Xúc tiến thương mại khu vực phía Nam năm 2012: Cần nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Chủ trì hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải – Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) phía Nam trong năm 2011 có nhiều tiến bộ vượt bậc. Trong đó cộng đồng các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác XTTM bằng việc đầu tư mạnh mẽ hơn cho công tác quảng bá thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Nhận định về những kết quả XTTM trong năm 2011, bà Bùi Thị Thanh An- Trưởng đại diện văn phòng Cục XTTM tại TP. Hồ Chí Minh – cho hay, trong năm qua Văn phòng Cục đã tổ chức thành công 11 đoàn DN nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức…) vào làm việc, XTTM, tìm kiếm đối tác tại các tỉnh/thành khu vực phía Nam. Tạo cơ hội cho các Trung tâm XTTM, các Hiệp hội ngành hàng và hơn 1.000 DN khu vực phía Nam học hỏi kinh nghiệm, mở rộng đầu tư và thương mại với các DN nước ngoài. Văn phòng Cục cũng tổ chức thành công 19 cuộc hội thảo, tập huấn, giao thương, tập trung vào 9 thị trường (Mỹ, EU, Nga, Trung Đông- Châu Phi, Hàn Quốc…), thu hút hơn 20 trung tâm XTTM các tỉnh,thành phía Nam, hơn 30 Hiệp hội ngành hàng và hơn 2.000 DN hưởng lợi. Ngoài ra, Văn phòng Cục còn tổ chức nhiều chương trình khác như: đoàn khảo sát thị trường mới, hội chợ, triển lãm, cung cấp thông tin về đầu tư, thương mại kinh doanh cho cộng đồng các DN.

Theo bà An, năm 2012, bên cạnh việc tiếp tục triển khai XTTM nội địa, chương trình XTTM quốc gia đặt mục tiêu trọng tâm là XTTM định hướng xuất khẩu. Trong đó, chú trọng các thị trường xuất khẩu trọng điểm là: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách dành cho XTTM hiện nay của Việt Nam chỉ bằng 1/30 so với mức trung bình của thế giới và bằng 13,6% nhu cầu hỗ trợ của DN nên việc tổ chức các hoạt động XTTM cho từng địa phương, DN gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các Hiệp hội ngành hàng, các Trung tâm XTTM với các địa phương, DN để xây dựng các chương trình XTTM khả thi, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, phát triển thị trường thương mại nội địa.

Ông Huỳnh Tấn Phong- PGĐ Trung tâm XTTM & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trong năm qua, ITPC đã hoàn thành khá lớn khối lượng công việc, thực hiện nhiều hoạt động XTTM nhằm đẩy mạnh tăng cường xuất khẩu, đẩy mạnh thị trường nội địa; đồng thời tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư đa dạng, phong phú để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các hoạt động XTTM bị chi phối bởi các chương trình của UBND và Cục XTTM dẫn đến sự trùng lặp giữa các chương trình được thực hiện bởi các đơn vị khác nhau. Vai trò của các Hiệp hội ngành hàng vẫn chưa thực sự được phát huy nên công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, các cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động XTTM như hội chợ, triển lãm và các sự kiện khác còn thiếu và yếu, mặc dù hiện tại vẫn có một số nơi chưa khai thác hết công suất…

Để hoạt động XTTM trong năm 2012 được thực hiện hiệu quả hơn, ông Phong cho rằng, cần có sự phối hợp triệt để giữa các cơ quan xúc tiến địa phương với Cục XTTM nhằm kết hợp xây dựng tính thống nhất và đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị trên cả nước. Cần sự phối hợp thực hiện các chiến dịch bán lẻ tại thị trường nội địa để tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam; tăng cường công tác huấn luyện nâng cao chuyên môn XTTM cho đội ngũ cán bộ; phát huy thêm vai trò của các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại nước ngoài…

Theo ông Lê Anh Tuấn- Phó ban Ban Quản lý các Khu chế xuất- khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA), hiện nay, phần lớn các DN nước ta là DN vừa và nhỏ, trình độ công nghệ lạc hậu; hàng hóa xuất khẩu chủ yếu là gia công, xuất nguyên liệu thô nên giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu thấp. Mặt khác, DN Việt Nam trong giao dịch ngoại thương thường chọn xuất khẩu theo giá FOB, nhập theo giá CIF, điều này làm giảm nguồn thu ngoại tệ, đánh mất các loại hình dịch vụ về logistics vào tay nước ngoài, dẫn đến việc nhập siêu. Nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hiện nay là phải làm tốt công tác XTTM để góp phần nâng cao giá trị gia tăng hàng hóa trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu; chuyển từ nhập siêu tiến dần đến xuất siêu.

Để làm được điều này, về phía các DN phải đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, chuyển đổi phương thức xuất nhập khẩu từ xuất theo giá FOB, nhập CIF sang xuất CIF, nhập FOB. Phía Nhà nước cần có chính sách đầu tư tập trung, trọng điểm thông qua các chương trình vay vốn, kích cầu, thuê tài chính, chính sách thuế… để khuyến khích DN đầu tư đổi mới thiết bị, đổi mới sản phẩm, cải tạo môi trường sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, Cục XTTM nên hỗ trợ thông tin cụ thể về nhu cầu từng thị trường để giúp DN mở rộng xuất khẩu; đào tạo cho DN kiến thức về ngoại thương, xuất nhập khẩu; hỗ trợ DN tham gia hội chợ, triển lãm tại nước ngoài nhiều hơn…

Thùy Dương
Nguồn: Báo điện tử Công thương