VCCI chung tay “gỡ khó” cùng DN
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

DN trở tay không kịp

Theo VCCI, trong số 675 nghìn DN đã thành lập, chỉ còn 471 nghìn DN đang hoạt động với số lượng DN thua lỗ rất lớn. Năm 2012, có 51 nghìn DN thành lập mới, tuy nhiên số DN phải giải thể, ngừng hoạt động đã chiếm trên 40 nghìn DN. Điều này có nghĩa, số DN phá sản đã gần bằng số thành lập mới. Cũng theo khảo sát động thái DNVN của trong năm 2012 của VCCI, các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đều có chiều hướng xấu đi, đặc biệt là chỉ số về lợi nhuận trên đơn vị sản phẩm, tổng doanh số và hàng tồn kho…

Nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh là do ngoài yếu tố yếu kém của DN, thì yếu tố chính là tác động từ bên ngoài, trong đó có nguyên nhân các chính sách kinh tế vĩ mô thay đổi liên tục, áp đặt các biện pháp hành chính khiến DN trở tay không kịp. Nghị Quyết 11 ra đời có tác dụng tức thì cho DN nhưng tiếc là các cơ quan quản lý duy trì liều thuốc đặc trị quá lâu khiến các DN không chịu nổi. “Một bên siết chặt nên lạm phát, CPI giảm xuống nhưng tác dụng phụ của liều “thuốc” rất nặng nề, cần phải có những điều chỉnh trong thời gian tới”- ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, ở thời điểm này DN rất cần những giải pháp cấp thiết, trong đó cần tạm dừng ngay tất cả các chính sách hành chính khi ban hành gây khó khăn cho DN; cần tháo gỡ ngay những khó khăn, bất cập đang diễn ra mà DN và người dân đang chịu….

Đồng điệu với ông Minh, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần giảm thiểu các quy định hành chính trong đó có ngành bất động sản. Chẳng hạn thuế VAT của bất động sản đang là 10% nên  giảm còn 5%, hay như thuế thu nhập DN giảm là điều rất tốt, song nếu đến tận tháng 5/2013 mới áp dụng giảm thì DN sẽ càng khó khăn.

Nhiều chính sách không phù hợp với tình hình thực tế đã được hai ủy viên BCH trên đưa ra cũng một lần nữa được ông Nguyễn Văn Đệ – Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Thanh Hóa khẳng định lại. Ông Đệ cho biết thêm, tình hình doanh nghiệp hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, do đó ông đề nghị các Bộ, ngành, VCCI  tổ chức đoàn đi các địa phương để khảo sát, lắng nghe trực tiếp ý kiến của các DN địa phương để tìm cách tháo gỡ sát thực và hiệu quả hơn.

Chung tay “gỡ khó” cùng DN

Tại hội nghị, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã chia sẻ với những khó khăn hiện nay của cộng đồng DN. Trước những khó khăn đó, thực hiện nghị quyết của BCH VCCI, VCCI đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN. VCCI cũng kịp thời phản ánh và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, VCCI kiến nghị Chính phủ giãn lộ trình tăng hoặc áp dụng các loại thuế, phí và lệ phí mới; Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét để giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 20%, phù hợp với xu thế hiện tại của một số nước trong khu vực và cũng là cách thiết thực để hỗ trợ các DN. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương nghiên cứu để giảm tiền thuê đất, bảo đảm giữ ổn định tiền thuê đất của DN trong một vài năm trước mắt.

Về tiền lương, Chính phủ đã có định hướng tăng lương từ 23-25%. Trước những khó khăn của DN, VCCI cho rằng, với tình hình năng suất lao động, triển vọng kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng theo kế hoạch, trong vòng ba năm trước mắt, đề xuất xác định mức tăng lương tối thiểu tối đa là 15% một năm. Đến nay, Chính phủ đã đồng ý chỉ tăng 17-17,5%.VCCI cũng đề xuất giảm thuế gián thu (chẳng hạn giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho năm 2013) đủ để DN có điều kiện giảm giá bán đáng kể , kích thích người tiêu dùng, giảm tồn kho…

TS Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, VCCI sẽ tiếp tục nâng cao vai trò hiến kế, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ DN, giảm khó khăn, duy trì tăng trưởng của nền kinh tế.

Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp