Vụ tranh chấp Phạm Gia – otosaigon.com: Ai đúng – Ai sai?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trước hết, phải nói rằng vụ việc tranh chấp liên quan đến một lĩnh vực khá mới mẻ ở Việt Nam. Đó là việc đưa thông tin trên mạng internet. Năm 2007, tại TPHCM đã từng nổ ra vụ ca sĩ Phương Thanh kiện blogger cogaidolong vì cho rằng blogger này đã đưa thông tin lên blog sai sự thật, gây xúc phạm đến uy tín, danh dự của mình.

Còn vụ tranh chấp đang được đề cập thì liên quan đến một bài viết của thành viên trên forum thuộc trang web www.otosaigon.com do Công ty cổ phần Ô tô Xuyên Việt (“Công ty Xuyên Việt”) làm chủ sở hữu. Mặc dù liên quan đến lĩnh vực khá mới nhưng vấn đề tranh chấp thực chất cũng đã được pháp luật dự liệu.

Cơ sở pháp lý bao trùm để Công ty Cơ khí Ô tô Phạm Gia (“Công ty Phạm Gia”) khiếu nại hoặc khởi kiện là quyền được bảo vệ danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức. Nói cách khác, khi quyền này bị xâm hại, trong đó có việc đưa thông tin sai sự thật thì người bị xâm hại có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm.

Cụ thể là khiếu nại, tố cáo để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét (1) và trong trường hợp có hành vi vi phạm thì tùy mức độ biện pháp xử lý có thể là xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm (2).

Công ty Phạm Gia còn có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu áp dụng các biện pháp dân sự như chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) (3).

Trong trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại (thiệt hại có thể là về vật chất hoặc tinh thần) thì đây là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, vấn đề khá thú vị đặt ra là đối tượng bị khiếu nại, khởi kiện ở đây phải là ai và giả sử trong trường hợp nội dung thông tin phản ánh sai sự thật thì ai phải chịu trách nhiệm? Có ý kiến cho rằng Công ty Xuyên Việt, chủ sở hữu www.otosaigon.com phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong vụ việc.

Theo chúng tôi, điều này có thể đúng trong hoạt động báo chí, tức là trong trường hợp đăng thông tin sai thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm. Thế nhưng, với trường hợp tranh chấp trên thì chưa hẳn như vậy. Bởi căn cứ điểm c, khoản 2, điều 12 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ thì người sử dụng dịch vụ internet phải “chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin do mình đưa vào, lưu trữ, truyền đi trên internet theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, trong trường hợp nội dung bài viết “Bó toàn thân với Phạm gia – Kinh nghiệm cho các bác sửa xe” không đúng sự thật, gây xúc phạm uy tín, danh dự của Công ty Phạm Gia thì thành viên Taylaihanoi – tác giả và là người đưa lên diễn đàn bài viết phải chịu trách nhiệm. Công ty Phạm Gia hoàn toàn có quyền khiếu nại tố cáo hoặc khởi kiện Taylaihanoi về hành vi nói trên.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa chủ sở hữu www.otosaigon.com đứng ngoài cuộc. Công ty Phạm Gia cũng có quyền khiếu nại tố cáo, khởi kiện yêu cầu Công ty Xuyên Việt phải ngăn chặn, loại bỏ thông tin được cho là sai sự thật.

Luật Công nghệ Thông tin (4), Nghị định 97/2008/NĐ-CP (5)… đều quy định nghiêm cấm hành vi lợi dụng internet để “xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”. Nghị định 97/2008/NĐ-CP còn quy định: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có trách nhiệm: “ngăn chặn và loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm”.

Do đó, trong trường hợp chủ sở hữu trang web biết thông tin đưa lên là sai sự thật mà vẫn không ngăn chặn, loại bỏ, tức là đã thực hiện hành vi trái pháp luật và vì vậy chủ thể này cũng phải chịu trách nhiệm. Theo quy định, hành vi thông tin sai sự thật có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng (gây ảnh hưởng xấu nhưng chưa nghiêm trọng); 10-20 triệu đồng (thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng).

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính, xin lỗi (6). Ngoài ra, cũng cần lưu ý xem chủ trang thông tin điện tử có tuân thủ các quy định về cấp phép (thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp); đăng ký (trang diện tử cung cấp dịch vụ mạng xã hội) và hoạt động có đúng nội dung giấy phép, đăng ký hay không.

Theo công bố trên www.otosaigon.com thì trang web này hoạt động theo Giấy phép ICP số 43/GP-BC được cấp bởi Bộ Văn hóa Thông tin. Vậy, cần làm rõ nội dung giấy phép bao gồm những hoạt động gì, có cho phép lập forum hay chỉ là trang tin điện tử tổng hợp? Nếu hoạt động không đúng giấy phép, tức là chủ sở hữu website đã có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo quy định, hành vi thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép hoặc không cải chính theo quy định có thể bị phạt từ 3-5 triệu đồng/hành vi vi phạm (7).

Về phía Taylaihano và Công ty Xuyên Việt, họ cũng có những cơ sở pháp luật để bảo vệ mình. Trước hết, đó là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin đã được Hiến định (8), trong đó có quyền ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Theo Luật Công nghệ Thông tin (9), Nghị định 97/2008/NĐ-CP(10)…, Nhà nước khuyến khích quyền ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, trong đó có thông tin trong môi trường internet.

Ngoài các cơ quan báo chí, Nhà nước còn cho phép các doanh nghiệp, tổ chức được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, trang thông tin cung cấp dịch vụ mạng xã hội v.v… để chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin. Với những lợi ích to lớn đưa lại cho đời sống con người, tự do internet, vì thế được xem như một tiêu chí để đánh giá mức độ phát triển của một xã hội hiện đại.

Trong một thông cáo gửi cho các thành viên của diễn đàn, Ban điều hành www.otosaigon đã rất chí lý khi phát biểu rằng “quan điểm trang thông tin điện tử otosaigon luôn đề cao tiêu chí bảo vệ quyền lợi chính đáng của thành viên mà cụ thể ở đây là quyền lên tiếng về những việc làm không đúng của bất kỳ đơn vị kinh doanh, dịch vụ nào”.

Ngoài ra, ban điều hành diễn đàn otosaigon.com đã rất tự tin cho rằng “nội dung của các bài viết nhằm phản ánh về chất lượng dịch vụ của Gara Phạm Gia chứ không phải là những những bài viết bôi nhọ, gây ảnh hưởng đến uy tín của họ”. Nếu thực sự đúng như tuyên bố trên thì Công ty Xuyên Việt và thành viên Taylaihano không vi phạm.

Tuy nhiên, lời nói thì gió bay. Lời nói chỉ có giá trị khi được chứng minh. Hay nói cách khác, muốn bảo vệ được quyền lợi của mình, cả Công ty Phạm Gia lẫn Công ty Xuyên Việt và thành viên Taylaihano phải có chứng cứ tâm phục khẩu phục để chứng minh sự việc. Đây mới là vấn đề cốt lõi, quyết định ai đúng ai sai trong vụ tranh chấp.

LS. Nguyễn Tiến Tài
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

————————–

(1) Điều 25, Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ

(2) Điều 24, Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ

(3) Điều 9, Bộ luật Dân sự

(4) Điểm d, khoản 2, điều 12 Luật Công nghệ Thông tin

(5) Điểm c, khoản 1, điều 6 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ

(6) Điều 10 Nghị định 56/2006/N Đ-CP ngày 6-6-2006 của Chính phủ

(7) Điều 7 Nghị định 56/2006/N Đ-CP ngày 6-6-2006 của Chính phủ

(8) Điều 69 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCNVN

(9) Điều 5, điều 8 Luật Công nghệ Thông tin

(10) Điều 4 Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 của Chính phủ