XTTM đẩy mạnh xuất khẩu: Kinh phí khó, “bó” hoạt động
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 4/2011 theo số liệu của ngành Hải quan ước đạt 7,3 tỷ USD, giảm 2% so với tháng 3 nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 4 tháng qua vẫn đạt khoảng 26,94 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Mục tiêu của hoạt động xuất khẩu năm 2011, theo Bộ Công Thương, là tập trung khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống, các thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký Hiệp định mậu dịch tự do; đồng thời quan tâm phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường có nhiều tiềm năng ở khu vực Đông Âu, Tây Á, Nam Á, Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La tinh.

Tại Quyết định 1856 về kế hoạch và các biện pháp điều hành XNK mà Bộ Công Thương vừa ban hành vào cuối tháng 4/2011 thì một trong các giải pháp trọng tâm sẽ là tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại. Thực tế cho thấy, XTTM đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như nâng cao kim ngạch cho hàng XK của Việt Nam. Qua các kỳ tham gia hội chợ tại nước ngoài, nhiều đơn hàng mới đã được ký kết, thị trường mới cũng được khai phá. Tuy nhiên, để hoạt động XTTM thực sự có hiệu quả đối với xuất khẩu, bên cạnh nguồn kinh phí hàng năm thì rất cần có những kế hoạch và chiến lược cụ thể cho từng giai đoạn, thời kỳ. Năm 2011, nguồn kinh phí XTTM cho XK đang bị cắt giảm, gây lo ngại cho không ít DN và hiệp hội ngành hàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng- Phó tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam chia sẻ: Việc Bộ Tài chính cắt giảm kinh phí XTTM năm nay là đi ngược với chủ trương thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường. Đề nghị xem xét lại bởi các DN rất cần có nguồn kinh phí từ nguồn hỗ trợ XTTM quốc gia để tham gia các hội chợ, hội thảo trên thế giới để giới thiệu nguồn hàng cũng như nắm bắt nhu cầu thị trường. Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ông Tăng Văn Hấn cũng lo ngại: chương trình xúc tiến thương mại của hiệp hội cũng chưa được duyệt mà chúng tôi đang rất cần có kinh phí để còn triển khai.

Được biết, Bộ Công Thương vừa có Quyết định phê duyệt đợt 1 chương trình XTTM quốc gia năm 2011 với tổng kinh phí là 55 tỷ đồng. Trong 50 danh mục đề án của 22 tổ chức XTTM và 16 địa phương được phê duyệt lần này có 65% đề án thuộc về lĩnh vực XK. Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục XTTM cho biết: Chúng tôi nhận được đề nghị của các đơn vị chủ trì dự án và các địa phương có các danh mục dự án lên tới 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của đợt 1 không đáp ứng đủ nhu cầu của các đơn vị nên sẽ phải lựa chọn, ưu tiên các đề án trọng điểm. Cục XTTM và các cơ quan liên quan sẽ nhanh chóng triển khai, phê duyệt đề án để giải ngân nguồn kinh phí này trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, Cục XTTM cũng đã báo cáo các cấp lãnh đạo tiếp tục có đề xuất xin thêm kinh phí để đáp ứng nhu cầu thỏa đáng của các đơn vị chủ trì dự án. Ông Hải cũng cho biết thêm, với các đề án XTTM trong lĩnh vực XK được phê duyệt sẽ tập trung vào phát triển các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc; tập trung cho các thị trường tiềm năng nhưng đang khai thác ít như Nga, Châu Phi và Trung Đông. Bên cạnh đó, công tác XTTM đẩy mạnh hỗ trợ XK còn ưu tiên cho phát triển các mặt hàng mới, giúp DN, đơn vị giới thiệu hàng hóa ra nước ngoài.

Thực tế, kinh phí xúc tiến thương mại đã liên tục giảm từ năm 2009 đến nay nên việc phê duyệt các dự án gặp nhiều khó khăn. Bộ Công Thương dự kiến đề nghị Chính phủ cấp bổ sung 100 tỉ đồng cho chương trình xúc tiến thương mại năm 2011 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu.

Cùng với việc băn khoăn về nguồn kinh phí bị cắt giảm, gây khó khăn cho hoạt động XTTM đối với hàng XK thì các DN, hiệp hội còn trăn trở về việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác XTTM trong lĩnh vực này. Ông Nguyễn Thái Học- Chủ tịch hiệp hội điều Việt Nam chia sẻ: Việt Naml à nước 5-6 năm liền XK điều lớn nhất nên việc XTTM ở nước ngoài là tốt nhưng không cần thiết bằng việc tổ chức hội nghị khách hàng tại Việt Nam để thu hút bạn hàng thế giới. Chúng tôi nhận thấy sau Festival Điều Việt Nam năm 2010 hình ảnh và vị trí của sản phẩm điều Việt Nam đã tăng thêm rất nhiều trên thị trường thế giới vì thế nên có các cuộc xúc tiến thương mại tại Việt Nam và mời DN thế giới tham gia.

Ở góc độ khác, ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh lại cho rằng: Xúc tiến thương mại cần có những giải pháp đột phá. Theo ông, đã thành công trong việc tổ chức hội chợ triển lãm trong nước thì nên đưa sản phẩm ra nước ngoài, hình thành các khu vực thị trường, tập trung hàng để phân phối trực tiếp vào thị trường đó. Ông Mạnh cho biết thêm, nếu thành lập kho ngoại quan ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ kinh phí, nếu có kho ở Mỹ và Châu Âu thì ngành gỗ sẽ huy động được DN đưa hàng qua để trực tiếp bán vào hệ thống phân phối, giúp giảm trung gian, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Thùy Linh
Nguồn: Báo điện tử Công thương