Xuất khẩu gạo: Thua lỗ vì ký bán trước giá thấp
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lượng thực TPHCM khẳng định, thời gian tới giá lúa sẽ tiếp tục tăng, bởi nhu cầu trên thị trường đang tăng cao. Đặc biệt, khi Việt Nam triển khai các hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo 15% tấm cho Indonesia. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam với số lượng rất lớn.

Ông Thành dự đoán, sắp tới giá gạo trong nước có thể tiệm cận với giá 11.000 đồng/kg, tức tăng 400-600 đồng/kg so với giá hiện tại. Theo đó, giá lúa cũng tiếp tục tăng thêm 200-300 đồng/kg. Đặc biệt khi Thái Lan- nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nâng giá thu mua trong dân cũng như giá xuất khẩu lên cũng là một áp lực đẩy giá lúa gạo thế giới, trong đó có Việt Nam tăng lên.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Long An (đề nghị không nêu tên) cho biết, từ chỗ có giá sàn xuất khẩu của Ấn Độ thấp hơn giá hướng dẫn xuất khẩu gạo của Việt Nam 70-90 đô la Mỹ/tấn, thì việc nước này đề xuất tăng giá sàn xuất khẩu 1 triệu tấn gạo lên 500 đô la Mỹ/tấn, tức cao hơn giá hướng dẫn xuất khẩu của Việt Nam từ 10-30 đô la Mỹ/tấn là một yếu tố đẩy giá lúa gạo trên thị trường, đặc biệt là giá lúa gạo của Việt Nam tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Vị giám đốc này nói: “Nếu giá lúa gạo tiếp tục tăng sẽ có nhiều doanh nghiệp, đặc biệt đối với những doanh nghiệp nhỏ sẽ không trụ nổi, bởi có một số hợp đồng ký trong tháng 6 với giá 460 đô la Mỹ/tấn (khoảng 1 triệu tấn)”. Với tư cách là nhà kinh doanh xuất khẩu gạo, vị này không muốn giá lúa gạo trong nước tăng thêm.

Điện khúc cũ lại tái diễn: doanh nghiệp ký hợp đồng trước với giá thấp đến khi giao hàng thì giá thị trường biến động tăng đẩy giá trong nước tăng theo và doanh nghiệp than lỗ, rồi thông qua các phương tiện truyền thông, các doanh nghiệp than phiền giá gạo trong nước tăng hơn giá thế giới.

Giám đốc một doanh nghiệp cho biết do dự báo của các chuyên gia, bộ ngành trong nước, rằng giá lúa vụ hè thu chỉ giao động xung quanh 5.000 đồng/kg lúa tươi (mức giá mà trước đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam tính mua tạm trữ nhưng không thành), 5.500-5.600 đồng/kg đối với lúa khô.

“Ai ngờ, giá lúa hè thu lại tăng cao như hiện nay. Chỉ riêng chuyện ký hợp đồng 460 đô la Mỹ/tấn trong tháng 6 vừa qua là chúng tôi đã trừ hao, đón đầu thị trường rồi, nhưng cũng thua”, doanh nghiệp này cho hay.

Còn theo ông Thành, giá lúa, gạo chất lượng thấp (IR 50404) tăng cao do một số thị trường như Indonesia tiêu thụ mạnh loại gạo 15% tấm, mà giống lúa IR 50404 lại phù hợp để chế biến gạo 15% tấm.

Trao đổi với chúng tôi về diễn biến giá lúa, gạo trong nước thời gian tới như thế nào, đa số các doanh nghiệp kinh doanh tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang khẳng định, giá lúa, gạo sẽ còn tăng trong thời gian tới. Anh Nguyễn Văn Toại, lái lúa tại chợ đầu mối Bà Đắc cho biết: “Dựa vào tình hình cung – cầu trên thị trường như hiện nay, tôi chắc chắn giá lúa, gạo sẽ tiếp tục đi lên. Tuy nhiên giá tăng sẽ từ từ chứ ít có khả năng tăng đột biến lắm”.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online