Vẫn là rào cản thủ tục
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn một số bộ trưởng vào cuối tuần trước, đại biểu Vũ Quang Hải cho biết, tỉnh Hưng Yên có hơn 4.000 doanh nghiệp, nhưng mới có một hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Còn theo Hiệp hội Doanh nhân trẻ, bình quân chỉ có 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được nguồn vốn này.

Có thể số liệu của ông Vũ Quang Hải đưa ra chưa được cập nhật đầy đủ, nhưng chừng ấy cũng đủ cho thấy chính sách trợ giúp của Nhà nước chưa thể đến với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất ở nông thôn.

Tại buổi làm việc với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu hôm 22-3 vừa qua, nguyên nhân chính được các doanh nhân nêu ra khiến các chính sách trợ giúp khó đến được doanh nghiệp nhỏ và vừa là do rào cản thủ tục.

Lâu nay, vấn đề tài sản thế chấp luôn là cản trở đối với khả năng tiếp cận các nguồn tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để giải tỏa ách tắc này, giúp doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất trong giai đoạn khủng hoảng, Chính phủ đã áp dụng cơ chế cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tín chấp ở các ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên, do thủ tục vay tín chấp khó khăn và phức tạp cùng với khác biệt trong quan điểm đánh giá phương án kinh doanh giữa đơn vị bảo lãnh tín chấp và cho vay, nên nhiều doanh nghiệp đành bó tay.

Nhiều năm qua, Việt Nam đã liên tục cải cách môi trường kinh doanh và đã được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là có chính sách thông thoáng và cởi mở.

Thế nhưng, trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2009 khu vực Đông Á – Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam lại bị tụt hạng. Nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính rườm rà, khiến các chính sách vĩ mô khó đi vào thực tế, gây khó khăn và mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp.

Theo Văn phòng Chính phủ, hiện vẫn còn tới 6.500 thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân.

Ngoài giải pháp hỗ trợ 4% lãi suất cho các doanh nghiệp vay vốn, việc đẩy nhanh tiến độ và bơm thêm vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, là biện pháp kích cầu quan trọng. Với mục tiêu góp phần giải tỏa bớt vướng mắc về thủ tục, nhằm tăng tốc độ giải ngân cho các công trình, Thủ tướng đã cho phép được áp dụng hình thức chỉ định thầu cho các gói thầu tới năm tỉ đồng ở các dự án quan trọng.

Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư bằng nguồn ngân sách vẫn chưa được cải thiện. Số vốn giải ngân được của các bộ, ngành trong những tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng một phần mười so với kế hoạch của cả năm.

Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, điều người dân và cộng động doanh nghiệp mong mỏi nhất là gói giải pháp kích cầu của Chính phủ nhanh chóng phát huy tác dụng. Nhưng chừng nào mọi rào cản về thủ tục hành chính chưa được dỡ bỏ, thì mong muốn trên sẽ khó trở thành hiện thực.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử