Vốn hỗ trợ lãi suất: Khó tiếp cận hay tại cơ chế?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Có DN không dám vay vốn

Theo quy định, việc hỗ trợ lãi suất chỉ được thực hiện với các DN đã có đủ điều kiện được vay vốn. Trước kia, việc thế chấp tài sản để được vay vốn đã khó, nay với tình hình kinh tế trong nước cũng như nước ngoài đang gặp khó khăn chung, thì việc tiếp cận nguồn vốn đối với các DN là chuyện không hề đơn giản. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, do đặc thù DN trong nước chủ yếu là DN vừa và nhỏ, quy mô sản xuất nhỏ, nguồn vốn có hạn… nên khi ngân hàng (NH) hỏi đến những vấn đề này thì rất khó được cho vay.

ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO) cho rằng, hiện gói hỗ trợ mới mở ra về lãi suất, còn điều kiện vẫn quá chặt chẽ. Qua các hội nghị của NH vừa qua, NHNN vẫn chưa đề cập tới vấn đề này. Nếu điều kiện cho vay không được nới lỏng thì dù lãi suất vay bằng 0, thì chưa chắc các DN đã tiếp cận nguồn vốn này. Cũng theo ông Mạnh, đối với các DN vừa và nhỏ cần được nới lỏng điều kiện cho vay thông qua Hiệp hội ngành nghề nên có gói kích cầu riêng cho các hộ sản xuất. Hiện Nhà nước đã có quỹ hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, nhưng lại vướng về tài sản thế chấp. Trước đây, khi vay ở NH Phát triển chỉ phải thế chấp 30% số vốn vay, nay đã nâng lên 50% nên số tiền vay được rất nhỏ, không đủ để tái đầu tư sản xuất.

Đồng quan điểm, ông Lê Vĩnh Sơn – Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà cũng thừa nhận: Có những doanh nghiệp thành viên (như xuất khẩu may mặc, thuỷ sản, đồ hộp, mây tre đan xuất khẩu…) không dám vay vốn từ gói kích cầu này, vì mặt hàng sản xuất của họ chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhiều DN xuất khẩu được ưu tiên hỗ trợ các khoản vay lãi suất cực thấp (chỉ 1, 5 đến 2% sau hỗ trợ) cũng không thể tiếp cận khoản vay do tình hình chung là các DN không ký được hợp đồng xuất khẩu, nếu có thì chỉ là hợp đồng ngắn hạn, từng quý. Nhưng hiện giờ cũng có tình trạng DN tồn kho hàng hoá, chấp nhận bán lỗ rồi vay nguồn vốn giá rẻ đang được ưu đãi tranh thủ mua nguyên vật liệu mà phần nhiều từ nhập khẩu…

Liệu NH đã mở “hầu bao”?

Chuyên gia kinh tế cao cấp, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: chính sách kích cầu sẽ phải xử lý những vấn đề gì, định lượng chính sách sẽ tác động thế nào. Từng khoản tiền đưa ra nhằm giải đáp vấn đề gì? Dồn tiền cho lĩnh vực này mà không phải là lĩnh vực kia, tại sao là ngần này… Điều này tạo ra sự đồng thuận của người dân cũng như nắm bắt kịp thời diễn biến kinh tế để có điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ phải tăng cường giám sát, các đơn vị thực hiện không chỉ báo cáo đã giải ngân được bao nhiêu tiền mà phải làm rõ giải ngân cho những địa chỉ nào, loại hình DN có khả năng giữ được bao nhiêu việc làm, hỗ trợ được bao nhiêu người làm việc mới, hay hỗ trợ cho ngành xuất khẩu gì. Có như vậy, chính sách thực hiện gói kích cầu mới đi vào cuộc sống.

Được biết, nhiều NH đã tạo mọi điều kiện để vốn có thể dễ dàng đến với DN. Cụ thể như Vietinbank và NH Phát triển Việt Nam (VDB) vừa ký thỏa thuận hợp tác về bảo lãnh cho DN vay vốn, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho khách hàng. Theo đó, đối tượng được bảo lãnh vay vốn là DN có vốn điều lệ tối đa 20 tỷ đồng và sử dụng tối đa 500 lao động. Bên cạnh đó, quy mô dự án, phương án sản xuất – kinh doanh của DN tối thiểu là 100 triệu đồng; không nợ quá hạn tại ngân hàng và tổ chức kinh tế; không nợ đọng thuế; có vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 10% và sử dụng 100% giá trị tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp bảo đảm bảo lãnh. Dẫu vậy, song nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được vốn này. Họ cho rằng, điều kiện NH đưa ra quá chặt chẽ nên những doanh nghiệp thật sự cần được hỗ trợ lãi suất lại không thể tiếp cận.

Theo thống kê, trong 4 ngày (từ ngày 16 đến 20.3.2009), NH Công Thương Đống Đa đã có 46 DN được vay hỗ trợ lãi suất với số dư nợ là 238.105 triệu đồng. Trong đó công ty TNHH giấy Tiến Thành được vay hơn 1 tỷ đồng, công ty TNHH dây và cáp điện Lucky Sun vay hơn 4 tỷ đồng, DN tư nhân SX nhựa Tân Duy Tân 300 triệu đồng… Bà Huỳnh Thị Kim Hoa – Giám đốc NH Công Thương Đống Đa khẳng định: Không có chuyện làm khó các DN trong quá trình tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất. Chẳng hạn như NH Công Thương Đống Đa còn phải chủ động liên hệ với các DN vốn từng là khách hàng của NH để họ tham gia. Song, làm gì cũng có nguyên tắc và tuân thủ theo qui định của nhà nước, không thể làm bừa. Bà Hoa cũng cho rằng, với các DN đã từng vay vốn nếu họ trong diện được vay thì mọi việc trở nên đơn giản, vì NH đã nắm chắc thông tin về đối tượng. Nhưng còn đối tượng chưa vay NH lần nào, nay có chính sách hỗ trợ vốn mới đăng ký xin vay thì mọi thủ tục trở nên khó khăn, bởi còn phải thẩm định. Thẩm định phải chặt chẽ để tránh DN lợi dụng chính sách để kiếm lời. Vì vậy sẽ có DN vẫn không thể tiếp cận được quĩ ngay cũng là dễ hiểu.

Thiên Long
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử