Xuất khẩu đã không còn dựa vào tài nguyên thô
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nhớ lại mức tăng của xuất khẩu qua các mốc thời gian. Quí 1- 2016 tăng 4,1%, sáu tháng nhích lên 5,7%, con số đó của chín tháng là 6,7%  và cả năm được 8,6%. Quí 4 đúng là chặng bứt phá.

Về tỷ lệ, xuất khẩu năm 2016 chỉ tăng 8,6% so với năm 2015 nhưng về số tuyệt đối thì không đến mức bi quan. Năm 2015 tăng 10 tỉ đô la Mỹ so với 2014, con số đó của năm 2016 so với 2015 là gần 14 tỉ đô la Mỹ.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển động

Rõ nhất là cảm nhận tích cực về chuyển động cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Cơ cấu vừa đạt được đang định hình một nền xuất khẩu tiên tiến, khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, phát triển bền vững. Xin xem bảng 1 với số liệu của hai năm đầu của giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020.

Nhóm nông nghiệp kim ngạch tăng song tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm. Sự sa sút của nhóm tài nguyên phản ảnh đang giảm dần xuất khẩu tài nguyên thô, điển hình là mặt hàng dầu thô nhiều năm giữ ngôi hậu nay tụt hạng đáng kể sau cả rau quả. Nhóm công nghiệp vượt trội về kim ngạch, tăng về tỷ trọng, là xu hướng của một nền xuất khẩu tích cực. Nhóm mặt hàng khác gom các loại nhỏ lẻ chưa có danh tính, nên tỷ trọng của nhóm này giảm chứng tỏ ngày càng có thêm mặt hàng “đủ lông, đủ cánh” nhập đàn với những cánh chim chủ lực.

Trong từng nhóm cũng có sự hoán đổi. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,5 tỉ đô la Mỹ, trong khi phải tới năm 2013, rau quả lần đầu tiên cán mốc 1 tỉ đô la Mỹ. Theo đà thăng tiến, đến tháng 8-2016, rau quả đuổi kịp, cuối năm thì vượt gạo (rau quả 2,4 tỉ đô la Mỹ và gạo 2,2 tỉ đô là Mỹ). Trong nhóm nông nghiệp, rau quả đứng thứ ba về kim ngạch nhưng tỷ lệ tăng trưởng thì đứng đầu (tăng 30% so với năm 2015). Điều này có phần do gạo sa sút. Chuyện về gạo sẽ nói sau nhưng phải công nhận sự bứt phá của rau quả trên các mặt: quỹ hàng hóa phong phú (về số lượng, chủng loại, chất lượng); sự lăn xả vào thị trường của các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, đặc biệt là những địa bàn sức mua cao, tinh tường, kén chọn.  

Việc tiếp tục phát triển các mặt hàng điện tử tinh xảo đã làm xoay chuyển cơ cấu nhóm công nghiệp. Điện thoại làm từ Việt Nam đã thành mặt hàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Năm 2012 điện thoại còn kém xa may mặc lúc đó đứng đầu (điện thoại 12,7 tỉ đô la Mỹ và  may mặc 15 tỉ đô la Mỹ) nhưng ngay năm sau – năm 2013, điện thoại đã soán ngôi đầu từ tay dệt may (điện thoại 21,5 tỉ đô la Mỹ và may mặc 17,9 tỉ đô la Mỹ). Từ đó điện thoại vững ngôi đầu, năm 2016 đạt 34,5 tỉ đô la Mỹ (năm 2005 xuất khẩu 32,4 tỉ đô la Mỹ).     

Ngoài xuất khẩu cao su thiên nhiên đứng thứ ba thế giới, ta còn xuất khẩu 1,5 tỉ đô la Mỹ các sản phẩm từ cao su như lốp xe, linh kiện cao su, băng tải và 1,2 tỉ đô la Mỹ các sản phẩm từ gỗ cao su. Điều này cho thấy nếu phát triển công nghệ chế biến sẽ khai thác được nhiều tiềm năng, nhóm hàng công nghiệp càng khấm khá, tỷ trọng ắt cao.  

Sự cải hoán cơ cấu còn thể hiện trong một mặt hàng. Trong thủy sản, năm 2016, tôm vẫn nhất bảng xuất khẩu vào 75 thị trường, chiếm 45% kim ngạch thủy sản. Cá tra duy trì vị trí số 2, nên có tếu táo rằng có lẽ với thiên bẩm “trơn da”, loại cá này đã lọt qua bao phán xét về bán phá giá. Đáng chú ý là việc vươn lên của cá ngừ đại dương. Việc hợp tác với Nhật Bản trong việc đánh bắt, bảo quản tại chỗ, chế biến đưa thẳng từ bến bờ Việt Nam sang kho hàng Nhật Bản, nâng giá xuất khẩu cá ngừ lên đáng kể. Hiện có tám thị trường lớn nhập 88,2% lượng cá ngừ của ta gồm Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Israel, Nhật, Canada, Mexico.   

Cơ cấu thị trường xuất khẩu dịch chuyển

Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa còn có dịch chuyển cơ cấu thị trường xuất khẩu. (Xin xem bảng 2 và 3, cũng lấy hai thời điểm 2011 và 2016 để so sánh).

Số liệu trên lý giải rằng dù nhiều mặt hàng thô vẫn chủ yếu vào Trung Quốc, song do giá trị thấp, kim ngạch tăng nhưng chậm nên tỷ trọng trong tổng xuất khẩu lại giảm. Ngược với xu hướng này, ngày càng nhiều hàng công nghiệp trị giá lớn xuất khẩu vào Mỹ, EU, tạo nên đột phá về kim ngạch, tỷ trọng cũng được cải thiện. Theo hướng này sẽ bớt ràng buộc vào một thị trường nào đó, minh chứng cho sự đúng đắn của phương châm đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ.

Những điều suy ngẫm

Quy luật phát triển không đều của thiên nhiên, của thời vận, của đỏng đảnh thị trường đã tạo ra sự bứt phá của mặt hàng này, sự tụt hậu của mặt hàng kia. Song sự tụt hậu của gạo trong năm 2016 đã quá giới hạn mong mỏi kiên nhẫn. Một trong những cú sốc đó chẳng phải vì ta luôn lẽo đẽo theo sau người Thái Lan mà là mới đây phải khăn gói sang Campuchia…học hỏi.

Sự sa sút về gạo là hệ quả toàn diện trong quy trình từ giống cho tới hạt gạo lên tàu với hai nút thắt chính là phẩm cấp và thương hiệu. Hành trình xuất khẩu qua hai thập kỷ cũng là những tháng năm luôn cố tháo gỡ hai nút trên nhưng việc chưa thành. Phải chăng đã đến lúc có những giải pháp quyết liệt đối với cây lúa trong bàn cờ nông nghiệp, tái cơ cấu trong nội bộ nhà lúa, giữa lúa với các cây trồng khác, giữa trồng trọt với thủy sản, vật nuôi… Điều này càng trở nên thúc bách khi biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm hơn dự kiến, đất trồng lúa bị xâm thực, đô thị hóa tràn lan, nhà máy mọc lên…

Sẽ không đầy đủ nếu không đề cập tới việc nhập khẩu ngày một nhiều một số nông sản, vật tư nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng phổ thông có thể tự sản xuất được. Điều này có nhiều lý do. Nhu cầu của đời sống thời hội nhập không thể cấm đoán. Nhưng có những lý do nội tại, về chất lượng, độ an toàn vệ sinh, giá bán… thì phải “tiên trách kỷ”. Đấy là chưa kể đang rối mù hàng thật – hàng giả, không rõ nguồn gốc.

Chưa hết khó khăn, song với những tín hiệu tích cực chẳng những khẳng định quyết tâm chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu đang thắng thế mà còn gợi mở cho bước đi tiếp theo khi nước ta phải có những kịch bản thích ứng, tận dụng được cơ hội và vượt qua những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0). Một cuộc cách mạng có bản chất dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất!

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/155429/Xuat-khau-da-khong-con-dua-vao-tai-nguyen-tho.html