Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và FDI
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Mức độ tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế thương mại của Việt Nam. Suy thoái kinh tế đã khiến thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại các nước Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bị thu hẹp trầm trọng. Không chỉ thị trường, giá cả hàng hóa xuất khẩu cũng giảm mạnh. Giá trị xuất khẩu của các nhóm hàng trong quý I chững lại với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 13,5 tỷ USD, chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ 2008.

Tuy nhiên, theo bà Charlene Barshfsky, đối tác quốc tế cao cấp của Wilmer Cutler Pickering Hale and Dorr LLP: “Dù hoạt động xuất khẩu của châu Á có giảm sút nhưng không đến nỗi đã rớt xuống đáy. Thời gian tới, mọi người sẽ chứng kiến chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên tại nhiều nước. Các quốc gia nhỏ sẽ phải đối mặt với những khó khăn không chỉ do nguyên nhân trực tiếp là khủng hoảng kinh tế gây nên”.

Chính sách kính cầu thương mại của các nước đã không phát huy tác dụng như kỳ vọng khi người dân Mỹ và các nước châu Âu không còn tiêu xài thả cửa như trước đây. Một thực tế là người dân các nước giàu đang dần tiết kiệm. Sức mua theo đó sẽ không thể phục hồi trong 1-2 năm tới. Thị trường nội địa là một giải pháp mà các chuyên gia khuyên Việt Nam và châu Á nên để tâm nhiều hơn.

Phó chủ tịch Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải Huang Renwei cho biết, hiện Trung Quốc đang cơ cấu lại nền kinh tế trong nước để giảm tác động của thị trường bên ngoài. Xuất khẩu vừa qua đã đóng góp đến 40% GDP của nước này, trong khi thị trường nội địa lại trì trệ. Ông Syamail Gupta, Chủ tịch tập đoàn Tata International, tiết lộ, Ấn Độ không lo lắng trước sức ép về sụt giảm xuất khẩu khi có đến 50% GDP của Ấn Độ là do thị trường trong nước đóng góp.

Chất lượng lao động của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực hiện vẫn ở mức thấp khiến tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác nguồn nhân công giá rẻ và tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Chuyên gia nghiên cứu Phạm Chi Lan, Viện Nghiên cứu phát triển, nhìn nhận. Theo bà Lan, Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, cải thiện trình độ, tay nghề, kỹ năng nguồn nhân lực, chú trọng hơn nữa vào khai thác tiềm năng kinh tế.

Chính sách cải tổ cơ cấu kinh tế trong tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay, theo các chuyên gia, trước hết cần cân đối lại nguồn lao động, xem đây là bước đầu tiên quan trọng. Việt Nam đang có đến 60% lực lượng lao động đang làm việc trong các mô hình kinh tế hộ gia đình và nghề tự do, một lĩnh vực dễ bị tổn thương khi kinh tế có sự biến động.

Vừa qua, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, lao động khó tìm việc ở thành thị đã quay lại nông thôn càng làm cho sự mất cân đối về lao động sâu sắc hơn. Tại Việt Nam và một số nước trong khu vực, 90% dân số biết chữ nhưng có đến 20% lao động trẻ có trình độ học vấn thấp, chỉ thực hiện được những công việc giản đơn.

Nằm trong khuôn khổ Hội nghị, trong chuyên đề “Củng cố hệ thống tài chính toàn cầu: điều tiết và đổi mới”, nhà kinh tế học Scott Robertson (Dragon Capital Group Ltd.) cho rằng, hoạt động cho vay của các ngân hàng tại TP HCM cần mở rộng ra khỏi nội thành về những vùng nông thôn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực này.

Chỉ có khoảng 15% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, phần lớn tài sản, của cải được cất trữ đâu đó trong dân cư. Đây là một tiềm năng không nhỏ nếu khai thác hiệu quả sẽ hỗ trợ rất nhiều cho nền kinh tế. Các ngân hàng cần tìm cách huy động lượng vốn nhàn rỗi trong dân cư và dùng khoản tiền này để đáp ứng cho nhu cầu vốn vay đang rất bức thiết đối với nhiều thành phần kinh tế hiện nay.

“Để làm được điều này, trước hết phải củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Nhà đầu tư cần được cung cấp đầy đủ hơn những báo cáo tài chính, tài liệu, sổ sách kế toán cần phải minh bạch”, Tổng giám đốc Citibank Việt Nam Brett Krauss nhìn nhận.

Nhận xét về mối liên hệ giữa hệ thống tài chính trong khu vực châu Á, Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Singapore Simon Tay cho rằng, các nước châu Á vẫn chưa có một mối liên hệ cụ thể, chặt chẽ, chưa đạt được mức độ hội nhập về mặt tài chính như ở châu Âu hoặc các khu vực khác.

Tần Vy
Nguồn: Báo điện tử VnExpress