Vi phạm an toàn môi trường công nghiệp: Không ngừng gia tăng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đây là một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, nó đòi hỏi phải có những biện pháp thanh tra, kiểm tra gắt gao, kịp thời và mức chế tài xử phạt nặng hơn nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp. Ngay tháng 1/2010, đoàn kiểm tra Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội tiến hành kiểm tra 31 cơ sở hoạt động kinh doanh trên địa bàn huyện Mê Linh – Hà Nội (gồm 24 cơ sở trong KCN Quang Minh và 7 cơ sở ngoài KCN) thì phát hiện toàn bộ 31 đơn vị này đều có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. Đa phần các đơn vị thuộc KCN này đã xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường. Kết quả phân tích 18 mẫu nước do đoàn kiểm tra đã lấy tại 18 cơ sở, không có một mẫu nước thải nào đạt tiêu chuẩn cho phép. Nhưng lại có đến 15 cơ sở xả nước thải vượt tiêu chuẩn từ 10 lần trở lên (1 cơ sở vượt tiêu chuẩn từ 5 đến 10 lần).  Hầu hết các cơ sở khai thác, sử dụng nước ngầm đều không lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng, không có sổ nhật ký vận hành, không thực hịên chế độ quan trắc, báo cáo định kỳ chất lượng nước tới Sở TN&MT. Có 8 cơ sở không có giấy phép khai thác hoặc khai thác vượt quá lưu lượng cho phép. Tương tự như vậy, có 10 cơ sở xả nước thải không có giấy phép hoặc xả quá lưu lượng cho phép. Các cơ sở này cũng không thực hiện chế độ quan trắc nước xả thải trước khi thải ra môi trường. Kết quả phân tích nước mặt gần KCN, cống giao giữa mương thoát nước và mương nước thải từ KCN, mương thoát nước ở khu vực dân cư đối với các thông số BOD5, COD, Amoni, Hg, kim loại… đều vượt tiêu chuẩn cho phép (riêng nồng độ Cr6+ vượt từ 2,7-7 lần). Tương tự như vậy nồng độ nhiều chất gây ô nhiễm trong nước thải sau trạm xử lý, nước ngầm và đất tại khu vực này đều vượt tiêu chuẩn cho phép.  Không chỉ có KCN Quang Minh vi phạm an toàn môi trường, theo kết quả phân tích mẫu nước thải của các cơ sở sản xuất trong CCN Phú Lâm (Tiên Du – Bắc Ninh) của Viện Công nghệ môi trường (thuộc Viện Khoa học công nghệ môi trường Việt Nam) cho thấy: Hầu hết các cơ sở sản xuất đều có các chỉ tiêu BOD, COD, TSS… vượt tiêu chuẩn cho phép rất nhiều lần, điển hình là cơ sở: Công ty Sản xuất và thương mại Tân Tiến, Công ty Sản xuất giấy và bao bì Việt Thắng. Trước thực trạng này, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Bắc Ninh), Ban quản lý các KCN huyện Tiên Du, UBND xã Phú Lâm tiến hành thanh tra về việc chấp hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước tại 19 cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh giấy tại CCN Phú Lâm. Qua thanh tra đã xác định có 3/19 cơ sở không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường mà đã tiến hành xây dựng hoặc đưa công trình vào hoạt động; 8/13 cơ sở không đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại với cơ quan có thẩm quyền; 6/13 cơ sở không kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Nghị định 67/NĐ-CP; 100% cơ sở sản xuất không có giấy phép xả thải… Ngoài ra, các vụ việc vi phạm còn xuất hiện trong các làng nghề truyền thống. Theo Quyết định 64-2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2007 làng nghề Đông Mai (Văn Lâm – Hưng Yên) phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường, thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Nhưng đã qua 2 năm mọi việc vẫn không biến chuyển. Thôn Đông Mai (xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm) với nghề tái chế chì từ nhiều năm nay đã nổi tiếng trong tốp 4 làng nghề gây ô nhiễm môi trường ở mức trầm trọng nhất tỉnh Hưng Yên. Theo các nhà chuyên môn, hàm lượng chì thải ra ở Đông Mai quá lớn: trong nguồn nước, mức trung bình là 0,77mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 7,7-15 lần. Ở nơi ao hồ đãi và đổ xỉ hàm lượng là 3,278mg/l, vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 32-65 lần. Do bề mặt nước bị ô nhiễm, một số thực vật cũng bị ảnh hưởng. Trong đó bèo tích lũy tới 430,35 mg/kg; rau muống từ 168,15-430,35 mg/kg. Trong đất, hàm lượng chì trung bình là 398,72 mg/kg. Trong không khí, từ 26,332-46,414 mg/m3, gấp 4.600 lần so với tiêu chuẩn cho phép… Do nhiễm độc từ nước và khí thải của chì, có thời kỳ cả thôn Đông Mai có hơn 50% số người bị đường ruột, tá tràng, đau dạ dày; 30% mắc bệnh đường hô hấp, đau mắt; 100% số người trực tiếp nấu chì đều bị nhiễm độc chì trong máu. Theo phân tích từ cơ thể những người bị nhiễm độc chì, hàm lượng chì trong nước tiểu từ 0,25-0,56 mg/l; trong máu 135 mg/l, vượt 1,5 lần mức cho phép. Năm 2009, lực lượng công an đã thu giữ hàng trăm tấn ắc quy chì do các hộ vẫn lén lút tàng trữ để nấu chì. Huyện Văn Lâm cũng đã quy hoạch 15ha nhằm đưa các cơ sở tái chế chì ra sản xuất xa khu dân cư. Tuy nhiên với nhiều lý do, đến nay các hộ dân Đông Mai vẫn chưa thể sản xuất tại nơi đã qui hoạch mà vẫn tiếp tục nấu chì ngay tại nhà, thải độc hại ngột ngạt như cũ. Trong buổi gặp gỡ đầu năm 2010, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho biết, vấn đề môi trường đô thị và công nghiệp diễn ra ngày càng phức tạp, tạo sức ép ngày càng tăng đối với môi trường. Năm 2010, Bộ quyết tâm xử lý dứt điểm các “điểm nóng” gây ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông: sông Nhuệ – sông Đáy, sông Cầu và sông Đồng Nai; các KCN, CCN; và các DN gây ô nhiễm nghiêm trọng thuộc diện Nghị định số 64 phải đóng cửa, di dời nhưng chưa thực hiện./. Khắc Hiếu (tổng hợp)
Nguồn: Báo Đối ngoại Vietnam Economic News