Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục mới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cụ thể, theo thống kê từ Hiệp hội, kết quả đăng ký hợp đồng đến hết tháng 9 đạt 6,8 triệu tấn, tăng 13,17% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, xuất khẩu gạo 9 tháng qua đạt 5,8 triệu tấn, trị giá FOB đạt 2,8 tỷ USD. Như vậy là tăng 9,1% về lượng và tăng 23,7% về trị giá so với năm 2010. Giá bình quân cũng cao hơn nhiều so với các năm trước do mặt bằng giá xuất khẩu được nâng lên đáng kể. Giá xuất khẩu bình quân FOB 9 tháng đạt 479 USD/tấn, tăng 56,4 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2010.

Về cơ cấu thị trường, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm 63%, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2010. Kế đến là thị trường châu Phi chiếm 26%, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước, giá lúa gạo được duy trì ở mức cao dù thị trường thường xuyên biến động. Giá lúa khô tại kho doanh nghiệp xuất khẩu cụ thể như loại hạt dài dao động ở mức thấp nhất là 5.338 đồng/kg và cao nhất là 7.167 đồng/kg, cho giá bình quân 9 tháng là 6.263 đồng/kg. Giá lúa thường dao động ở mức thấp nhất là 5.225 đồng/kg và cao nhất là 7.083 đồng/kg, cho giá bình quân 9 tháng là 6.114 đồng/kg.

Theo Hiệp hội, nhìn chung, thị trường xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2011 có những diễn biến phức tạp và thay đổi nhất định. Chẳng hạn, thị trường truyền thống Philippines thay đổi chính sách, trì hoãn và giảm nhập khẩu số lượng lớn. Tuy nhiên, bù lại là thị trường Indonesia đã khôi phục nhập khẩu với số lượng lớn. Đồng thời bổ sung các thị trường mới như Bangladesh, Trung Quốc. Riêng thị trường châu Phi tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhưng cũng đang giảm mạnh do giá gạo Viêt Nam tăng cao và được thay thế bằng nguồn cung cấp gạo rẻ từ Ấn Độ.

Theo kế hoạch, năm nay Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo. Như vậy, quý 4 sẽ xuất khẩu 1,1-1,2 triệu tấn. Hiệp hội dự báo nhu cầu xuất khẩu ổn định trong quý 4/2011 nên giá lúa vụ thu đông sẽ tiếp tục ổn định. Ngoài ra, cần giữ mức tồn kho từ 0,8-1 triệu tấn để gối đầu sang quý 1/2012 và chủ động bình ổn giá trong nước khi cần thiết.

Về sản xuất trong nước, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến hết tháng 9, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu họach dứt điểm vụ hè thu với diện tích là 1,6 triệu ha, sản lượng đạt trên 9 triệu tấn. Hiện toàn vùng đã xuống giống lúa thu đông khoảng 604 ngàn ha, đạt 98% so với kế hoạch. Do ảnh hưởng của lũ nên nhiều diện tích lúa bị thiệt hại như An Giang khoảng 4.000 ha, Đồng Tháp là 2.000 ha… Nhưng theo Hiệp hội ghi nhận từ các tỉnh có diện tích sản xuất lúa lớn, thiệt hại lúa vụ thu đông không lớn.

Về tình hình thị trường sắp tới, theo Hiệp hội, thương mại gạo đang bị chi phối bởi các yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen nhau. Trong đó có 3 điểm cần lưu ý: thứ nhất, Chính phủ Thái Lan sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ nâng giá lúa từ 7/10/2011. Thứ hai, Ấn Độ công bố bán ra 2 triệu tấn gạo thường, gồm gạo đồ và gạo trắng với mức giá thấp làm giảm áp lực tăng giá từ Thái Lan. Thứ ba, Indonesia tăng cường nhập khẩu làm giá thị trường được củng cố trong khi nhu cầu chung “uể oải” do giá tăng và chờ diễn biến hình thành giá mới của Thái Lan.

Theo đó, thị trường hiện nay hình thành hai cấp. Một là nhu cầu gạo cấp thấp, giá rẻ với nguồn cung từ Ấn Độ. Hai là nhu cầu gạo cao cấp, giá cao được cung cấp từ Thái Lan, Việt Nam. Hiệp hội phân tích, Việt Nam có thể cung cấp gạo trung bình và thấp cho các thị trường gần khi có nhu cầu và có khả năng cạnh tranh với Ấn Độ do giá cước vận chuyển thấp, chất lượng và giao hàng ổn định. Ngoài ra gạo Ấn Độ cũng theo mặt bằng giá chung của thế giới.

Nhìn chung, thị trường rất khó dự báo do lẫn lộn các yếu tố tích cực và tiêu cực, nhưng chắc chắn sẽ biến động và rủi ro nhiều. Vì vậy, Hiệp hội khuyến cáo doanh nghiệp chỉ bán khi có 100% gạo tồn kho và không nên bán vội vã.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam