Xuất khẩu gặp khó, tăng trưởng ảnh hưởng
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Nền kinh tế nước ta đang đối diện với sức ép lớn, chủ yếu là từ vấn đề dài hạn, tồn tại nhiều năm nay, chưa được giải quyết và cộng với tình hình quốc tế hết sức phức tạp, nhất là chính sách bảo hộ thương mại, chính sách thuế biên giới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump”,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý như vậy tại cuộc họp thường kỳ tháng 3 của Chính phủ đầu tháng 4 vừa rồi.

Mỹ áp BAT – GDP giảm 1%

Với quan điểm công bằng thương mại, Tổng thống Mỹ đã ban hành những sắc lệnh nhắm vào các nước xuất khẩu nhiều vào Mỹ, và tuyên bố sẽ ban hành thuế biên giới (BAT) với thuế suất 20% cho hàng nhập khẩu. Dùng cách này, ông Trump mong muốn tăng doanh thu thuế, tăng sản lượng trong nước và giảm thâm hụt thương mại. Nếu thuế này được thực hiện chắc chắn thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng. Dù ít hay nhiều thì một khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang dựa vào thương mại (xuất – nhập khẩu), nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng xấu, chắc chắn tăng trưởng càng khó phục hồi.

Theo Công ty Nghiên cứu thị trường MarketIntello và Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN): Trong điều kiện cầu tiêu dùng trong nước thấp, đầu tư cũng thấp, sản xuất kinh doanh sẽ còn nhiều khó khăn, xuất khẩu trở thành một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. 2 tổ chức này cảnh báo: đã có nghiên cứu về tác động của BAT tới thương mại Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu, từ đó cảnh báo những tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế. Những tác động xấu này cộng với phân tích những yếu tố trong nước, 2 tổ chức này đã lập tức điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 giảm đi 0,2 điểm phần trăm. Hồi tháng trước họ dự báo GDP 2017 đạt khoảng 6,3%, và dự báo mới là 6,1%.

 “Với vị trí đối tác xuất khẩu thứ 23, Việt Nam đã trở thành cái tên quan trọng trong bản đồ thương mại quốc tế của Mỹ. Cùng với đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành đối tượng của các biện pháp tự vệ, mà cụ thể là các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp”, theo Bộ Công Thương. Chưa kể, nếu Tổng thống Mỹ quyết tâm ban hành BAT thì Việt Nam sẽ chịu tác động lớn.

DN là điểm tựa

Tuy nhiên, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc của MarketIntello lại cho rằng “nhìn vào động thái điều hành của ông Trump kể từ ngày nhậm chức đến nay, thấy rằng ông ta đã định là làm”. Vì thế Việt Nam cần tính đến khả năng này để có các biện pháp bù đắp cho kim ngạch xuất khẩu, nếu không may Mỹ áp BAT.

Ông Đinh Tuấn Minh lưu ý, cho dù kim ngạch xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang chậm dần. Trong giai đoạn 2010-2016, xuất khẩu hàng hóa giảm từ mức 34,2% năm 2011 xuống chỉ còn 7,9% năm 2015 và 8,6% năm 2016. Và những biến động về chính trị và kinh tế thế giới đã, đang và sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy cũng cho rằng ông Trump không dễ làm được những gì như ông ta tuyên bố nhưng TS.Lê Quốc Phương – Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, nhiều khả năng vị tổng thống này sẽ cố làm những gì đã quyết.

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 36 về nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt trung bình trên 25% mỗi năm. Theo Bộ Công Thương, Mỹ tiếp tục duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng mạnh từ khoảng 1 tỷ USD năm 2001 lên trên 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 40 tỷ USD vào năm 2017. Trong quý I/2017, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 8,7 tỷ USD, tiếp đến là EU.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ là dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện tử, thuỷ sản, nông sản, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, túi xách, vali, mũ, ô, dù, điện thoại… Dệt may là ngành hàng dẫn đầu về xuất khẩu vào Mỹ nhưng tốc độ tăng trưởng vào Mỹ năm 2016 đã chững lại. Xuất khẩu giày dép thì bị giảm giá khá mạnh. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản tới đây có thể sẽ không cao bởi hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra, basa đang phải chịu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp, bị hạn chế tiêu thụ ở một số bang. Cà phê, điều và tiêu khó có khả năng tăng đột biến về số lượng, chưa kể giá có thể giảm.

TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia dự báo, nếu Mỹ áp thuế BAT sẽ làm giảm kim ngạch xuất khẩu của các năm 2017 là 1,3%, 2018 là 2,8%, 2019 và 2020 đều giảm 2,1%; Kim ngạch nhập khẩu cũng giảm đi ở năm 2017 là 0,6%, 2018 và 2019 đều giảm 1,2%, 2020 giảm 1,0%. Theo đó, làm giảm tăng trưởng của Việt Nam trong các năm 2017 là 0,7%, năm 2018 giảm 0,9%, năm 2019 giảm 0,7% và năm 2020 giảm 0,5%.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ năm 2016

Ông Minh khuyến nghị giải pháp quan trọng để thúc tăng trưởng thời gian tới là cần tiếp tục cải cách mạnh hơn, tập trung điều kiện cho DN đặc biệt là DN tư nhân phát triển tốt hơn, tham gia xuất khẩu thuận lợi hơn. Ông kỳ vọng DN tư nhân sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng, nhưng hiện nay sự tham gia của khối DN này vào xuất khẩu còn đang gặp nhiều khó khăn. Vì thế, công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản chưa được tập trung đầu tư, phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới, mới tập trung phát triển theo chiều rộng, mà chưa phát triển theo chiều sâu. Mặt khác, công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển nên chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các DN xuất khẩu.

Cũng đồng quan điểm, ông Phương cho rằng trước những khó khăn và thách thức lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu, cần tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu. Giải pháp đó là tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cao nhất cho các DN sản xuất – kinh doanh xuất khẩu. Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và phát triển thị trường để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản và thủy sản.

Còn đích thân Thủ tướng, trong phiên họp Chính phủ đã yêu cầu các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát tình hình phát triển, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từng bộ, ngành chủ động rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ lực, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 theo kế hoạch đề ra

Linh Đan
Nguồn: http://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-gap-kho-tang-truong-anh-huong-61849.html