Xuất khẩu giảm, nhiều doanh nghiệp than khổ
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Theo số liệu công bố sáng nay của Bộ Công thương trong Hội nghị giao ban xuất khẩu 7 tháng đầu năm diễn ra ở TP HCM, tốc độ phát triển toàn nền kinh tế đang chậm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng sản phẩm trong nước chỉ tăng 3,9% trong khi cùng kỳ năm trước là 6,5%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng ước tính đạt 32,3 tỷ USD, giảm 13,4%, trong đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước mang về giá trị xuất khẩu hơn 20 tỷ USD, giảm 16%. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài xuất hơn 12 tỷ USD, giảm 9%.

Nhiều vấn đề bức xúc được đại diện các hiệp hội xuất khẩu lần lượt nêu lên. Đại diện Hiệp hội xuất khẩu tôm bày tỏ thực trạng bức xúc đang tồn tại hiện nay là vấn đề tạp chất khiến nhiều nước khép bớt cánh cửa với tôm VN. “Chỉ có một cách duy nhất để nâng cao kim ngạch xuất khẩu tôm là nói không với tôm tạp chất”, đại diện Hiệp hội tôm nhấn mạnh.

Ông Phan Đình Huy, Chủ tịch Hiệp hội xuất nhập khẩu cà phê tỉnh Đăk Lăk thì cho rằng, với sự rớt giá liên tục của cà phê như hiện nay, xuất khẩu mặt hàng này gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong tháng 6 vừa qua, chỉ trong vòng 10 ngày, giá cà phê đã rớt từ 1.550 USD một tấn xuống còn 1.250 USD một tấn. Dự báo sắp tới có khả năng cà phê sẽ rớt thêm 250 USD nữa, xuống còn 1.000 USD một tấn. Trong tình hình này, ngành cà phê rất cần sự hỗ trợ lãi suất từ phía ngân hàng để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đại diện Tổng công ty dệt may Nhà Bè nêu thực trạng nan giải hiện nay của ngành dệt may tuy không mới nhưng tồn tại dài lâu là các doanh nghiệp VN phải nhập khẩu 90% nguyên vật liệu sản xuất.

Vị đại diện này cho rằng, với tình trạng này, ngành dệt may Việt Nam đã để thất thu một lượng ngọai tệ vô cùng lớn. Ngành dệt may VN chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu và châu Mỹ. Quy định xuất khẩu của những nước này là phải sau 30 ngày, thậm chí 90 ngày kể từ lúc giao hàng, mới thanh toán tiền. Do đó doanh nghiệp bị hụt một khoản chi phí gối đầu.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương vấn đề bức xúc của doanh nghiệp là lãi suất cho vay của các ngân hàng. “Ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ lãi suất để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, hiện tồn tại một vấn đề bất cập trong khâu cho vay của các ngân hàng. Khi lãi suất lên cao thì nhiều nhà băng thông báo doanh nghiệp đến ký kết lại hợp đồng vay vốn điều chỉnh theo mức lãi suất tăng, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì ngưng việc giải ngân. Song khi lãi suất giảm thấp thì ngân hàng lại không đồng ý ký kết lại hợp đồng mới để điều chỉnh lãi suất thấp xuống cho doanh nghiệp, bằng cách biện hộ là hợp đồng vay chưa hết hạn…

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Công thương, cố vấn cấp cao của Thủ tướng cho rằng, mức giảm về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đầu năm nay là thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Xuất khẩu của Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm đã giảm tới 37%; Trung Quốc hạ 21,8%, Hàn Quốc xuống 28%, và Thái Lan thấp hơn 26%… so cùng kỳ.

“Nền kinh tế Việt Nam sẽ đi theo đường parapol và thoát ra khỏi suy thoái kinh tế nhanh như Trung Quốc”, ông Tuyển kỳ vọng.

Lệ Chi

Nguồn: Báo điện tử VnExpress