Xu hướng tái cấu trúc DN thời hậu khủng hoảng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

nối các Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam hàng năm, chiều nay (28/3/2011), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Lễ công bố Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010 với chủ đề năm “Một số xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam”. Báo cáo đã cung cấp những thông tin tổng thể phản ánh thực trạng môi trường kinh doanh, hoạt động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam năm 2010 đặc biệt là xu hướng tái cấu trúc doanh nghiệp thời kỳ hậu khủng hoảng.
Tiến 10 bậc về môi trường kinh doanh Môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Môi trường kinh doanh trong năm 2010, tiến 10 bậc so với năm 2009, đứng thứ 78/183 nước và đứng thứ 4/10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Trong những thành tựu Việt Nam đạt được phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao – 6,78%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đang có những dấu hiệu chuyển biến theo hướng tích cực: tăng dần tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần xuất khẩu hàng thô. Tuy nhiên nhập siêu có xu hướng phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc là một vấn đề cần phải được quan tâm thỏa đáng trong bối cảnh cơ cấu xuất nhập khẩu được cải thiện chưa nhiều

Phát biểu tại Lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, môi trường kinh doanh được cải thiện là nhờ những nỗ lực rất lớn, từ việc thực hiện một cách rộng rãi và quyết liệt Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Ngoài ra, việc cải thiện môi trường pháp lý với những thay đổi quan trọng liên quan đến gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là về đăng ký kinh doanh cũng đã góp phần giúp môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Con số doanh nghiệp đăng ký mới tiếp tục gia tăng minh chứng cho điều này, tính đến hết năm 2010, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập đã đạt 544.394 doanh nghiệp vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ. Nhận định về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, bà Victoria Kwakwwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam ngày càng hội nhập hiệu quả và hấp dẫn hơn trong mắt cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, nhờ việc kiên trì mục tiêu kinh tế, áp dụng những chính sách thông thoáng, qua đó đã cải thiện môi trường kinh doanh liên tục trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, vẫn còn những yếu tố tác động không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp năm 2010 như: lãi suất ngân hàng luôn ở mức độ cao, có lúc lên đến 17-18%/năm; tình trạng lạm phát cao, chỉ số CPI tháng so với tháng 12 năm 2009 tăng 11,75%, bỏ xa chỉ tiêu 7% do Quốc hội đề ra. Nền kinh tế luôn phải đối phó với tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách ngày càng gia tăng, cũng cần thấy rằng việc điều hành kinh tế vĩ mô còn nhiều bất cập… Ngoài ra, kinh tế thế giới trong năm 2010 và các năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự suy giảm vai trò của các nền kinh tế lớn Mỹ, EU, Nhật Bản và sự vươn lên mạnh mẽ của các nước mới nổi (BRIC) và các nước đang phát triển. Việt Nam đang có thời cơ rõ rệt trong việc tận dụng những lợi thế khách quan và chủ quan trong việc vươn lên tham gia vào nền sản xuất khu vực và toàn cầu.
Xu hướng tái cấu trúc DN
Báo cáo chỉ rõ, trong cơ cấu DN Việt Nam hiện nay, mặc dù tỷ trọng của các DN khu vực tư nhân chiếm trên 95% và ngày càng tăng về số lượng, tuy nhiên sự đóng góp của các DN này chưa tương xứng với số lượng DN, ngoại trừ đóng góp tạo việc làm, với gần 60% số lượng lao động của khu vực DN. Các DN ngoài quốc doanh xét cả về lao động và nguồn vốn đều nhỏ bé hơn nhưng lại đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng trưởng về quy mô về tài sản và đặc biệt, hiệu quả kinh doanh của các DN này cao hơn hẳn so với các DN nhà nước.
Trước môi trường kinh doanh đó, để có thể nắm bắt được những cơ hội này, các DN cần phải tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với kinh tế quốc tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững và ổn định lâu dài.
Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, các DN ngoài quốc doanh đã có xu hướng chuyển dịch vào các ngành có đòi hỏi cao về chất lượng lao động như Thông tin truyền thông, Dịch vụ chuyên môn & KHCN, Giáo dục đào tạo, Dịch vụ hành chính & hỗ trợ Kinh doanh, Kinh doanh bất động sản. Đây là những ngành mới phát triển và chiếm tỷ trọng không lớn trong cơ cấu lao động của các DN khu vực tư nhân.
Trong năm 2010, với các DN Nhà nước, một cách thức mới để thực hiện quá trình sắp xếp đổi mới là thông qua hoạt động mua bán nợ của Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp – Bộ Tài chính (DATC). Thông qua hoạt động này, nhiều DNNN làm ăn thua lỗ, mất hết vốn chủ sở hữu Nhà nước, không đủ điều kiện cổ phần hóa, đã được DATC tái cơ cấu, chuyển đổi thành các CTCP. Việc niêm yết cổ phiếu là bước cuối cùng của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán nợ. Tính đến 31/12/2010, DATC đã có 34 doanh nghiệp được hình thành từ hoạt động chuyển nợ thành vốn góp gắn với tái cơ cấu.
Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M &A) năm 2010 diễn ra không sôi động như năm 2009, tuy nhiên đã có sự khởi sắc vào cuối năm. Trên thực tế môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi cho hoạt động này.
“Nhìn chung quá trình tái cấu trúc của các DN Việt Nam đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt là đối với khu vực tư nhân, khi mà nhu cầu tái cấu trúc của DN chủ yếu là nhu cầu tự thân. Đối với khu vực nhà nước, yêu cầu tách biệt rõ chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu đối với DNNN trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này khẳng định, một khi nền kinh tế vận động theo quy luật thị trường thì tất yếu các chủ thể kinh tế cũng phải được vận hành theo quy luật thị trường. Vai trò của Nhà nước chính là ở chỗ tạo điều kiện cho các chủ thể này kinh doanh hiệu quả và thực hiện chức năng chủ đạo của kinh tế nhà nước, mà không đi ngược với quy luật của thị trường” – Báo cáo nhận định. Nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong năm 2011 và các năm tiếp theo, các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, ổn định kinh tế vĩ mô cần phải nhấn mạnh đến tính lâu dài và bền vững, trong đó cốt lõi là cần giảm bội chi ngân sách và giảm đầu tư công, cũng như tăng hiệu quả đồng vốn đầu tư của nhà nước. Chính phủ cần thực hiện việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng tính minh bạch và nhất quán của hệ thống pháp lý. Đặc biệt là tạo sân chơi bình đẳng cho mọi doanh nghiệp, không phân biệt thành phần sở hữu và hỗ trợ ưu đãi cho đầu tư chiều sâu. Sự hình thành và phát triển các Tập đoàn kinh tế
Thực tế ở Việt Nam đã tồn tại 2 nhóm tập đoàn kinh tế, đó là các tập đoàn kinh tế nhà nước (TĐKTNN) và các tập đoàn kinh tế tư nhân (TĐKTTN). Theo báo cáo, khuynh hướng chủ đạo tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế nhà nước trong năm 2010 là: Tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; Đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, giảm vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần Nhà nước nắm giữ, nâng cao chất lượng hoạt động của các công ty cổ phần để đủ điều kiện niêm yết trên sàn khu vực và quốc tế; Chuẩn bị mọi mặt để tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ – tập đoàn nhằm đa dạng hóa sở hữu nhưng đảm bảo vai trò then chốt trong nền kinh tế ; Cấu trúc lại danh mục đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư trọng điểm đi vào vận hành; Tăng vốn điều lệ của tập đoàn trên cơ sở đánh giá lại giá trị tài sản theo thị trường và Nhà nước đầu tư thêm để có quy mô đủ lớn; Cấu trúc nguồn nhân lực đi đôi với thực hiện quản trị doanh nghiệp từng bước hiện đại, nhất là chuẩn mực kế toán thống kê, hoạch toán kết quả sản xuất kinh doanh, dự phòng rủi ro…

Đối với các TĐKTTN, việc tái cấu trúc xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Khi phát triển đến một quy mô nhất định hoặc khi tình hình thị trường không còn thuận lợi, các chủ sở hữu và các TĐKTTN sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý hoạt động kinh doanh của toàn bộ tập đoàn cũng như của các công ty thành viên và các chức năng/phòng ban của từng đơn vị. Thực tế này tạo ra sức ép cho các doanh nghiệp này thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp một cách tổng thể hay từng phần như là một nhu cầu tự thân. Một trong những vấn đề thực tiễn khác là sự gắn kết của quá trình tái cấu trúc với chiến lược chào bán ra công chúng hoặc cổ phần hóa của các TĐKTTN.

Như vây, việc tái cấu trúc DN nhằm có chiến lược phát triển đúng đắn và phù hợp là điều quan trọng được đặt ra với mỗi DN trong bối cảnh hiện nay.

Huyền – Phương
Nguồn: Báo Điện tử Diễn đàn doanh nghiệp