Vướng ở văn bản hướng dẫn hay tổ chức thi hành ?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Câu chuyện cũ: án tồn đọng

Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự từ ngày 1.10.2010 đến 31.3.2011, toàn ngành đã thụ lý tổng số 454.524 việc, trong đó số thụ lý mới là 190.556 việc,  tăng 18.622 việc so với cùng kỳ năm 2010, đã thực hiện ủy thác thi hành án 5.533 việc nên tổng số việc thi hành là 448.991 việc, giảm 4.123 việc so với cùng kỳ năm 2010. Một số tỉnh đạt tỷ lệ thi hành án cao như Lai Châu  87%, Hưng Yên 83%, Tuyên Quang 83% Hà Nội 63%, TP Hồ Chí Minh 61,77%… Tuy nhiên, số lượng các tỉnh có tỷ lệ thi hành án rất thấp tương đối nhiều như Ninh Bình, Hậu Giang, Long An, Hà Nam…

Về kết quả miễn, giảm thi hành án đến 31.3 toàn ngành đã lập hồ sơ đề nghị Tòa án có thẩm quyền xét, miễn giảm thi hành án đối với 5.507 trường hợp, với số tiền hơn 47 tỷ đồng, riêng số đã miễn thi hành án theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14.11.2008 của QH là 1.577 việc, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Trong tổng số phải thi hành đã thu được gần 30.000 tỷ đồng tăng hơn 5.000 tỷ so với năm 2010; số thụ lý mới gần 10.000 tỷ đồng; số có điều kiện thi hành gần 12.000 tỷ đồng; đã thi hành xong gần 5 nghìn tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Luyện cho rằng, mặc dù các chỉ tiêu về việc, tiền đạt kết quả cao nhưng qua báo cáo của các địa phương cho thấy hiện số việc, tiền chưa tổ chức thi hành không những không giảm mà còn tăng hơn so với số tồn từ năm 2010 chuyển sang với hơn 21.000 việc, tiền tăng gần 4.000 tỷ đồng. Mặt khác, ở một số đơn vị chỉ quan tâm đến việc nâng cao kết quả thi hành mà chưa quan tâm đến thực hiện chỉ tiêu giảm việc, tiền. Do đó, án dân sự  tồn đọng tăng trong 6 tháng đầu năm 2011 so với từ năm 2010 chuyển sang.

Cần sự phối hợp liên ngành:

Có một thực tế là so với yêu cầu của công tác thi hành án dân sự thì việc xây dựng văn bản hướng dẫn còn chậm, nhất là phối hợp giữa các bộ, ngành còn thiếu đồng bộ. Việc xây dựng thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp và Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam  thi hành  và Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Bên cạnh đó do trong quá trình  quản lý, thực thi chưa kịp thời, còn tình trạng chậm trả lời việc hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ cho các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương.

Phó Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự TP Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh chia sẻ, đối với những Chi cục có tỷ lệ thi hành án thấp, Cục đã có văn bản đề nghị, phối hợp với chính quyền các quận, huyện nhằm thúc đẩy công tác thi hành án cũng như giải quyết án tồn. Đây cũng chính là lý do giải thích vì sao TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ giải quyết thi hành án cao. Ông Doanh kiến nghị Bộ sớm thông qua “Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng”, có như thế mới có thể giúp các địa phương giảm, xóa các vụ việc không khả thi, nhất là án tồn đọng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính cho biết, một trong nhiều giải pháp giải quyết án tồn đọng trong thời gian tới là lập các tổ công tác về địa bàn trọng điểm. Theo đó, Tổng Cục Thi hành án Dân sự sẽ thành lập một số tổ công tác đến những đơn vị trọng điểm, có tỷ lệ thi hành án thấp, nhiều án tồn đọng để tìm hiểu nguyên nhân, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Câu chuyện án tồn đọng được đặt ra trong nhiều năm qua và đã trở thành điểm nghẽn của ngành tư pháp song tìm được lời giải cho vấn đề này không hề đơn giản khi thiếu sự phối kết hợp tích cực giữa cơ quan tư pháp các cấp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt với VKSND. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng của các bản án, quyết định, sự hợp tình, hợp lý của các bản án, quyết định sẽ tạo cơ sở  thi hành án thuận lợi, đúng luật.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình thí điểm Thừa phát lại. Bản chất của mô hình Thừa phát lại chính là xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự. Việc thí điểm Thừa phát lại tại TP. Hồ Chí Minh  đến hết tháng 3.2010 đã bổ nhiệm 25 Thừa phát lại, hoạt động tại 5 Văn phòng Thừa phát lại, đã lập 1.491 vi bằng, với số chi phí thu được gần 3 tỷ đồng; thực hiện tống đạt 7.462 văn bản; xác minh điều kiện thi hành án với 59 vụ việc, thụ lý để trực tiếp thi hành với 9 vụ việc. Đây cũng là những kết quả đầu tiên của mô hình thí điểm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể áp dụng rộng rãi.

Phùng Hương
 Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân