Vận tải “bội thực” thuế và phí
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đụng vào đâu, nhìn chỗ nào cũng bắt gặp tình trạng “lạm phát” thuế và phí. Trong các lĩnh vực kinh tế, ngành vận tải thuộc loại “bội thực” thuế và phí. Chẳng biết đóng góp cho Nhà nước ở mức nào (chiếm tỷ trọng bao nhiêu phần trăm) trong khi đó các doanh nghiệp thuộc ngành vận tải vốn đã khó khăn càng trở nên “kiệt sức” vì phải đóng quá nhiều loại thuế và phí.
Danh mục nạp thuế của doanh nghiệp vận tải kéo dài như là… đại lộ. Thuế VAT. Thuế thu nhập doanh nghiệp. Thuế tiêu thụ đặc biệt. Thuế nhập khẩu ô tô… Không chỉ đóng thuế mà còn có nhiều loại phí. Kể sao hết các loại phí: Phí trước bạ, phí kiểm định ô tô, phí đăng ký cấp biển số, phí bình ổn giá xăng dầu… Sắp tới, các doanh nghiệp vận tải đường bộ còn phải “è cổ” gánh chịu phí bảo trì đường bộ. Các doanh nghiệp phải đóng phí bình ổn giá xăng dầu nhưng giá cả mặt hàng này không bình ổn mà vẫn cứ bất ổn theo chiều hướng gia tăng. Phí bảo trì đường bộ chắc rồi cũng thế. Các phương tiện vận tải tốn thêm khoản phí không nhỏ nhưng đường sá tốt thì ít mà xấu thì nhiều.
Thuế và phí do nhà nước quy định, nguồn thu này mang tính pháp lệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là người “say sưa” đề xuất các loại phí. Doanh nghiệp và người dân chỉ “được quyền” thực hiện. Với nhiều loại phí, trước khi ban hành, ngành chuyên trách có tham khảo ý kiến nhưng các ngành liên quan nghiêng về tăng thu cho cho mục tiêu của mình hơn là xem xét đến “nỗi khổ” của đối tượng phải đóng phí.
Thuế và phí nằm trong tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Phải đóng nhiều loại thuế và phí do đó các doanh nghiệp không có cách nào khác là buộc phải tăng giá cước vận tải. Sự phản ứng dây chuyền đương nhiên sẽ xảy ra, giá cước tăng theo đó giá hàng hóa không phải đứng yên. Tương tự như vậy, giá vé tàu và ô tô khách cũng “song hành” với mức nạp thuế và phí.
Khi hoạch định chính sách, các ngành chuyên trách không biết vì nguyên nhân gì lại cố tình đơn giản vấn đề, cho rằng, các loại thuế và phí chỉ “đánh” vào doanh nghiệp vận tải. Thực tiễn cuộc sống lại có sự lô gích của nó: Doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá cước, đối tượng gánh chịu hệ lụy chính là người dân. Thu thuế và phí nếu có lợi (trên “toàn cục” chứ không vì “tiểu cục”)thì vẫn phải tiến hành nhưng khi quyết định mức thu và loại thu phải tránh phản ứng dây chuyền gây bất lợi cho người dân.
Bá Tân
Nguồn: Báo Điện tử Đại Đoàn Kết