Xuất khẩu đường, từ chủ trương đến thực tế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Tồn kho gần 500.000 tấn

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc giải phóng lượng đường tồn kho lớn từ niên vụ trước vẫn đang tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi XK tiểu ngạch sang Trung Quốc đang bị chậm lại vì mưa lớn trong những ngày qua, và nhất là Bộ Công Thương chưa có thông báo cho gia hạn thời gian XK nên các thương nhân đang phải tạm ngưng đưa đường lên tập kết ở cửa khẩu phụ biên giới.

Trong khi đó, theo Bộ NN&PTNT, lượng đường các nhà máy sản xuất được trong vụ mới (bắt đầu từ cuối tháng 8-2013) sẽ đảm bảo cung ứng đủ và thừa từ tháng 11-2013. Trong 4 tháng (7, 8, 9 và 10) của năm 2012, tổng lượng đường được tiêu thụ trong nước chỉ vào khoảng 270.000 tấn. Nếu mức tiêu thụ năm 2013 vẫn giữ như năm trước, lượng đường tồn kho (tính đến giữa tháng 6 còn 492.510 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 179.010 tấn) sẽ dư so với nhu cầu tiêu dùng khoảng 220.000 tấn. Bộ NN&PTNT dự báo, nếu giữ lượng đường tồn kho luân chuyển khoảng 100.000 tấn, thì lượng đường dư thừa khoảng 120.000 tấn, đó là chưa kể lượng đường tối thiểu sẽ phải NK theo cam kết WTO. Với lượng tồn kho lớn như hiện nay, nguồn cung sẽ lớn hơn cùng kỳ, cộng với một lượng đường nhập lậu, gian lận thương mại chưa được ngăn chặn hiệu quả, áp lực đầu ra sẽ càng lớn.

Để giảm áp lực từ đường tồn kho, dư thừa, Bộ NN&PTNT đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc tiêu thụ đường thừa. Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện thuận lợi để các DN thương mại và các nhà máy đường phối hợp XK hết lượng đường thừa, giúp các nhà máy đường thu hồi vốn để chuẩn bị cho vụ sản xuất tới. Đối với đường NK theo cam kết WTO, Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất phương thức đấu thầu hạn ngạch để bỏ cơ chế xin cho, tạo sự công bằng đối với các DN sử dụng đường làm nguyên liệu.

Không hạn chế

Trước đề xuất của Bộ NN&PTNT, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã có trao đổi để hỗ trợ DN XK đường, giải phóng lượng đường tồn kho. Việc XK như thế nào là do DN, chủ trương của Bộ Công Thương là không hạn chế XK. Tuy nhiên, việc cho phép DN được XK như thế nào, lượng bao nhiêu thì vẫn chưa được… tiết lộ.

Như vậy, chủ trương không hạn chế XK là động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn cho các DN tại thời điểm tồn kho lên cao. Tuy nhiên, nếu Bộ Công Thương “chậm trễ” cấp phép thì rất có thể sẽ làm mất đi cơ hội XK cho các DN mía đường. Bởi trên thực tế, nhiều nhà máy đường hiện nay vẫn “than phiền” về sự “chậm trễ” cấp giấy phép XK đường của Bộ Công Thương trong thời điểm tết Nguyên đán vừa qua đã khiến DN bỏ lỡ cơ hội vàng XK đường và bị các thương nhân Trung Quốc ép giá. Theo lý giải của VSSA, giai đoạn trước tết Nguyên đán là mùa tiêu thụ đường của Trung Quốc. Thời điểm đó giá đường rất cao, Hiệp hội đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép XK nhưng không được phép. Từ tháng 3-2013, Bộ Công Thương đã cho phép XK 200.000 tấn đường song đến nay, lượng đường XK chưa đạt được một nửa con số nêu trên.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, trong niên vụ 2013-2014, dự kiến diện tích mía cả nước sẽ tiếp tục tăng lên với khoảng 8.000 ha và sản lượng đường mà các nhà máy sản xuất sẽ đạt trên 1,6 triệu tấn. Không chỉ vậy, lượng đường buôn lậu ngày càng gia tăng do giá đường Việt Nam chênh lệch với các nước lân cận. Vì thế, nguồn cung lớn hơn nhu cầu, tức là áp lực tồn kho đường ngày càng lớn hơn. Do vậy, Bộ Công Thương cần nhanh chóng xây dựng chiến lược XK đường đến năm 2020 để DN có thể chủ động, không để hàng năm phải xin phép XK như hiện nay.  

Diệp Anh
Nguồn: Báo Hải quan Online