua ngoại tệ.

Ngân hàng kêu khó vì thiếu nguồn cung

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) khẳng định: Vietinbank luôn cố gắng đáp ứng tối đa nhu cầu ngoại tệ chính đáng của khách hàng. Tuy nhiên, đối với những khách hàng có nhu cầu mua trong vòng mấy nghìn USD, thì hầu như Vietinbank đều có thể đáp ứng, còn trường hợp mua quá nhiều, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn USD, thì Vietinbank sẽ phải cân nhắc nguồn cung để đảm bảo có đủ đáp ứng không.

“Nếu rất nhiều khách hàng đến với chúng tôi, mà nguồn cung của chúng tôi đã cạn kiệt, thì chắc chắn chúng tôi sẽ không thể đáp ứng. NH cũng là một doanh nghiệp, kinh doanh phụ thuộc vào nguồn cung-cầu. NH không bán USD cho chúng tôi, doanh nghiệp không bán USD cho chúng tôi; nguồn USD “chợ đen” thì đã đóng băng, thậm chí nếu không đóng băng, chúng tôi cũng không thể mua ở đó với giá cao rồi lại bán lại cho khách hàng với giá của Nhà nước. Thế nên, trong túi tôi có 10 đồng, chúng tôi cũng chỉ có thể bán cho khách hàng tối đa là 10 đồng, không thể bán lên 11 đồng được. Nếu khách hàng đến với chúng tôi quá đông, mà nguồn quỹ đã hết, thì chúng tôi cũng đành bó tay”, ông Hùng khẳng định.

Cùng quan điểm như Vietinbank, “ông lớn” Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng khẳng định ngân hàng này luôn chỉ đạo các chi nhánh đáp ứng tối đa nhu cầu chính đáng của khách hàng.

Còn đại diện phòng kinh doanh ngoại tệ của Vietcombank thì cho rằng dù chủ trương là sẽ triển khai việc mua bán ngoại tệ cho người dân trong phạm vi quy định của pháp luật, nhưng trong trường hợp, có những chi nhánh, vì lý do này hay lý do khác, không thể bán được cho khách hàng là điều bất khả kháng.

“Hầu hết các khách hàng đi nước ngoài “chuyên nghiệp” hoặc có nhu cầu USD thường xuyên như có con cái đi du học…, họ đều thường là khách hàng “ruột” của một chi nhánh nào đó, luôn được tạo điều kiện tối đa, nên việc khó mua USD thường không rơi vào nhóm đối tượng này. Những người kêu khó chủ yếu là những khách lai vãng, năm thì mười họa mới đi nước ngoài một lần, thường thì họ hay ra “chợ đen” để mua bán, trao đổi, chỉ trong thời điểm này, khi “chợ đen” ngừng giao dịch, họ mới tới NH. Do thời gian gấp rút, do chưa quen với các thủ tục, nên hầu hết những khách hàng này đều không đáp ứng đủ các giấy tờ hợp lệ, NH sẽ rất khó giải quyết. Không bán thì khách hàng kêu, còn bán thì lại không đúng quy định về mua bán ngoại tệ, thậm chí tiếp tay cho tình trạng USD hóa và “chợ đen” phát triển”, vị này chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN cho biết: Mặc dù theo quy định của NHNN, khi người dân cần ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp, như công tác, học tập, chữa bệnh… ở nước ngoài thì có thể đến NH để mua và dựa trên cơ sở chứng từ hợp lệ, các NH sẽ bán ngoại tệ tùy thuộc vào khả năng.

Ông Huy cũng cho rằng, người dân nên ủng hộ kế hoạch “chống USD hóa” của Chính phủ bằng cách thực hiện đúng quy định của Nhà nước và chỉ mua USD để phục vụ các nhu cầu chính đáng. Và để “không bị làm khó”, khi đến NH, cần mang theo giấy tờ thủ tục đầy đủ. Đồng thời, ông Huy cũng gợi ý: Một lựa chọn khác để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngoại tệ ở nước ngoài của người dân là sử dụng thẻ thanh toán quốc tế.

Các đối tượng được mua ngoại tệ

Nghị định quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Ngoại hối do Chính phủ ban hành năm 2006 đã quy định rất rõ: công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài thông qua tổ chức tín dụng với những mục đích sau: Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài.

PV

Một số kinh nghiệm quản lý ngoại tệ của nước ngoài

Nằm trong khu vực châu Á năng động và là những quốc gia đang phát triển như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc cũng đều thực hiện các biện pháp nhằm quản lý ngoại tệ và bảo vệ đồng nội địa.

Ở Campuchia, các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài đều buộc phải sử dụng đồng riel trong hoạt động kinh doanh. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Campuchia Neav Chanthana nói: “Chúng tôi cần lĩnh vực tư nhân sử dụng đồng nội tệ. Người dân Campuchia tin tưởng vào đồng nội tệ”. Việc trả lương cho lao động trong các cơ quan nhà nước và thuế cũng được yêu cầu nộp bằng đồng riel.

Còn tại Thái Lan, từ cuối năm 2006, Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này đã yêu cầu các tổ chức tài chính trong nước giữ lại 30% ngoại tệ đã mua hay trao đổi, trừ những khoản tiền liên quan tới xuất khẩu. Sau 1 năm, các khách hàng có ngoại tệ bị giữ có thể đề nghị trả lại, và sẽ chỉ được hoàn trả 2/3 nếu muốn lấy lại trước thời hạn này. Động thái này đã kiềm chế sự tăng giá của đồng baht và kích thích người dân cũng như doanh nghiệp dùng đồng nội địa thay vì ngoại tệ…

Anh Tuấn

Lệ Thúy – Huyền Thanh

Nguồn: Báo Công an nhân dân điện tử