Xuất khẩu gạo theo Nghị định 109: vẫn vướng!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

– Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương: Lùi thời gian thực hiện một số hạng mục

Thời gian qua, các doanh nghiệp làm hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 gặp vướng mắc chủ yếu do không có đủ điều kiện kho chứa lúa và nhà máy xay xát tập trung trên một địa điểm; khi triển khai thì mỗi phuơng tiện được đặt ở một nơi khác nhau. Bộ Công Thương vừa qua đã thống nhất hướng dẫn các địa phương, đơn vị gỡ khó cho doanh nghiệp, tức là không nhất thiết doanh nghiệp phải có các hệ thống này trên cùng một mặt bằng nữa.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cùng các ban ngành khác cũng đồng ý nới rộng thời gian thực hiện các hạng mục theo yêu cầu của Nghị định 109 như phải có kho chứa từ 5.000 tấn trở lên, có nhà máy xay xát với công suất 10 tấn/giờ, có máy tách vỏ lúa, đánh bóng…, lùi thêm 1 năm, tức đến ngày 1-10-2012. Hiện nay, doanh nghiệp thấy còn thiếu hạng mục nào thì có thể đi thuê ngoài. Bộ cũng yêu cầu sở công thương các tỉnh giới thiệu, liên hệ giúp các doanh nghiệp đi tìm cơ sở thuê ngoài. Trên cơ sở hợp đồng thuê tạm đó, bộ sẽ cấp giấy phép xuất khẩu tạm thời trong 1 năm.

Doanh nghiệp phải chứng tỏ rằng mình có định hướng đầu tư lâu dài, bằng việc có cơ sở của chính mình, đáp ứng các yêu cầu của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp cũng như tinh thần Nghị định 109. Nếu muốn phát triển xuất khẩu gạo bền vững thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm với bà con nông dân bằng cách hạn chế rủi ro, thất thoát sau thu hoạch, nâng chất lượng hạt gạo.

Bà Vũ Thị Thu Hạnh. Ảnh: Thái Hằng

– Bà Vũ Thị Thu Hạnh, Giám đốc công ty Ngũ cốc Việt: Nghị định đẩy doanh nghiệp thương mại nhỏ vào cửa khó

Doanh nghiệp của chúng tôi làm thương mại, chuyên xuất khẩu các loại gạo, đặc biệt là gạo cao cấp sang thị trường châu Á, châu Phi, số lượng xuất khẩu trung bình là 10.000 tấn/năm, nên chúng tôi rất quan tâm đến nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo. Kể từ khi nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1-2011, doanh nghiệp cũng đã có sự chuẩn bị.

Do các công ty thương mại không có nhà máy, kho bãi nên chúng tôi đã quần khắp khu vực ĐBSCL, tìm vị trí thích hợp để tìm mua đất, lắp đặt máy móc. Nhưng tới hiện nay chưa thể nộp hồ sơ xin thẩm định do chưa đầu tư máy móc theo đúng quy định, vì nếu đặt làm máy trong năm nay thì phải qua năm sau mới lắp đặt được.

Không tính đất đai, chỉ riêng phần nhà xưởng máy móc doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền cỡ 30- 40 tỉ đồng để có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong điều kiện lãi suất cao như vậy, trong khi ai dám đảm bảo đầu tư như vậy sẽ có hợp đồng xuất khẩu tương ứng?

Chưa kể, ở ĐBSCL đang có tình trạng dư thừa công suất hệ thống kho, kho mọc như nấm dọc theo các tuyến thương lái chuyên chở lúa gạo nhưng tôi thấy chủ yếu lại đang nằm không, không có lúa để sản xuất, không có gạo để trữ. Như vậy chúng tôi sẽ chịu rủi ro rất cao khi bỏ số tiền lớn đầu tư.

Theo tôi, các bộ ngành cần phải xem xét lại, không nên sàng lọc doanh nghiệp dựa trên tiêu chí có đất, có kho hay không có mà hãy xem thành tích xuất khẩu của họ, trong thời gian vừa qua đã xuất được bao nhiêu, và với giá bán có cao hay không.

Trước mắt, với tình hình như hiện nay thì chúng tôi không thể tiếp tục xuất khẩu gạo.

Ông Huỳnh Thế Năng. Ảnh: Thái Hằng

– Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Nên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Tỉnh An Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa gạo lớn nhất cũng như có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nên cũng có nhiều ảnh hưởng. Đối với Nghị định 109 tôi thấy cần phải lưu ý là doanh nghiệp phải có điều kiện để chuẩn bị cũng như thực hiện.

Bộ Công Thương vừa đưa ra 2 khoảng thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị, còn gọi là giai đoạn chuyển tiếp, thứ nhất từ ngày 1-1-2011 đến 30-9-2011 và giai đoạn chuyển tiếp thứ hai là từ đó đến 1-10-2012. Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp hết thời gian đó hoàn thành tương đối những điều kiện cơ bản nhất và phù hợp với điều kiện của riêng doanh nghiệp thì nên chấp nhận và tạo điều kiện cho họ. Thậm chí có thể tính đến chuyện thêm thời gian nhất định để giúp các doanh nghiệp nhỏ, để có sự công bằng trong điều kiện kinh doanh khó khăn nói chung và xuất khẩu lương thực nói riêng.

Nghị định 109 có một số điều khoản chưa được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện cụ thể, như điều khoản liên quan đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia công tác bình ổn thị trường, điều khoản chi phí hợp lý; hay điều 13, trường hợp mua lúa gạo hàng hóa qua các thương nhân khác hoặc từ cơ sở chế biến; thương nhân và các cơ sở chế biến phải liên kết, tổ chức thành hệ thống ổn định.

Ở đây, tôi nghĩ cơ quan chức năng có thể hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện như mô hình cánh đồng mẫu lớn của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Xuất nhập khẩu An Giang thực hiện rất thành công. Mô hình giúp doanh nghiệp có hợp đồng cung ứng nguyên liệu lâu dài, có kiểm soát, đồng thời giúp nông dân có được nguồn cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng và giá cả ổn định, nâng cao quyền quyết định bán thông qua các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online