Xu hướng lãi suất: có giảm được không?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Thanh khoản tiền đồng cải thiện hơn trên thị trường liên ngân hàng

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm nhẹ so với tháng trước, với lãi suất cho vay qua đêm phổ biến ở các ngân hàng lớn là 13-15%/năm (giảm khoảng 1% so với tuần trước đó), lãi suất kỳ hạn một tuần giao dịch trong khoảng 15-17%/năm.

Các ngân hàng lớn bắt đầu đối diện với tình trạng dư vốn khi không có đầu ra, trong khi huy động đã bắt đầu ổn định. Hiện tại, các ngân hàng gặp khó khăn trong việc mở rộng tín dụng do không tìm được khách hàng tốt trong khi đó khối lượng cho vay trên thị trường liên ngân hàng ở mức thấp do các ngân hàng yêu cầu phải có tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Trên thị trường mở, NHNN đã hỗ trợ thanh khoản khi bơm ròng 30.899 tỉ đồng kể từ đầu tháng 10. Trong chín tháng đầu năm nay, NHNN đã rút ròng qua thị trường mở 63.738 tỉ đồng. Thông tin trên thị trường tái cấp vốn không được công bố, tuy nhiên thanh khoản trên thị trường cải thiện cho thấy NHNN đã hỗ trợ thanh khoản qua kênh này trong thời gian qua.

Một số ngân hàng nhỏ và ngân hàng quốc doanh mà chúng tôi gặp gỡ cũng khẳng định có nhận tái cấp vốn của NHNN trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua với kỳ hạn ba tháng. Cùng lúc đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vẫn tiếp tục đảm nhận trách nhiệm hỗ trợ thanh khoản cho một số ngân hàng. Trong thời gian qua, BIDV hỗ trợ thanh khoản cho tám ngân hàng nhỏ, trong đó riêng cho ba ngân hàng là Đệ Nhất, SCB và Tín Nghĩa là 2.400 tỉ đồng, theo lời ông  Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV.

NHNN định hướng giảm lãi suất nhưng vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%

NHNN khẳng định vẫn tập trung vào mục tiêu ổn định vĩ mô nhưng gần đây lại đưa ra thông điệp giảm trần lãi suất huy động và việc này chỉ còn là vấn đề thời điểm. Cùng với chính sách giảm lãi suất, NHNN tiếp tục sử dụng những biện pháp hành chính nhằm hạn chế tăng trưởng tín dụng. Trong năm tới, NHNN khẳng định sẽ giữ tăng trưởng tín dụng ở mức mục tiêu là 15-17% bằng cách đưa ra giới hạn tăng trưởng tín dụng cho mỗi nhóm ngân hàng. Với chính sách giảm lãi suất kết hợp với biện pháp hành chính về giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN cho rằng có thể đồng thời vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa chống lạm phát.

Lạm phát theo xu hướng năm đã đạt đỉnh vào tháng 8. Theo xu hướng tháng,  lạm phát cũng đã giảm đáng kể từ mức trung bình 1,73% trong chín tháng đầu năm xuống mức 0,3-0,35% trong tháng 10 và tháng 11. Cùng lúc đó, do thâm hụt thương mại giảm, cán cân thanh toán thặng dư 2 tỉ đô la Mỹ trong năm nay đã xóa đi những lo ngại về khả năng phá giá tiền đồng đáng kể vào đầu năm sau.

Liệu quá sớm để giảm lãi suất?

Mặc dù thanh khoản đã cải thiện hơn ở các ngân hàng lớn nhưng với các ngân hàng nhỏ tình trạng thiếu thanh khoản vẫn còn. Việc giảm trần lãi suất huy động sẽ đẩy các ngân hàng nhỏ vào khó khăn hơn trong huy động vốn. Hiện tại, trên thị trường liên ngân hàng, một số ngân hàng nhỏ chấp nhận vay với mức lãi suất 20-21%/năm đối với khoản cho vay kỳ hạn một tuần và 22-24%/năm với kỳ hạn hai tuần cho các khoản vay có đảm bảo.

Thêm vào đó, xu hướng lạm phát tuy giảm nhưng so với cùng kỳ vẫn ở mức 19,44%. Trong năm tới, dự báo lạm phát có thể vẫn tiếp tục tăng ở mức hai con số.

Trong khi đó, mặc dầu tỷ giá đã ổn định trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn giao dịch ngoài biên độ dao động. Thêm vào đó, dù cán cân thanh toán thặng dư 2 tỉ đô la theo công bố gần đây nhất của NHNN nhưng không nên quá lạc quan về con số này. Trong năm nay, cán cân thanh toán thặng dư một phần được hỗ trợ bởi dòng vốn ngắn hạn. Cho đến tháng 9, dòng vốn ngắn hạn đi vào hưởng chênh lệch lãi suất ghi nhận ở mức 5,5 tỉ đô la, theo như công bố của ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

Thêm vào đó, một số quan điểm phản đối áp dụng lãi suất trần vì nếu giảm trần lãi suất huy động nhưng vẫn giới hạn tăng trưởng tín dụng thì sẽ không giúp được nhiều trong việc giảm lãi suất cho vay. Trong thời gian qua, trần lãi suất huy động được giữ ở mức 14% nhưng lãi suất cho vay vẫn phổ biến ở mức 19-20%/năm. Trong trường hợp lãi suất cho vay không giảm đáng kể sau khi giảm trần lãi suất huy động, thì động thái này lại giúp tăng tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng hơn là hỗ trợ doanh nghiệp.  Theo đó, mục tiêu đồng thời vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa ổn định kinh tế không dễ dàng được thực hiện thông qua giảm lãi suất và giới hạn tăng trưởng tín dụng.

Giảm lãi suất là yêu cầu hợp quy luật

Theo VnExpress, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012 của ngành ngân hàng hôm 17-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những nỗ lực của ngành ngân hàng và khẳng định ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế.

Tuy nhiên ông tỏ ra không hài lòng về tinh thần thượng tôn pháp luật của hệ thống ngân hàng trong năm qua. Ông nhắc nhở về tình trạng một số ngân hàng lạm dụng chức năng huy động vốn từ dân cư để cho vay đầu tư nội bộ, dù quy định hiện hành nghiêm cấm điều này. Thủ tướng khuyến cáo các ngân hàng không nên chạy theo lợi nhuận mà làm trái quy định, cần có trách nhiệm hơn với chính mình và với xã hội. Theo ông, hiện tượng nợ xấu gia tăng và mất thanh khoản tạm thời chỉ xảy ra ở một bộ phận không lớn, nhưng đã đe dọa ổn định của toàn hệ thống ngân hàng. Thủ tướng cũng phê phán tình trạng cạnh tranh không lành mạnh và thiếu tinh thần hợp tác trong hệ thống ngân hàng.

Nhiệm vụ của cả nước năm 2012 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 10% (Chính phủ phấn đấu điều hành để giữ khoảng 9%). Vì vậy, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cũng phải tham gia kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đề ra mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2012 là 15-17% nhưng Thủ tướng cho rằng con số hợp lý nên là 15%.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu toàn ngành ngân hàng phải giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo ông, đây là yêu cầu hợp quy luật chứ không phải mệnh lệnh hành chính, bởi lạm phát có xu hướng giảm dần.

Tăng trưởng tín dụng cả năm là 12-13%

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay dự kiến là 12-13% (kế hoạch ban đầu là dưới 20%, sau đó điều chỉnh còn 15-16%). Đây là mức tăng trưởng thấp nhất từ trước đến nay. Trong đó, tín dụng bằng tiền đồng tăng 10,2%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,7%.

Nếu so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (6-6,5%), tăng trưởng tín dụng chỉ cao hơn hai lần, trong khi ở các năm trước thường con số này là 5-6 lần.

Xét về cơ cấu, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 12-13%, nhưng vốn cho sản xuất kinh doanh tăng 15%, vốn cho nông nghiệp nông thôn tăng 24%, có thời điểm hơn 30%. Tăng trưởng tín dụng xuất khẩu tăng tới 58%. Riêng vốn cho chứng khoán và bất động sản giảm mạnh.

Đoàn Thị Thu Hoài –  Công ty Chứng khoán Bản Việt
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online