Vay vốn kích cầu: Vẫn khó với doanh nghiệp vừa và nhỏ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong đó, khu vực địa phương là 10.304 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1.751 hợp tác xã công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, 258.509 hộ gia đình với tỷ lệ tăng trung bình 7%/năm. Năm 2008, do những biến động bất lợi của suy thoái kinh tế khiến cho nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt sản xuất, thu hẹp thị trường. Nhiều doanh nghiệp làng nghề bị phá sản, hàng vạn lao động nông thôn bị mất việc.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp cấp bách để hỗ trợ, tháo gỡ, duy trì hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp địa phương, nhất là các doanh nghiệp dân doanh, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn.

Ngoài việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các gói kích cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Cục Công nghiệp địa phương tập trung nguồn kinh phí khuyến công quốc gia, kinh phí xúc tiến thương mại địa phương để hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn- nơi tạo ra nhiều việc làm và cũng là khu vực đang gặp nhiều khó khăn nhất.

Tuy nhiên, khó khăn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là tìm nguồn vốn và thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có sổ sách chứng từ không cụ thể, bài bản, minh bạch, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định hiện hành về công tác tài chính, kế toán, báo cáo, kê khai thuế… Thậm chí hàng tháng các doanh nghiệp lại thuê dịch vụ bên ngoài làm sổ sách, chứng từ, báo cáo thuế. Điều này khiến cho các ngân hàng e ngại, không dám “rót” một lượng tiền lớn cho khách hàng này vay.

Mặt khác, với đặc điểm quy mô nhỏ lẻ phải đối mặt trong tình hình nền kinh tế khó khăn hiện tại, nhiều nơi đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra của sản phẩm, không có khả năng duy trì sản xuất vì không có lượng vốn cố định, nguy cơ đóng cửa là rất cao, vì vậy, khách hàng thuộc khối hợp tác xã, làng nghề rất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đây không chỉ là nỗi lo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn là khó khăn của cả các cơ quan quản lý nhà nước.

 

Ông Lê Dương Quang- Thứ trưởng Bộ Công Thương: Các doanh nghiệp cần tự cứu mình trước
Hiện các doanh nghiệp đang rất khó khăn, vì vậy đề nghị các ngân hàng nên đơn giản hóa các thủ tục theo quy trình minh bạch để các doanh nghiệp có thể tự bổ sung hoàn thiện được những thủ tục còn thiếu, tăng cường hướng dẫn, tư vấn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng, đặc biệt là các gói kích cầu của Chính phủ.

Mặt khác, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp cần tự cứu mình trước, cụ thể là phải tự tìm hiểu, cập nhật các văn bản chính sách để tự kiểm soát mình. Bản thân doanh nghiệp cũng cần nắm được nhu cầu, đối tượng đào tạo để tập hợp lên Cục Công nghiệp địa phương xem xét và có kế hoạch hỗ trợ. Các sở Công Thương, trung tâm khuyến công cần tận dụng hiệu quả các nguồn vốn khuyến công và vốn hỗ trợ xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đồng thời, tăng cường hỗ trợ hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp, các vùng miền để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp.

 

Ông Phạm Ngọc Hân- Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội DNVVN Việt Nam: Tiếp cận vốn vay rất khó
Khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là hầu hết còn rất non trẻ, đặc biệt rất thiếu vốn. Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu nhưng muốn tiếp cận ngân hàng lại phải chịu các điều kiện khắt khe như có tài sản thế chấp; không được nợ đọng… trong khi doanh nghiệp ở vùng nông thôn vốn nghèo, giá trị đất đai chẳng đáng bao nhiêu. Việc hỗ trợ lãi suất thông qua bảo lãnh rất khó mà chủ yếu dựa vào quan hệ với ngân hàng.

Theo quy định, doanh nghiệp phải dùng 100% tài sản bảo đảm hình thành vốn vay của ngân hàng để làm thế chấp bảo đảm cho khoản bảo lãnh là rất khó vì doanh nghiệp chưa được vay thì làm gì có tài sản hình thành từ vốn vay để thực hiện bảo lãnh. Bên cạnh đó, do thông tin hạn chế; trình độ quản lý yếu kém; thiếu công nhân lành nghề; công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm chưa cao, kết hợp với việc phát triển thương hiệu chưa được chú trọng nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp làng nghề còn yếu.
 
Chương trình bảo lãnh vay vốn là một chương trình dành cho các tín dụng dưới chuẩn, mà đã là tín dụng dưới chuẩn thì các điều kiện cần phải nới lỏng. Vì vậy, Hiệp hội rất mong chính phủ và các cơ quan ban ngành giúp các doanh nghiệp tiếp cận và xử lý thông tin; tích cực mở lớp đào tạo bồi dưỡng cho chủ doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý, tiếp cận công nghệ hiện đại. Giúp các doanh nghiệp đầu tư vào những mặt hàng mà địa phương có thế mạnh, có đầu ra ổn định; xử lý vốn, đặc biệt là vốn tín chấp cho các doanh nghiệp; giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng ISO vào quản lý sản xuất; làm tốt việc xây dựng thương hiệu, đào tạo quản trị thương hiệu và quản trị marketing.

 

Ông Đinh Văn Thinh- Giám đốc Công ty TNHH trung đại tu ô tô Huế – Hải Phòng: Cần xem xét lại các điều kiện vay vốn của doanh nghiệp
Chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ nên áp dụng để giúp các doanh nghiệp không có đủ điều kiện vay vốn ngân hàng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Còn các doanh nghiệp có đủ điều kiện, có dự án khả thi thì nên cho họ đến vay thẳng ngân hàng thương mại, vừa không mất thời gian làm thủ tục, không bị mất phí, không phải chịu sự quản lý giám sát của 2 ngân hàng cùng một lúc.

Theo tôi, ngân hàng cần kiểm tra sát sao tình hình sản xuất kinh doanh, sự đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách địa phương để có chính sách ưu đãi hợp lý chứ không nên chỉ dựa vào tiêu chí số lượng lao động và vốn điều lệ của doanh nghiệp. Đó là chưa kể, văn bản chính sách nhà nước thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp cập nhật không kịp. Thế nhưng các cơ quan thuế rất ít tổ chức các lớp tập huấn cho doanh nghiệp nên nghiệp vụ thuế (đặc biệt là kê khai thuế) của các doanh nghiệp rất yếu.

Đề nghị Chính phủ xem xét lại các điều kiện để doanh nghiệp vay vốn, mức phí bảo lãnh cũng như nghĩa vụ của bên bảo lãnh cho hợp lý, để các bên tham gia bảo lãnh là ngân hàng thương mại và doanh nghiệp nhiệt tình tham gia.

 

Bà Nguyễn Thị Dung: Tổng giám đốc công ty CP ô tô xe máy Hà Nội (Hanamoto): Nên tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp

Trước năm 2008, các xe nhập khẩu nguyên chiếc được quy định tăng thuế từ 5% lên 10%, đảm bảo công bằng giữa các xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước. Đến đầu năm 2009 thuế nhập khẩu nguyên chiếc lại được giảm xuống 5% trong khi xe lắp ráp trong nước vẫn là 10%. Điều đó đã làm giảm khả năng cạnh tranh của những doanh nghiệp lắp ráp trong nước. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có những điều chỉnh về chính sách thuế cho phù hợp, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, chương trình đào tạo nhân lực cũng cấn mang tính thực tiễn cao để khi ra trường học sinh có thể làm việc ngay, doanh nghiệp không phải mất công đào tạo lại.

Ông Tạ Thanh Bình- Giám đốc doanh nghiệp mây tre đan Thanh Bình (Thái Bình): Cần có chính sách thuế thu nhập cá nhân cho làng nghề

Đặc điểm của làng nghề là lao động nhỏ lẻ, manh mún, vì vậy, thường có người đứng ra đại diện thu gom hàng, ký hợp đồng cho nhiều người khác. Điều này tiện lợi cho người lao động nhưng cũng có nhiều bất cập. Ví dụ, người đứng ra đại diện cho lao động tại địa phương nhận gia công hàng với doanh nghiệp sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân trong khi tiền đó là thu nhập của nhiều người. Một người chịu thì vô lý mà chia cho từng người thì rất phiền hà và không khuyến khích sản xuất. Nhà nước nên có chính sách hoặc hướng dẫn cụ thể hơn về thuế thu nhập cá nhân đối với khu vực làng nghề.

Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp đều không có điều kiện đào tạo nhân lực, trong khi người dân rất thiếu việc làm nhưng không có tay nghề. Vì vậy, chương trình khuyến công nên tập trung cho hoạt động đào tạo nghề tại khu vực nông thôn, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời tích cực hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp làng nghề tham gia hội chợ tại nước ngoài vì các doanh nghiệp tự bỏ chi phí sẽ rất khó khăn.

 

Ông Phạm sỹ Kiên- Giám đốc Công ty sản xuất gia công hàng xuất khẩu Đức Kiên (Hà Nam): Cần tăng cường chính sách hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp làng nghề

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là tiếp cận vốn vay khó do chính sách thủ tục rườm rà; nguồn nhân lực lao động ít, chất lượng chưa cao nên chưa đáp ứng nhu cầu khách hàng; thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định; thiết bị công nghệ lạc hậu. Vệ sinh môi trường làng nghề ô nhiễm; công tác xúc tiến thương mại hạn chế, nhất là vấn đề quảng bá giới thiệu sản phẩm cho làng nghề.

Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn Nhà nước tăng cường công tác đào tạo nghề, phát triển nghề cho người lao động. Tăng cường nguồn vốn hỗ trợ làng nghề bằng cách tăng mức cho vay. Thực hiện dãn nợ, ưu đãi lãi suất, kéo dài thời hạn vay vốn…, đồng thời, có chính sách phù hợp hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề để thu hút đầu tư và du khách tham quan.

Ngọc Loan (thực hiện)
Nguồn: Báo điện tử Công thương