Xuất khẩu gạo từ 2011: Sẽ cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Bao nhiêu DN nội trụ được?

Lâu nay, một số DN nước ngoài kinh doanh gạo tại Việt Nam theo hình thức mua lại từ DN Việt Nam. Tuy nhiên, theo cam kết của Việt Nam với WTO, kể từ năm 2011, chúng ta sẽ mở cửa cho các DN nước ngoài tự do kinh doanh lúa gạo. Điều này đồng nghĩa với việc nông dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi được nhiều quyền chọn khách hàng, mức giá cao nhất theo thị trường; nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc 264 DN nội đang kinh doanh xuất khẩu gạo (thống kê năm 2010) sẽ đối đầu cuộc canh tranh sống còn.

Khi vào kinh doanh gạo, DN nước ngoài bắt buộc phải tuân thủ quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2011). Theo đó, các DN ngoại phải làm lại công việc mà cả chục năm qua các DN nội đã làm để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh như: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa và 1 cơ sở xay – xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ, phù hợp quy chuẩn của Bộ NNPTNT và phải trữ ít nhất 10% lượng gạo xuất khẩu 6 tháng trước đó; khi xuất cho bên thứ ba là nước hoặc vùng lãnh thổ có giao dịch hợp đồng tập trung với Việt Nam phải được sự đồng ý của bên bán (theo thông tư số 44/2010/TT-BCT của Bộ Công Thương).

Với quy định trên, phân tích của ông Trương Thanh Phong (Chủ tịch VFA), trong 264 DN nội đang kinh doanh thì có khoảng 30 DN xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam đáp ứng và đang chiếm ưu thế. Riêng về Tổng Cty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang xây dựng thêm nhà máy thứ hai có công suất 1.000 tấn/ngày… Với tiềm lực trên, cùng kinh nghiệm nắm vững tình hình sản xuất, có khách hàng truyền thống trong và ngoài nước… thì sức cạnh tranh của 30 “đại gia” trên khá cao.

Không thể chủ quan…

Tuy nhiên, cũng theo lo lắng của VFA thì nếu chủ quan, không chỉ hơn 200 DN nhỏ mà cả 30 “đại gia” được chuẩn bị kỹ “lực” lâu nay cũng dễ bại trên sân nhà. Bởi trên thương trường, vốn là yếu tố quan trọng nhất thì DN nước ngoại lại nhiều tiềm lực hơn. Đó là chưa nói họ được lãi suất vay thấp (khoảng 5%/năm), trong khi DN Việt Nam không chỉ hạn chế về nguồn vốn mà việc vay vốn ngân hàng phải chịu lãi suất gấp 3-5 lần, từ 15-18%/năm, khó lòng trụ vững.

Chưa hết, theo phân tích của một chuyên gia thuộc Tổng Cty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), không chỉ DN nước ngoài mà Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng “sàng lọc” những DN Việt Nam nhỏ lẻ, không đáp ứng điều kiện thì sau 9 tháng kể từ 1.1.2011 sẽ phải “dẹp tiệm”. Tất yếu DN nội hoặc chọn con đường phá sản hoặc bị DN nước ngoài thôn tính, đặc biệt là DN đang có sẵn nhà máy xay xát lẫn kho chứa lúa gạo. Khi đó, với số ít, những đại gia lớn càng bị cạnh tranh gay gắt hơn, kể cả ở những thị trường tập trung, thị trường truyền thống lâu nay, bởi DN nước ngoài khi đáp ứng đủ điền kiện kinh doanh tại Việt Nam có thể xuất bán cho DN khác ở nước thứ ba để cạnh tranh tham gia đấu thầu trực tiếp…

Và cũng lợi thế vốn, cơ chế… chuyện xây kho bãi đối với DN nước ngoài sẽ không mất thời gian vì “quy hoạch treo” như DN Việt Nam; không mất thời gian để thu mua lúa gạo trong dân, khi việc “bắt tay” 4 nhà ở ta dù triển khai lâu nhưng không đạt hiệu quả nhiều. Thương nhân nước ngoài với năng lực của họ, rất có thể “hy sinh” để bóp méo thị trường chỉ trong một thời gian ngắn nhằm thao túng lâu dài.

Thế nên muốn tồn tại, VFA cho rằng các DN Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi từ công nghệ, kho tàng, máy móc thiết bị, đầu tư vùng nguyên liệu liên kết, chuỗi giá trị với người sản xuất, thương lái, các nhà máy xay xát, chế biến…   

Ngô Sơn
Nguồn: Báo Điện tử Lao động