Xuất khẩu 2010: Phía sau bức tranh nhiều màu sáng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Các số liệu của tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 11 vừa qua không dừng lại ở con số 6,45 tỉ USD như ước tính cách đây gần một tháng, mà là 6,641 tỉ USD, tức là tăng thêm gần 200 triệu USD và gần 3%. Do vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đã đạt 64,53 tỉ USD, vượt mục tiêu phấn đấu cả năm trên 4 tỉ USD và 6,6%.

Do vậy, chỉ cần xuất khẩu trong tháng 12 này đạt được kết quả như tháng 11, thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm nay sẽ đạt trên 71 tỉ USD, tăng khoảng 24,6% so với năm 2009.

Chắc chắn, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta bứt tốc mạnh mẽ để đạt kỷ lục chưa từng có như vậy. Tuy cũng phải chờ có đầy đủ các số liệu thống kê cả năm mới có thể có cái nhìn cặn kẽ hơn, nhưng cho tới thời điểm này, có lẽ đã có đủ căn cứ để cho rằng, việc xuất khẩu tăng mạnh như vậy là do hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, giá cả thế giới tăng mạnh tác động “kép” tích cực đối với xuất khẩu: vừa có tác dụng “khuếch đại rổ hàng hoá xuất khẩu”, vừa là nguồn động lực lớn thúc đẩy xuất khẩu tăng mạnh.

Trước hết, các số liệu thống kê của IMF cho thấy, so với mức “đáy” trong tháng 6, giá nguyên liệu thế giới tháng 7 đã nhúc nhích tăng 1,6%, tháng 8 tăng 2,5%; tháng 9 tăng 1,5%; tháng 10 tăng kỷ lục 5,5% và tháng 11 tăng 3,1%; tổng cộng tăng 14,9%.

Hẳn nhiên, việc giá cả thế giới tăng như vậy đã làm “khuếch đại rổ hàng hoá xuất khẩu” của nước ta.

Các kết quả tính toán từ 11 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có đủ số liệu thống kê về khối lượng và giá trị xuất khẩu 11 tháng qua của nước ta gồm: hạt điều, càphê, chè, hạt tiêu, gạo, sắn và sản phẩm của sắn, than đá, dầu thô, xăng dầu, cao su và sắt thép cho thấy, với 16,376 tỉ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này tăng 1,373 tỉ USD và 9,2% so với cùng kỳ năm 2009. Thế nhưng, nếu quy về giá cùng kỳ năm 2009, kim ngạch xuất khẩu “co lại” chỉ còn 12,102 tỉ USD, cho nên thấp hơn kim ngạch thực tế tới 4,274 tỉ USD và 28,5%. Trong đó, so với giá cùng kỳ năm 2009, điển hình là thép xuất khẩu tuy chỉ giảm 845 triệu USD, nhưng đạt kỷ lục giảm 259,6%, còn dầu thô tuy chỉ giảm 19,6%, nhưng giá trị giảm đạt kỷ lục 1,13 tỉ USD.

Những điều nói trên có nghĩa là, khối lượng xuất khẩu 11 mặt hàng này trong 11 tháng qua đã làm giảm kim ngạch 2,901 tỉ USD (quy giá 2009), tương ứng với tỷ lệ giảm 19,3%, còn phần tăng 1,373 tỉ USD, tương ứng với tỷ lệ tăng 9,2% nói trên chính là phần tăng “ảo” còn lại của tác nhân giá cả thế giới tăng.

Bên cạnh đó, đối với hàng loạt mặt hàng thuộc nhóm hàng chế biến, chế tạo, tuy tác dụng thúc đẩy xuất khẩu tăng của giá cả thế giới hạn chế hơn rất nhiều, nhưng đó cũng là bước ngoặt so với năm 2009.

Bởi lẽ, theo như số liệu thống kê và ước tính cũng của IMF, thay vì giảm kỷ lục 6,1% trong năm 2009, giá của nhóm hàng này ước tính tăng 3,1% trong năm 2010, cho nên đương nhiên cũng có tác dụng đáng kể trong việc khuếch đại “rổ hàng hoá xuất khẩu” của nước ta.

Rõ ràng, hai xu thế trái chiều nhau của giá cả trên thị trường thế giới như vậy đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp phải “bấm bụng” để xuất khẩu trong năm 2009, nhưng gia tăng càng mạnh xuất khẩu trong năm nay thì khoản lợi nhuận thu được càng lớn.

Thứ hai, bên cạnh tác dụng như vậy của giá cả thế giới, việc đồng đôla Mỹ tăng giá so với VND đương nhiên cũng làm cho hàng xuất khẩu được giá hơn, cho nên sẽ “cộng hưởng” với yếu tố giá cả thế giới tăng.

Bởi lẽ, với việc tỷ giá USD/VND tăng 2,1% vào trung tuần tháng 8, mỗi tỉ USD hàng hoá xuất khẩu chỉ “sau một đêm” đã tăng 400 tỉ VND (2,1%), còn nếu so với tháng 2 đầu năm nay đã tăng 1.357 tỉ USD (7,1%).

Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, tuy thành công vượt rất xa so với mong đợi trong năm nay, nhưng thực tế xuất khẩu nói trên cho thấy hai điều cần được đặc biệt lưu ý đối với nền kinh tế nước ta.

Đó trước hết là giá trị xuất khẩu tuy tăng mạnh, nhưng khối lượng hàng hoá xuất khẩu giảm. Do vậy, trong điều kiện giá cả thế giới chững lại, đương nhiên phần “tăng ảo” này cũng biến mất. Nói cách khác, tăng trưởng xuất khẩu bền vững có nhiều khả năng sẽ là vấn đề nổi lên trong năm 2011, khi mà giá cả thế giới được dự báo là sẽ dịu hẳn so với năm 2010. Cụ thể là, thay vì tăng 25,5% trong năm 2010, giá dầu mỏ thế giới năm 2011 sẽ chỉ tăng nhẹ 3,1%, thậm chí giá nguyên liệu phi dầu mỏ còn giảm 2% (năm 2010 tăng 16,8%), còn giá của nhóm hàng chế biến, chế tạo cũng chỉ tăng 1,4% so với 3,1% trong năm 2010.

Bên cạnh đó, trong khi xuất khẩu được khuyến khích rất mạnh mẽ bởi yếu tố giá cả thế giới trong năm nay như nói trên, dường như giải pháp tăng tỷ giá USD/VND lần thứ hai trong trung tuần tháng 8 lại gây “hiệu ứng ngược” đối với những nỗ lực kiềm chế lạm phát. Bởi lẽ, cả giá hàng xuất khẩu lẫn giá hàng nhập khẩu tính bằng VND cùng tăng bởi tác động “kép” của giá cả thế giới và tỷ giá USD/VND đương nhiên đều gây sức ép đối với thị trường trong nước. Việc giá tiêu dùng liên tục tăng quá mạnh trong ba tháng gần đây khiến chúng ta bị “vỡ trận” kiềm chế lạm phát chắc chắn có phần rất quan trọng từ nguyên nhân này, mặc dù các hoạt động bình ổn giá cả được thực hiện một cách ráo riết chưa từng có trong liên tục nhiều tháng qua.

Nói cách khác, phải chăng vấn đề đặt ra là, chúng ta đã “quá tay” trong việc kiềm chế nhập siêu, cho nên không thể thành công trong kiềm chế lạm phát?

Nói tóm lại, tuy thắng lợi lớn trong xuất khẩu năm 2010, nhưng phát triển bền vững xuất khẩu, đồng thời bình ổn thị trường trong nước vẫn là những vấn đề không thể không đặc biệt lưu ý trong năm 2011 sắp tới.

Nguyễn Đình Bích
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng