VCCI: Phấn đấu để có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Đánh giá chặng đường 5 năm của nhiệm kỳ V, với tư cách là người đứng đầu VCCI, ông muốn nói đến điều gì đầu tiên, thưa ông?

Báo cáo đánh giá công tác nhiệm kỳ V của VCCI đã nhắc đến nhiều công việc đã làm được. Ví dụ như làm tốt công tác đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân (DN), hiệp hội DN và người sử dụng lao động; tham mưu cho Đảng, Nhà nước; công tác xúc tiến thương mại – đầu tư, hỗ trợ DN hội nhập quốc tế; Công tác đại diện cho người sử dụng lao động, hỗ trợ DN phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội; Công tác đào tạo, phát triển DN và xây dựng đội ngũ doanh nhân…

Nhưng phải nhấn mạnh, nhiệm kỳ V của VCCI gắn với giai đoạn nền kinh tế Việt Nam bắt đầu những bước đầu tiên của tiến trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiều tư tưởng đổi mới được đưa ra tranh luận, nhiều văn bản pháp luật, hệ thống chính sách cần được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới… VCCI với vai trò là đại diện cộng đồng DN đã tham gia trực tiếp và có dấu ấn nhất định trong những chuyển đổi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Đầu tiên phải kể tới Đề án “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ” do VCCI chủ trì soạn thảo, xây dựng và đệ trình đã được Bộ Chính trị thông qua và ban hành Nghị quyết số 09/NQ-TW ngày 9/12/ 2011.

Đây là văn bản đầu tiên của Đảng khẳng định vai trò vị trí của doanh nhân, nâng cao được trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ hai, VCCI cũng đã có tiếng nói rất mạnh trong kiến nghị đưa doanh nhân, DN vào Hiến pháp. Là người đại diện cho cộng đồng DN chuyển tải kiến nghị này trong các buổi làm việc của Quốc hội về nội dung này, tôi hiểu rằng, không đơn giản để tìm kiếm sự đồng thuận trong vấn đề này. Khi kiến nghị trên đã được Quốc hội chấp nhận, doanh nhân, DN lần đầu tiên đã được chính danh trong Hiến pháp nước nhà, chúng tôi thực sự vui mừng.

Ngoài ra, trong công tác góp ý xây dựng pháp luật, chính sách, VCCI đã nghiên cứu góp ý xây dựng trung bình mỗi năm hơn 60 dự thảo văn bản. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động của DN trước khi sửa đổi, ban hành đều có sự tham gia góp ý của VCCI và các Hiệp hội DN

Hiện tại, VCCI cũng đang đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật điều khoản các văn bản pháp luật liên quan đến môi trường kinh doanh đều phải tham khảo ý kiến cộng đồng DN thông qua VCCI. Tôi rất mong Quốc hội sẽ thông qua điều này để cộng đồng DN thực sự đóng góp trí tuệ vào xây dựng thể chế…

– Ở góc độ tham gia vào cải cách môi trường kinh doanh của VCCI, Chỉ số xếp hàng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hay được nhắc tới như một ví dụ điển hình, thưa ông?

Cách đây đúng 10 năm, PCI ra đời như là một công cụ đánh giá môi trường kinh doanh các tỉnh thông qua cảm nhận của DN. Tôi còn nhớ, khi đó, không phải lãnh đạo địa phương nào cũng chấp nhận “bị” DN xếp hạng.

Nhưng bây giờ Bảng xếp hạng PCI hàng năm đã tạo nên phong trào thi đua giữa các địa phương trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển DN, phát triển kinh tế địa phương.

Với các bộ ngành, VCCI cũng đã khởi xướng chỉ số MEI – đánh giá hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các bộ, ngành…

Hiện giờ, Nghị quyết 19/2014/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, của Chính phủ cũng đã lấy PCI là thước đo cho các địa phương. Chính phủ cũng yêu cầu VCCI và các hiệp hội xây dựng chỉ số đánh giá hoạt động của các bộ, ngành…

Có thể thấy, vai trò của cộng đồng DN Việt Nam thông qua các hoạt động của VCCI và các hiệp hội DN trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng rõ nét.

Trong nỗ lực thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, từ năm 2012, VCCI đã nhận quyền điều phối chủ trì Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thường niên. Diễn đàn ngày càng được chính phủ, các bộ ngành và cộng đồng DN quan tâm nhờ chất lượng các nội dung đối thoại và sự ghi nhận, giải quyết kiến nghị từ Diễn đàn của Chính phủ. Cả hai kỳ họp VBF của năm 2014 đều được Thủ tướng trực tiếp tham dự đối thoại.

Trong khuôn khổ các hoạt động vận động chính sách thương mại quốc tế, việc tập hợp và tham vấn với Đoàn đàm phán của Chính phủ trong quá trình chuẩn bị và đàm phán các Hiệp định thương mại quốc tế là một mảng hoạt động mới được VCCI triển khai mạnh trong nhiệm kỳ vừa qua. Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 20/1/2012 đã ban hành cơ chế tham vấn bắt buộc với cộng đồng DN đối với các Đoàn đàm phán, trong đó có quy định về vai trò đầu mối của VCCI trong việc triển khai cơ chế tham vấn này.

Các hoạt động tham vấn chính sách thương mại của Trung tâm WTO thuộc VCCI trong thời gian qua đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực từ cả phía các hiệp hội, DN và các cơ quan nhà nước có liên quan, đặc biệt là các Đoàn đàm phán FTA của Chính phủ.

Thông qua các hoạt động này, VCCI đã trở thành đối tác tư nhân quan trọng nhất của các cơ quan Đảng và Chính phủ trong các tham vấn đàm phán mở cửa thương mại gần đây.

– Có thể nói, năng lực cạnh tranh của DN cũng đang được cải thiện mạnh để bắt kịp với những đòi hỏi mới của môi trường kinh doanh Việt Nam, không thể không nhắc tới vai trò đi đầu của VCCI trong xây dựng mạng lưới hỗ trợ, đào tạo DN cũng như trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thưa ông?

Đào tạo, hỗ trợ phát triển DN là thế mạnh của VCCI. Trong nhiều năm, VCCI đã chủ động thực hiện các hoạt động này. Ví dụ như Chương trình đào tạo Khởi sự DN và tăng cường khả năng kinh doanh (SIYB) do VCCI phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện được triển khai ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước, đã ghi dấu ấn là chương trình hỗ trợ đào tạo DN tư nhân sớm nhất, có quy mô lớn nhất và đạt chuẩn quốc tế ở Việt Nam.

Đối với các DN lớn, VCCI cũng có sự trợ giúp tích cực trong quá trình cổ phần hóa và tái cấu trúc. Chương trình đào tạo quản trị DN cấp cao phối hợp với INSEAD (Trường Đào tạo quản trị kinh doanh châu Âu), với EuroCham (Phòng Thương mại Châu Âu), với Keidanren (Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản)… là những chương trình đào tạo DN có uy tín hàng đầu ở Việt Nam được VCCI tổ chức từ rất sớm đã góp phần hình thành tư duy và kỹ năng quản trị cho các DN lớn ở Việt Nam.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư lớn, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và đưa các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng là nội dung quan trọng trong chương trình hoạt động hàng năm của VCCI.

Có thể kể tới các đoàn DN tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi thăm và làm việc ở nước ngoài và các “Diễn đàn DN”, “Ngày Việt Nam”, các cuộc đối thoại, tọa đàm… được VCCI tổ chức trong khuôn khổ các chuyến đi này là những hoạt động xúc tiến quan trọng ở tầm quốc gia, góp phần quảng bá đất nước, con người và nền kinh tế Việt Nam, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn, xu hướng bảo hộ mậu dịch tăng lên, những hoạt động của VCCI trong việc hướng dẫn và hỗ trợ các DN Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại, thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại, giải quyết các tranh chấp trong thương mại quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các DN trong quá trình hội nhập là những nỗ lực đáng được ghi nhận.

– Thương hiệu VCCI đã không chỉ ghi dấu ấn đậm nét trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, mà còn thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết trong cộng đồng DN Việt Nam. Nhưng điều này cũng có nghĩa, nhiệm kỳ mới của VCCI sẽ rất nặng nề…?

Chúng tôi xác định, VCCI cần tiếp tục thực hiện tốt vai trò của tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức quốc gia của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tham mưu có hiệu quả cho Đảng và Nhà nước về các chính sách kinh tế – xã hội, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của DN; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển DN, doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo đảm phát triển bền vững.

Trong đó, hai yêu cầu xuyên suốt và trọng tâm trong việc thực hiện các nhiệm vụ của VCCI trong nhiệm kỳ tới sẽ phải là tập trung kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề chính sách, thể chế cũng như trực tiếp triển khai các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình để tập trung tháo gỡ khó khăn và giúp cho các DN trụ vững duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng.

Đồng thời thúc đẩy các DN tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập có hiệu quả và phát triển bền vững.

Có thể điểm một số công việc cần được đẩy mạnh như nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, tập hợp ý kiến DN xây dựng chính sách, pháp luật; Tăng cường công tác vận động chính trị, tập hợp và liên kết DN, doanh nhân; Đẩy mạnh thực hiện chức năng đại diện người sử dụng lao động. Trong công tác công tác xúc tiến thương mại và đầu tư; phát triển cộng đồng DN, doanh nhân; hỗ trợ và bảo vệ DN, doanh nhân hội nhập quốc tế, chúng tôi sẽ tập trung vào các hoạt động mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư; công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho DN, doanh nhân…

Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ đề ra Chương trình mục tiêu, phấn đấu đạt 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020…

– Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Tuyết Ánh thực hiện
Nguồn: VCCI