Xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường: Cần thiết lập trách nhiệm hình sự?
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Luật mâu thuẫn Nghị định

Tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 16.3.2003 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải” vừa qua tại Hà Nội, ông Lê Kế Sơn- Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết: 223 khu công nghiệp trên cả nước mỗi ngày thải ra môi trường 1.000.000 m3 nước. Trong đó, 75% lượng nước thải nói trên (750.000 m3) là chưa qua xử lý. Thế nhưng, báo cáo của Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Tổng cục này về công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải,  kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực thi hành, lượng phí được chuyển về Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam mới chỉ được 1/3 lần với tổng số khoảng 40,6 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, các con số này chưa phản ánh đúng thực trạng thu phí, mà nguyên nhân là do: một số địa phương chưa quan tâm đúng mức dẫn đến thất thoát trong thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; mức thu phí trên đơn vị ô nhiễm hiện nay là quá thấp, cần phải tính toán cao hơn, phân nhóm các đối tượng nộp phí cần cụ thể hơn.

Đặc biệt, có sự mâu thuẫn giữa Nghị định 67 và Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002; mâu thuẫn, bất cập giữa Nghị định 67 và Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Hiện chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp của các doanh nghiệp đã dừng hoạt động hoặc giải thể. Việc nộp phí về Quỹ Bảo vệ Môi trường (40%) mới chỉ được thực hiện ở rất ít các tỉnh, thành phố với số phí rất thấp so với phí phải nộp theo quy định. Mặt khác, căn cứ theo Nghị định 26/2010/NĐ-CP thì 100% phí sẽ được giữ lại ở địa phương.

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến việc nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải chưa triệt để, xuất phát từ mâu thuẫn giữa Nghị định 67 với Nghị định 60/2003/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách ra đời cùng thời điểm. Theo đó, phí do địa phương thu và chuyển vào ngân sách địa phương thì phải để lại cho địa phương…

Phải sớm thiết lập trách nhiệm hình sự

Sở dĩ số lượng doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng theo TS Phạm Văn Lợi- Viện trưởng Viện Khoa học Quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường) là do các quy định xử phạt còn quá nhẹ. “Tôi cho rằng về biện pháp xử phạt, chúng ta cần phải nhanh chóng thiết lập chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự, làm thế nào để các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm pháp luật môi trường với mức độ nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hiện nay trong Bộ luật Hình sự của chúng ta chưa thiết lập trách nhiệm hình sự này”- ông Lợi nói.

Hiện tại, Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa thiết lập chế định xử lý hình sự đối với pháp nhân nên các cơ quan chức năng không thể xử lý về mặt hình sự được. Theo một số chuyên gia lĩnh vực môi trường, ở một số quốc gia, khi bị phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà chưa cần đề cập đến hậu quả, còn ở Việt Nam thì còn phải xem xét đến hậu quả của hành vi vi phạm để căn cứ vào đó đưa ra mức xử lý.

Còn về hình thức xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 117/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1.3.2010 quy định 33 hành vi vi phạm, theo đó mức phạt tiền tăng cao gấp 7,5 lần so với mức phạt trong Nghị định 81/2006/NĐ-CP được Chính phủ ban hành năm 2006 quy định 25 hành vi vi phạm. Tuy nhiên, thực tế xả trộm rác, nước thải vẫn xảy ra.

Trước tình trạng số lượng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang có chiều hướng gia tăng, một số ý kiến cho rằng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, trong đó có thiết lập trách nhiệm hình sự pháp nhân để có cơ sở pháp lý xử lý hình sự các doanh nghiệp gây ô nhiễm ởã mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra, có thể áp dụng các biện pháp đồng bộ như xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao, dùng áp lực xã hội, đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để đảm bảo mức độ xử lý phải tương thích với vi phạm mà họ đã gây ra.

Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân