Xuất khẩu gạo: Còn rối cơ chế
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Hôm qua (29-5) tại TP Cần Thơ, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội thảo Chiến lược an ninh lương thực quốc gia và quy hoạch đất trồng lúa nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nông học, các cơ quan nông nghiệp các tỉnh, thành phía Nam.

Doanh nghiệp chỉ biết mua vào, bán ra

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, nhận xét việc xuất khẩu gạo hiện mới làm được phần ngọn, mấy năm qua dù luôn nhất nhì thế giới nhưng vẫn bất ổn. Các doanh nghiệp kinh doanh lương thực chỉ đơn thuần mua vào, bán ra chứ chưa góp phần vào nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Ông Dũng phân tích, lúc thị trường thuận lợi, việc xuất khẩu có lãi thì nhiều doanh nghiệp không có chức năng cũng nhảy vào xuất khẩu lúa gạo, khi thị trường bất lợi thì… bỏ chạy. Khi có hợp đồng xuất khẩu, các doanh nghiệp lương thực hè nhau thu mua “làm giá” khiến lúa gạo tăng đột biến.

“Năng lực các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực vừa nhỏ bé lại thiếu chuyên nghiệp nên chỉ quan tâm duy nhất tới lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề lớn là an ninh lương thực quốc gia” – một đại biểu khác góp ý.

Chính việc lúc đắt thì mua ồ ạt, lúc ế thì lại làm ngơ nên đã dẫn đến chuyện có những mùa vụ lúa đầy bồ nhưng không có người mua làm nông dân than trời. Bởi theo ông Dũng, “nông dân chỉ biết làm ra lúa xong là bán chứ không có khả năng bảo quản, lưu trữ”.

Không lo dự trữ!

Nhiều đại biểu chỉ ra rằng hiện nay chúng ta đã bỏ quên phần gốc là dự trữ lúa gạo, không lo cho đời sống của người sản xuất. Đại biểu Đồng Tháp cho biết nếu nói hiện nay nông dân trồng lúa có lãi gấp 3-5 lần so với 10 năm trước cũng chưa chắc đúng. Thực tế cho thấy hiệu quả sản xuất lúa không cao so với các loại cây khác khiến nông dân bỏ ruộng. Ngay cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi trồng lúa có thu nhập cao nhất nước mà nông dân còn bỏ ruộng.

Theo ông Dũng, việc dự báo thị trường của chúng ta chưa tốt dẫn đến tình trạng nông dân trồng loại lúa không phù hợp với nhu cầu của thị trường thế giới. Vì vậy mới xảy ra tình trạng tồn đọng lúa trong dân, gây tâm lý chán nản. “Cần dự báo năm tới thị trường cần khoảng bao nhiêu gạo chất lượng trung bình, khá, tốt…, từ đó định hướng cho người trồng lúa thì mới mong thoát cảnh ứ đọng lúa gạo. Làm được việc này là đảm bảo an toàn cho người dân và mang lại an ninh lương thực quốc gia” – ông Dũng nói.

Việc bảo quản, dự trữ lúa gạo phục vụ cho việc xuất khẩu, tiêu thụ nội địa cũng chưa được các doanh nghiệp lương thực quan tâm đúng mức. Ông Dũng đề xuất cần phải có quy định cụ thể về khả năng dự trữ của các doanh nghiệp lương thực, đủ khả năng dự trữ mới cho hoạt động. “Có dự trữ mới thu mua tốt lượng lúa trong dân, mới điều tiết được giá cả, mới chủ động lúc nào được giá thì bán. Muốn làm được điều này, nhà nước phải hỗ trợ cho các doanh nghiệp về vốn” – ông Dũng phân tích.

Đến năm 2030, đất trồng lúa sẽ giảm 500.000 ha

Theo đánh giá của ban tổ chức hội nghị, việc sản xuất, phân phối lúa gạo những năm gần đây đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, diện tích trồng lúa đang sụt giảm, so với năm năm trước diện tích đất trồng lúa cả nước giảm hơn 350.000 ha. Ông Nguyễn Chí Ngọc, Cục trưởng Cục Cây trồng, Bộ NN&PTNT, cho biết theo quy hoạch chung của cả nước, đến năm 2030 thì diện tích đất trồng lúa sẽ tiếp tục giảm 500.000 ha. Bình quân, diện tích đất trồng lúa giảm hàng năm gần 1% do công nghiệp hóa, đô thị hóa.

Bên cạnh đó, vùng sản xuất lúa ở ĐBSCL do chuyên canh cao liên tục trong nhiều năm, thậm chí nhiều tỉnh luân canh ba vụ lúa quanh năm dẫn đến dịch bệnh ngày càng nhiều, lan nhanh…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng ngoài việc giữ đất trồng lúa còn phải cho tích lũy hạn điền hoặc phải có chính sách liên kết tạo vùng sản xuất lúa lên hàng chục, hàng trăm hecta để tạo thuận lợi chuyện đầu vào, đầu ra của lúa gạo.

Nguyên Trường
Pháp luật TP HCM