Xuất khẩu gạo: vẫn chưa bắt nhịp với giá thế giới
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Giá gạo xuất khẩu trong tháng 8 đã ba lần tăng và đưa giá gạo 5% tấm lên 450 đô la Mỹ/tấn, tăng 12,5% so với trước đó. Khối lượng 813.000 tấn, là kỷ lục chưa từng có trong lịch sử xuất khẩu gạo của nước ta trong hơn hai thập kỷ qua, bởi vượt tới 100.000 tấn so với kỷ lục 712.000 tấn được ghi nhận trong tháng 5 năm nay, và kỷ lục gần 710.000 tấn trong tháng 4-2009.

Theo ước tính của VFA, trong tháng 9 này cũng sẽ có khoảng 700.000-800.000 tấn gạo được xuất khẩu. Cho nên cho dù chưa thể chạm tới ngưỡng 7 triệu tấn, nhưng có lẽ năm 2010 này chúng ta sẽ vượt xa kỷ lục trên 6 triệu tấn vừa mới đạt được trong năm 2009.

Tuy nhiên, các số liệu thống kê của VFA cũng cho thấy, cùng với kỷ lục về khối lượng xuất khẩu đó, chỉ với 371,7 đô la Mỹ/tấn, giá gạo xuất khẩu của nước ta đã ở mức thấp kỷ lục trong vòng hai năm rưỡi trở lại đây, bởi đã “phá đáy” 371,9 đô la Mỹ/tấn vào tháng 9-2009.

Rõ ràng, cũng chính vì xuất khẩu một khối lượng khổng lồ với giá thấp như vậy, cho nên đây đã là tháng thứ sáu liên tiếp giá gạo xuất khẩu bình quân tính từ đầu năm đến cuối mỗi tháng đã giảm.

Cụ thể, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm nay là 463,4 đô la Mỹ/tấn, đến cuối tháng 2 (bình quân hai tháng) tăng mạnh 2,9% và đạt đỉnh 476,8 đô la Mỹ/tấn. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa ngừng giật lùi, cho nên bình quân tám tháng chỉ còn 426,7 đô la Mỹ/tấn, tức là đã giảm 45,2 đô la Mỹ, tương ứng với tỷ lệ giảm 9,5%. Trong đó, thời điểm cuối tháng 5 có mức giảm kỷ lục 2,78%, còn cuối tháng 8 cũng giảm tới 2,6%.

Không những vậy, điều đáng lưu ý trong những động thái này là, gần như chắc chắn tháng 8 là thời đoạn giá gạo thế giới đã bước vào tháng thứ ba liên tiếp nhích lên.

Bởi lẽ, các số liệu thống kê do Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) vừa mới công bố cho thấy, sau năm tháng liên tục giảm dần và chạm đáy chỉ với 162,7 điểm phần trăm (tháng 1 đạt 174,0 điểm phần trăm; năm 2002-2004 = 100), tức là tổng cộng giảm 6,48%, thì giá lương thực, thực phẩm thế giới tháng 7 đã nhích lên 167,4 điểm phần trăm (tăng 2,85%), còn tháng 8 vừa qua tăng rất mạnh 5,10%, cho nên đã thiết lập mức “đỉnh” mới trong năm nay với 175,9 điểm phần trăm.

Trong đó, giá lương thực là “thủ phạm” chính gây ra những thăng trầm này. Bởi lẽ, cũng nguồn thông tin này cho biết, sau khi liên tục giảm cũng trong năm tháng liên tiếp, giá lương thực thế giới tháng 7 đã tăng mạnh 6,64%. Còn tháng 8 vừa qua tăng rất mạnh 12,6%, nên đã tăng tổng cộng 20,08% và cao hơn tháng 1 đầu năm tới 6,63%.

Những điều nói trên có nghĩa là, giá lương thực liên tục giảm mạnh cho tới tháng 6, còn sau đó tăng mạnh trong tháng 7 và tăng rất mạnh trong tháng 8 vừa qua chính là nguyên nhân khiến cho giá lương thực, thực phẩm thế giới cũng giảm và tăng theo.

Không những vậy, một chuỗi số liệu thống kê khác của FAO còn cho thấy sự biến động giá cả của mặt hàng gạo nói chung và của nhóm gạo Indica chất lượng thấp còn mau lẹ hơn và cũng dữ dội hơn.

Cụ thể là, trong khi giá lương thực thế giới nói chung phải đến tháng 6 mới chạm đáy thì giá gạo thế giới tháng 5 đã chạm đáy với tổng mức giảm lên tới 20,32%, tức là gần gấp đôi mức giảm của giá lương thực nói chung. Tiếp theo, ngay trong tháng 6, giá gạo thế giới đã tăng 5%, còn tháng 7 cũng đã tăng 2%, cho nên cộng với mức tăng trong tháng 8, tuy còn phải chờ FAO tính toán trong vài tuần tới mới có thể biết chính xác, nhưng chắc chắn sẽ còn mạnh hơn nữa. Như vậy tổng mức tăng giá của mặt hàng này cũng sẽ vượt rất xa tổng mức tăng giá của nhóm hàng lương thực nói chung.

Trong đó, tổng mức giảm giá của nhóm gạo Indica chất lượng thấp, tức là giá của hầu hết các loại gạo xuất khẩu của nước ta hiện nay, trong năm tháng đầu năm nay đã giảm kỷ lục 23,63%, còn mức tăng trong hai tháng 6 và 7 vừa qua lại tương đối khiêm tốn chỉ với 5,52%, nhưng gần như chắc chắn mức tăng trong tháng 8 sẽ cao hơn nhiều, bởi giá các mặt hàng gạo này của Thái Lan trong tháng 8 vừa qua cũng đã tăng khoảng 8%.

Tất cả những điều này có nghĩa là, chúng ta đã có tháng 8 đạt kỷ lục rất đáng mừng về khối lượng xuất khẩu nhưng về giá, đáng buồn lại ở mức “đáy” trong bối cảnh giá gạo thế giới đã qua hai tháng nhích lên và tăng mạnh trở lại. Rõ ràng, nếu bắt nhịp được thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của chúng ta trong những tháng gần đây lẽ ra đã phải cao hơn nhiều, dù khó có thể vượt giá xuất khẩu những tháng đầu năm giống như thị trường thế giới.

Nói tóm lại, cho dù thắng thầu những lô hàng khổng lồ trong xuất khẩu cho thị trường Philippines với giá cao đã giúp các doanh nghiệp nước ta cho tới thời điểm này vẫn duy trì được giá gạo xuất khẩu bình quân cao hơn chút đỉnh so với cùng kỳ năm 2009, nhưng rõ ràng những lợi thế của bước khởi đầu đó đã không được phát huy trong những tháng gần đây. Hy vọng thông tin sau một tháng nữa sẽ vui hơn, bởi không có lý gì mà các doanh nghiệp nước ta trong suốt ba tháng qua vẫn chưa kịp thích ứng với những biến động của thị trường gạo thế giới, mà thực tế vẫn diễn ra ngay trên “sân nhà hàng xóm” Thái Lan.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online