Xu hướng bùng nổ thương mại điện tử
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tại Đài Loan, Công ty dịch vụ thương mại điện tử Expal Technology cho biết, Công ty dự kiến vẫn đạt mức tăng trưởng trên 30% trong năm nay, mặc dù kinh tế suy giảm. Theo ông Louis Yang, Giám đốc Expal Technology, Công ty vẫn nhìn thấy nhu cầu tiêu dùng từ người dân, bởi trong bối cảnh phải cắt giảm chi tiêu hay ngần ngại trước bất cứ khoản chi mới nào, thì người dân Đài Loan lại có xu hướng ngồi nhà và dùng những dịch vụ trực tuyến.

Tại Việt Nam, các hoạt động thương mại điện tử vẫn được nhiều công ty triển khai. Các công ty nhỏ và vừa đang có xu hướng đặt hàng qua mạng để giảm bớt chi phí và thanh toán trực tuyến đang tạo lập những nền tảng cho thương mại điện tử.

Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm Hòa Bình (đơn vị quản lý website www.chodientu.vn) dự báo, năm 2009 sẽ là năm bùng nổ thương mại điện tử, với tốc độ tăng trưởng gấp hơn 10 lần so với năm 2008, đạt khoảng 400 tỷ đồng giá trị giao dịch phát sinh. Năm 2008, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử đạt 150 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với năm 2007. Số người mua bán online thường xuyên trong năm 2009 cũng được dự báo tăng gấp đôi, gấp ba so với năm 2008.

“Chúng tôi sẽ thường xuyên đưa ra các chương trình nhằm kích thích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thương mại điện tử”, bà Đào Lan Hương, Giám đốc khối thị trường nội địa Liên doanh Chợ điện tử – eBay cho biết. Tính đến hết quý I/2009, tổng giá trị giao dịch của website này đã lên đến gần 100 tỷ đồng và số thành viên tham gia cả mua và bán lên tới 218.000 người.

Ông Trần Hữu Linh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin cho biết, thương mại trực tuyến ngày càng đi lên, do hạ tầng Internet và thanh toán tốt, các doanh nghiệp thấy được lợi ích to lớn và hiệu quả của thương mại điện tử.

“Tôi cho rằng, thị trường giao dịch trực tuyến sẽ tăng mạnh trong năm 2009. Suy giảm kinh tế có ảnh hưởng đến ngành này, nhưng cơ hội rất lớn, vì chính trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay, người dân bắt đầu quan tâm tìm cách xúc tiến thương mại mới”, ông Linh cho biết.

Nếu như năm 2007 được đánh giá là năm đánh dấu bước phát triển nhanh chóng và toàn diện của thanh toán điện tử, thì năm 2008 là năm tạo bước đột phá trong thanh toán điện tử và các công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoàn toàn có thể tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành này tại Việt Nam.

Trong năm 2008, với sự năng động, tích cực của các ngân hàng và doanh nghiệp, một loạt dịch vụ thanh toán điện tử với những giải pháp khác nhau đã xuất hiện. Đặc biệt, số lượng website thương mại điện tử cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến có sự phát triển nhảy vọt. Nếu năm 2007 chỉ có vài website thương mại điện tử cung cấp dịch vụ này thì năm 2008 đã có trên 50 website của các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, như ngân hàng, hàng không, du lịch, siêu thị bán hàng tổng hợp…, triển khai thành công cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến cho khách hàng.
Có thể khẳng định rằng, với sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng thanh toán điện tử và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong năm 2008, giai đoạn 2009 – 2010 được dự kiến sẽ chứng kiến những thay đổi sâu sắc trong hoạt động thanh toán tại Việt Nam.

Đối với hệ thống thanh toán ở tầm quốc gia, sau nhiều năm tích cực triển khai, ngày 8/11/2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn II. Hệ thống có khả năng xử lý 2 triệu giao dịch thanh toán/ngày, góp phần quan trọng trong việc mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động thanh toán, chu chuyển vốn của nền kinh tế.

Dịch vụ thanh toán thẻ cũng có một năm phát triển tích cực. Đến hết năm 2008, các tổ chức ngân hàng đã phát hành khoảng 13,4 triệu thẻ thanh toán, tăng 46% so với năm 2007. Toàn hệ thống ngân hàng đã lắp đặt và đưa vào sử dụng 7.051 máy ATM, tăng trên 46% so với năm 2007; số lượng điểm chấp nhận thẻ (POS) vượt ngưỡng 24.000. Hệ thống thanh toán của hai liên minh thẻ lớn nhất cả nước là Banknetvn và Smartlink (chiếm hơn 90% thị trường thẻ toàn quốc) đã được kết nối liên thông.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với sự phát triển nhanh chóng của các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán đã giảm xuống còn 14% vào thời điểm cuối năm 2008, so với mức 18% của năm 2007.

Nguồn: Báo Đầu tư