Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: Dễ xác định nhưng… khó xử lý
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vi phạm tràn lan

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH-CN, năm 2010 trên phạm vi cả nước có 1.632 vụ bị xử lý về xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm với tổng số tiền phạt gần năm tỷ đồng. Mặc dù số vụ vi phạm về quyền đối với nhãn hiệu sản phẩm năm nay ít hơn năm 2009 nhưng số tiến phạt lại tăng gấp đôi. Số vụ xâm phạm về quyền với kiểu dáng công nghiệp bị xử lý trong năm 2010 cũng tăng so với năm ngoái (215 vụ), song tổng số tiền phạt giảm xuống (800 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với năm 2009. Các vụ việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 6-2010, các tỉnh, thành phố mới xử lý 11 vụ cạnh tranh không lành mạnh, giảm 85% so với cùng kỳ năm ngoái với tổng số tiền phạt là 68,5 triệu đồng.

Các vi phạm quyền SHTT xảy ra trong mọi lĩnh vực kinh tế: sao chép băng đĩa, in sách lậu, phần mềm, sở hữu công nghiệp, nhãn hàng hóa, thực phẩm… ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Điển hình cho tình trạng vi phạm pháp luật về SHTT trong hai năm trở lại đây là sản phẩm võng xếp Duy Lợi. Công ty TNHH Duy Lợi đã phải kêu trời khi cho biết có thời điểm tại thị trường trong nước có đến 16 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất võng xếp vi phạm kiểu dáng độc quyền sản phẩm võng xếp của mình. Hay gần đây, nhiều khách hàng bất ngờ thấy có nhiều địa chỉ rao bán các dòng xe Honda Spacy, AirBlade, SCR với giá 16 triệu đồng, trong khi giá thành chính hãng nhập khẩu lần lượt là hơn 90 triệu và 30 triệu đồng. Kết quả điều tra cho thấy, các loại xe này là hàng không rõ nguồn gốc…

Không chỉ các mặt hàng có giá trị kinh tế lớn mới bị làm giả mà những sản phẩm có giá trị không lớn như chiếc bút bi, giấy viết, khăn ăn giấy… cũng bị làm giả. Điển hình hơn cả là tình trạng băng đĩa lậu, sách lậu xuất hiện tràn lan ở khắp mọi ngõ ngách mà việc xử lý là “bất khả thi” với các cơ quan thực thi pháp luật. Thực trạng này không những gây thiệt hại cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm cho một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng phải dùng tiền thật để mua… hàng giả.

Trong những ngày gần đây, vấn đề bảo vệ quyền sở SHTT trở nên “nóng” với câu chuyện của Vincom. Công ty CP Vincom đã khởi kiện Công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Vincon lên TAND TP Hà Nội; đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ KH-CN vì cho rằng Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền SHTT về nhãn hiệu và tên thương mại của mình… Dư luận cho rằng, đây là một vụ việc điểm cho vấn đề doanh nghiệp tự phòng vệ trong hoạt động SHTT vốn đang “rối như canh hẹ” tại Việt Nam.

Cần có tòa án về SHTT

Nhiều ý kiến cho rằng hành vi vi phạm pháp luật SHTT luôn tạo ra siêu lợi nhuận và dễ xác định nhưng khó xử lý. Cái khó thứ nhất là ở chỗ sự “vênh” nhau của các văn bản pháp luật. Cụ thể hiện đang có sự chồng chéo về quy định xử phạt vi phạm hành chính giữa lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền SHTT. Đặc biệt là bất cập về thẩm quyền khi kết hợp giữa các văn bản pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, bao gồm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 120 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định 47 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền liên quan, Nghị định số 97 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ… Theo đó, hiện nay, cùng một lúc có rất nhiều cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Công an kinh tế, cơ quan thanh tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, quản lý thị trường, hải quan…đều có thẩm quyền xử phạt hành chính về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia của Công ty cổ phần SHCN Investip: trong việc thực thi pháp luật về SHTT còn thiếu sự phối hợp xử lý giữa các cơ quan: tòa án; quản lý thị trường; thanh tra; công an; hải quan; UBND các cấp. Mặc dù thẩm quyền của mỗi cơ quan đã được quy định nhưng vẫn có hiện tượng chồng chéo. Điều này không chỉ khiến các chủ thể quyền SHTT lúng túng khi muốn liên lạc mà còn làm chính những cơ quan thực thi này nảy sinh tâm lý đùn đẩy, chờ đợi, giẫm chân lên nhau hoặc mạnh ai nấy làm.

Mặt khác, việc xử lý vi phạm quyền SHTT hiện nay chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính và mức phạt cũng chưa đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm. Luật SHTT (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.1.2010, quy định về mức phạt tiền tối đa là 500 ngàn đồng có sự bất hợp lý nếu xét với các hành vi vi phạm vốn mang lại lợi nhuận cao như trong sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và phụ tùng… Ngoài ra, căn cứ để xác định mức phạt này vẫn còn chưa rõ ràng. Đây là trở ngại cho các cơ quan thực thi và gây băn khoăn đối với các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thêm một vấn đề nữa là do các vụ việc liên quan đến SHTT thường phức tạp dẫn đến việc các cơ quan chức năng “ngại”, thiếu tích cực trong việc tiếp nhận và xử lý. Chính Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Hùng đã từng chia sẻ: “Từ trước tới nay, vi phạm SHTT ở Việt Nam chủ yếu được xử lý hành chính. Đáng ra theo luật, vấn đề này cần phải kiện ra tòa, nhiều thì mỗi năm cũng chỉ có không quá 10 trường hợp được xử tại tòa dân sự. Tỉ lệ này là quá ít, không cân đối, chưa đáp ứng với thông lệ quốc tế. Chúng ta mong vào tòa án vì chỉ có tòa án mới xử phạt nặng và đúng bản chất…”. Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, công lý trong lĩnh vực SHTT chỉ có thể đạt được nếu có tòa án đề cao quyền SHTT và có thẩm phán đủ năng lực chuyên môn. Và Việt Nam nên thành lập các tòa án chuyên biệt về SHTT như một số nước đã và đang làm khá thành công như: Anh, Mỹ, Pháp, Malaysia, Singapore…

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân