Xuất khẩu dệt may 2011 – một năm vượt khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Trong năm 2011, doanh nghiệp dệt may gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, sức mua và tiêu dùng giảm mạnh; thêm vào đó giá cả nguyên, phụ liệu dệt may liên tục tăng trong các tháng đầu năm, giá cả sinh hoạt, điện nước cũng tăng. Nhưng ngành dệt may vẫn đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/tháng, liên tục từ khoảng tháng 5, tháng 6 trở lại đây. Hết 11 tháng, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 13 tỷ USD và ước tính cả năm đạt trên 13,5 tỷ USD. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt giá trị tăng trưởng cao là do các doanh nghiệp trong nước đã thực hiện tốt công tác dự báo, tổ chức hoạt động đầu tư và sản xuất hiệu quả, tạo dựng được niềm tin và mối quan hệ thân thiết với các đối tác, khách hàng. Phó tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, thành công của xuất khẩu năm 2011 có cả yếu tố chủ quan (tăng sản lượng, phát triển thị trường tốt), và có yếu tố khách quan (đơn giá chung trên thị trường thế giới có sự điều chỉnh tăng).

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào các thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản tăng trưởng ổn định. Tính đến hết 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ tăng 14%; vào châu Âu tăng 41%; vào Nhật Bản tăng 52% so với cùng kỳ năm 2010. Một số thị trường nhập khẩu dệt may mới nổi như Hàn Quốc, Đài Loan, Canada cũng góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam. Đơn cử như tại Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đã tăng 128% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 753 triệu USD.

Mặc dù vậy, từ khoảng tháng 9 trở lại đây, đơn đặt hàng dệt may giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước, đơn giá gia công cũng giảm. Giám đốc điều hành Công ty cổ phần may Hồ Gươm Phí Ngọc Trịnh cho rằng, các doanh nghiệp đang bị tác động kép vì thông thường hàng năm vào khoảng quý IV là thời điểm giao mùa của hàng dệt may, ít đơn hàng. Trong khi đó, quý IV.2011 lại có tác động từ khủng hoảng nợ công, khó khăn tài chính… khiến nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường xuất khẩu chính giảm. Đơn hàng dệt may giảm và khách hàng ép giảm giá gia công, đơn giá giảm khoảng 30%, xuống mức từ 1,3-1,4USD/sản phẩm quần âu.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận làm dù hòa vốn, thậm chí lỗ, để duy trì việc làm cho người lao động, duy trì sản xuất, chờ thị trường ấm lên. Tổng giám đốc Công ty cổ phần may Việt Thắng Lê Nguyên Ngọc cho biết, đơn hàng trong quý IV.2011 sang các thị trường xuất khẩu đều giảm sút, trong đó, 30-50%, đơn giá bị ép xuống 10-15%. Hiện nay có hiện tượng khách vẫn đặt nhưng dừng lúc nào không biết, không ổn định như trước, nên tình hình xuất khẩu trong năm 2012 có thể khó khăn hơn năm nay.

Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2012 là 15 tỷ USD, tăng 10-12% so với năm 2011. Thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản chiếm 80% tổng kinh ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo dự báo thì xuất khẩu mặt hàng này sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức do sự khó khăn về kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới chưa hồi phục, nợ công ở một số nước châu Âu vẫn đang tiếp diễn. Xu hướng giảm giá đơn hàng trong năm tới do giá nguyên vật liệu giảm có thể khiến cho tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường chính (là Mỹ, EU và Nhật Bản) có thể giảm khoảng 10 – 15% so với 2011. Ngoài những khó khăn này, thì các doanh nghiệp còn phải đối mặt với một số thách thức từ kinh tế trong nước còn tiềm ẩn như: lạm phát, chi phí đầu vào như điện, nước, xăng dầu, tiền lương… tiếp tục tăng. Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và tăng trưởng của ngành trong năm tới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn thiếu vốn để sản xuất và vốn để đầu tư mở rộng sản xuất do lãi suất vay cao. Và dù lãi suất cho vay đang được kéo xuống mức 16 – 19%, nhưng không nhiều doanh nghiệp có thể tiếp cận được mức lãi suất này.

Anh Tú
Nguồn: Báo điện tử Đại biểu nhân dân