Vi phạm pháp luật về môi trường: Chồng chéo văn bản, khó khởi tố hình sự
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Gia tăng vi phạm pháp luật về môi trường
Theo thống kê của Cục Cảnh sát Môi trường, trong năm 2010, lực lượng Cảnh sát môi trường các cấp đã phát hiện trên 6.500 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, so với năm 2009 tăng 43%. Trong đó có tới gần 22% số vụ là các hành vi xả nước thải, khí thải độc hại chưa qua xử lý ra ngoài gây ô nhiễm môi trường; 19% số vụ vi phạm xâm phạm nguồn tài nguyên, khoáng sản; 27% số vụ vi phạm không thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường… Lực lượng công an các cấp đã khởi tố 88 vụ, 106 đối tượng, xử lý hành chính 2.288 vụ…

Tại Hội thảo về tính khả thi trong việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống do Bộ Tư pháp tổ chức, các chuyên gia môi trường đều cho rằng thực trạng vi phạm pháp luật môi trường ngày càng gia tăng. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Các bãi xử lý rác thải đô thị quá tải và công nghệ xử lý lạc hậu, nhất là tại các khu vực ngoại thành, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, “điểm nóng” về môi trường và gây mất ANTT. Tình trạng nhập rác thải công nghiệp vào nước ta đang diễn biến phức tạp. Tính riêng tại Cảng Hải Phòng, trong năm qua cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm container rác nhập khẩu, trong đó có chất thải nguy hại như chất dioxin, chất phóng xạ, các thiết bị công nghệ lạc hậu sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) dự báo, năm 2011, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tiếp tục diễn ra phức tạp và ngày càng nghiêm trọng trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trong đó, tập trung tại các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, làng nghề, quản lý chất thải nguy hại, khai thác tài nguyên khoáng sản, an toàn vệ sinh thực phẩm, đa dạng sinh học, quản lý môi trường đô thị. Phương thức thủ đoạn của tội phạm môi trường sẽ tinh vi hơn để che giấu và đối phó với các cơ quan chức năng.

Chồng chéo văn bản, khó khởi tố
Nhằm nâng cao tính pháp lý trong bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2009 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ tháng 3-2010) quy định 33 hành vi vi phạm, theo đó mức phạt tiền tăng cao gấp 7,5 lần so với mức phạt trong Nghị định 81/2006. Bên cạnh đó, có hơn 300 văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, công tác bảo vệ môi trường vẫn rơi vào thực trạng “bất lực” trước cảnh gia tăng các hành vi vi phạm môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Đội trưởng Đội tham mưu tổng hợp, Phòng, Phòng chống tội phạm môi trường Công an TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường quy định mức xử phạt hành chính khá cao nhưng những biện pháp mạnh, mang tính răn đe như khởi tố hình sự vẫn chưa thể áp dụng.

Nguyên nhân là do để khởi tố doanh nghiệp (DN) có hành vi vi phạm môi trường cần phải xác định được mức độ tổn hại đến môi trường, nhưng làm thế nào để xác định mức độ tổn hại này lại rất khó. Từ năm 2007 đến nay, chỉ có một vụ vi phạm môi trường nhập phế liệu nguy hại được đưa ra khởi tố về hành vi buôn lậu và phải nhờ cơ quan cảnh sát điều tra kinh tế khởi tố. Mặt khác, hiện số lượng DN nhiều, nhưng lực lượng kiểm tra mỏng, trang thiết bị thiếu thốn nên khó kiểm soát các DN vi phạm.

Theo các chuyên gia môi trường, sở dĩ công tác bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn do thực trạng “thừa văn bản nhưng thiếu quy định”. Trên thực tế mặc dù có tới hơn 300 văn bản liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường song các quy định đều mang tính chung chung dẫn tới thực trạng nhiều vi phạm không biết chiểu theo văn bản nào để xử lý. Điển hình như vấn đề bồi thường do gây ô nhiễm môi trường cũng không được quy định cụ thể trong bất kỳ một văn bản nào, gây khó khăn khi thực hiện.

Bên cạnh đó, hình thức xử phạt với các tội danh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cũng chưa có tính răn đe cao. Điển hình như vụ vi phạm pháp luật về môi trường của Công ty Vedan (Đồng Nai) làm ảnh hưởng đến đời sống lâu dài của người dân nhưng cũng chỉ phải nộp hành chính 267,5 tỷ đồng tiền phạt và nộp truy thu tiền phí bảo vệ môi trường là hơn 127,2 tỷ đồng mà không hề bị xử lý hình sự.

Từ thực tế này, nhiều chuyên gia môi trường cho rằng phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, khắc phục nhanh sự chồng chéo, thiếu đồng bộ như hiện nay. Bên cạnh đó có những biện pháp mạnh tay như thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, đối với những trường hợp vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lê Bảo
Nguồn: Báo điện tử Đại Đoàn Kết