VCCI chuẩn bị công bố kết quả chấm điểm 14 bộ của 124 hiệp hội DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

DĐDN đã có cuộc trao đổi với LS Trần Hữu Huỳnh – Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI trước thềm buổi công bố chỉ số này.

Theo LS Huỳnh, việc công bố chỉ số MEI đang nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng DN cũng như chính các bộ được xếp hạng. Các bộ đều mong muốn biết được cảm nhận của cộng đồng DN về hoạt động của mình. Đây là một công cụ quan trọng để các cơ quan của Chính phủ soi xét và hoàn thiện cơ chế hoạt động của chính mình.

– Thưa ông, như vậy điểm mạnh, điểm yếu của các cơ quan thuộc Chính phủ sẽ bộc lộ ?

Trước tiên, việc công bố chỉ số MEI là một hoạt động thuộc chức năng góp ý, tham mưu chính sách, pháp luật cho Đảng, Nhà nước của VCCI. Đây là những đóng góp cụ thể vào thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật VN (giai đoạn 2010 – 2020). MEI là công cụ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở phương diện rộng nhất và công bằng nhất.

Kết quả khảo sát MEI sẽ giúp các bộ biết rõ cộng đồng DN đánh giá thể nào về hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật của mình. Các bộ sẽ nhận được cái nhìn khách quan từ đối tượng chịu tác động trực tiếp trong hoạt động quan trọng nhất của mình là xây dựng và thực thi pháp luật. Những điểm mạnh, điểm yếu của từng lĩnh vực cụ thể sẽ bộc lộ. Việc công bố thường niên các chỉ số MEI còn giúp các bộ định hướng được những cải thiện, cải cách của mình có đúng hướng không. Qua đó, mỗi bộ sẽ có giải pháp cải thiện và hoàn thiện chính mình. Đặc biệt, sau từng chỉ số cụ thể được công bố, các bộ có thể lựa chọn được một mô hình hoạt động tốt nhất để hướng tới.

– Việc công bố chỉ số MEI hàng năm liệu có thể thúc đầy mối quan hệ tương tác giữa các hiệp hội DN với các bộ không, thưa ông ?

Về phía các bộ, đây là cơ hội để họ lắng nghe tâm tư nguyện vọng của cộng đồng DN. Nhiều vướng mắc của DN và hiệp hội DN có thể được giải quyết ngay tại các hoạt động góp ý cởi mở và thẳng thắn mà MEI tổ chức. Trách nhiệm giải trình của các bộ sẽ có thêm một bước tiến mới.

Thông qua việc đánh giá các chỉ số MEI, vai trò của các hiệp hội cũng được nâng lên. Sự gắn bó giữa DN và hiệp hội DN sẽ chặt chẽ hơn. Tính đại diện của hiệp hội DN cũng rõ ràng và bao quát hơn. Đặc biệt, các nhìn nhận và đóng góp xây dựng chính sách của các hiệp hội DN sẽ được mở rộng hơn. Các đánh giá xếp hạng các chỉ số của hiệp hội DN không chỉ gói gọn trong phạm vi, lĩnh vực của hiệp hội. Vai trò xây dựng chính sách của hiệp hội được phủ rộng trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội.

Mối quan hệ tương tác giữa các bộ với các hiệp hội được nâng tầm sẽ tạo sự linh hoạt giữa cơ quan ban hành chính sách và cơ quan thụ hưởng chính sách. Chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật sẽ tốt hơn. Việc thực thi các văn bản pháp luật cũng được kiểm soát và triển khai tốt hơn.

– Cùng với việc công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số MEI sẽ có tác động qua lại thế nào với PCI nói riêng và cải cách thể chế nói chung, thưa ông ?

MEI có sự tham gia của 124 hiệp hội, đại diện khoảng 77.000 DN trên toàn quốc.

Nếu nói tới PCI là sự cảm nhận của cộng đồng DN dân doanh với mọi hoạt động của chính quyền địa phương thì MEI là sự cảm nhận của các hiệp hội DN đối với các bộ trong lĩnh vực hoạt động quan trọng nhất, xây dựng và thực thi pháp luật. Cùng là phản hồi từ phía cộng đồng DN, MEI có sự tham gia của 124 hiệp hội, đại diện khoảng 77.000 DN trên toàn quốc.

Thông thường, các bộ là cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Địa phương là cơ quan thi hành chính sách của trung ương. Chính vì vậy, hai chỉ số này có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Nếu chỉ số MEI được cải thiện thì việc triển khai thực thi ở địa phương cũng có cơ hội để cải thiện tốt hơn.

Trong quá trình khảo sát chỉ số PCI, chúng tôi đã nhận được nhiều phản hồi của các địa phương về sự rắc rối, chồng chéo và xung đột của văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương. Điều này cũng làm giảm hiệu lực thực thi ở địa phương, tạo điều kiện cho các cán bộ nhũng nhiễu người dân và DN. Ngược lại, chính sách của trung ương được cải thiện theo hướng khoa học và rõ ràng thì người dân và DN sẽ giảm được chi phí hành chính, phí bôi trơn. Môi trường kinh doanh của địa phương nhờ đó sẽ được cải thiện.

– Nhiều ý kiến cho rằng, đối tượng khảo sát chỉ số MEI còn hạn chế. Ngoài các hiệp hội DN, các đối tượng khác như các cơ quan ở địa phương, chuyên gia và các DN đều có thể lấy ý kiến phản hồi. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Thứ nhất, nếu mở rộng đối tượng ra các DN thì rất khó trong việc tính điểm trọng số. Cơ sở nào để tính điểm của hiệp hội hay DN, thực tế, cũng chưa ở đâu có tiền lệ. Đối với các địa phương cũng vậy, từ cách tính điểm đến những cảm nhận sẽ rất khác nhau. Mặc dù, các địa phương có thể đưa ra rất nhiều kiến nghị xác đáng với chính sách của trung ương nhưng chúng ta khó có thể gộp hai nghiên cứu này thành một. Còn các chuyên gia, các khảo sát thử nghiệm của chúng tôi cũng có kết quả tương tự như hiệp hội.

Bên cạnh việc đối tượng khảo sát chỉ số MEI là hiệp hội DN đã được Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi cũng nhận thấy, đây là đối tượng thích hợp nhất. Vấn đề là làm sao triển khai cho thật khoa học, và chuyên nghiệp thì mục tiêu đặt ra sẽ đạt được.

– Xin cảm ơn ông !

Bá Tú thực hiện
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp