Xuất khẩu hồ tiêu: Nông dân “điều tiết” giá thị trường!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Nông dân “điều tiết” giá, doanh nghiệp chật vật thu mua!

Trong khi nhiều loại cây trồng khác như lúa gạo, cà phê, cao su, mía đường,… người nông dân Việt Nam luôn phải chịu cảnh được mùa mất giá thì người trồng tiêu ở các vùng tiêu trọng điểm như Gia Lai, Đăk Nông, Vũng Tàu… nhiều năm nay đã gần như chủ động hoàn toàn được khâu trữ hàng và chỉ bán ra khi giá cao.

Theo ông Trần Đức Tụng- Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA): Cây tiêu khác với các loại cây trồng khác là việc trữ hàng không khó. Hạt tiêu khô có thể đóng bao, để vài năm trong nhà vẫn không bị hư mọt. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều người dân trồng tiêu đã biết tham khảo giá thị trường trên Internet bằng cách truy cập các website của VPA hay các sàn giao dịch hồ tiêu nước ngoài. Trên các trang thông tin này, mỗi ngày đều có niêm yết giá chốt bán của từng phiên giao dịch mỗi ngày. “Vì vậy, khi được giá họ mới mở kho bán cho thương lái, thậm chí có nhiều hộ nông dân dự trữ vài ba vụ chưa chịu bán. Kho hàng trong nhà 15-20 tấn tiêu là chắc chắn có”- ông Tụng khẳng định.

Ông Đỗ Hà Nam- Tổng giám đốc Công ty CP Intimex- cho biết, việc chủ động được giá bán tất nhiên là có lợi cho người trồng tiêu. Tuy nhiên, hiện nay do giá tiêu lên rất cao nên các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu trong nước đang phải đối mặt với việc tranh mua nguyên liệu ở các vùng tiêu chất lượng cao trọng điểm (như ở Chư Sê- Gia Lai). Vì hiện nay các thương nhân Trung Quốc đã đến tận nhưng nơi này thu mua với giá cao hơn và trả ngay tiền mặt nên hầu hết người trồng bán cho họ, trong khi các doanh nghiệp trong nước rất khó thu mua. Vì thề, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng từ thời điểm trước Tết và giao trong tháng 4, tháng 5 có khả năng bị trễ hợp đồng hoặc chịu bù lỗ khi không có hàng xuất khẩu. “Đặc biệt, các nhà xuất khẩu hồ tiêu muốn kiếm được lời thì phải năng động tìm đường bán tận gốc, chứ không thể bán qua các nhà buôn gia vị lớn trên thế giới”- ông Nam nói.

Từ đầu năm đến nay, hồ tiêu Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 37.000 tấn. Dự kiến, số lượng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ còn tăng hơn nữa do nhu cầu trên thị trường thế giới đang ngày một tăng cao. Các nhà nhập khẩu EU và Mỹ cũng đang rất năng động tìm kiếm các nguồn hàng tại Việt Nam. Điều này đã đưa Việt Nam trở thành trung tâm chính của thị trường hạt tiêu thế giới và đẩy giá hạt tiêu trong nước tăng cao nhất từ trước đến nay. Hiện giá tiêu trong nước đang ở mức 120.000 đồng/kg, tăng gần 50.000 đồng/kg (tương đương 66%) so với hồi đầu vụ (giữa tháng 12-2010).

Ông Nam cho rằng, với giá tiêu đang có xu hướng tăng cao, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt mốc 500 triệu đô la Mỹ, tăng gần 80 triệu đô la Mỹ so với năm 2010, trong khi sản lượng xuất khẩu cũng chỉ tương đương như năm ngoái, khoảng 100.000 -110.000 tấn.

Nguy cơ tiềm ẩn

Do giá tiêu liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước nên nhiều hộ dân tìm mọi cách nâng cao năng suất cây tiêu lên mức tối đa. Hiện ở các vùng trồng tiêu, nhiều hộ nông dân đã tạo được vườn tiêu năng suất cao từ 5-6 tấn/ha, thậm chí rất cao 7-10 tấn/ha, cá biệt có hộ dân thu hoạch trên 10 tấn tiêu/ha. Để tăng năng suất cây tiêu nhiều hộ dân đã lạm dụng phân bón quá mức khiến đất trồng tiêu thoái hóa, khả năng đề kháng bệnh tật của cây tiêu giảm, ảnh hưởng tới sản lượng các vụ sau.

Phân tích về tình trạng trên, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết: Những khảo sát thực tế do Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam thực hiện cho thấy, gần 80% diện tích trồng tiêu của Việt Nam đang bị bệnh tuyến trùng. “Điều này chắc chắn sẽ làm giảm năng suất cho hạt của cây tiêu trong vài vụ tới”- ông Bửu nhận định. Kinh nghiệm ở Ấn Độ, Indonesia cho thấy, khi bón thúc cho năng suất cây tiêu tăng một vài vụ thì sau đó hàng chục hécta trồng tiêu giảm năng suất liên tục chỉ còn dưới 1 tấn/ha khiến ngành hồ tiêu hai nước này đánh mất vị thế của mình trên thị trường hồ tiêu thế giới.

Ông Mark Barnett, Giám đốc Công ty hương gia vị Sơn Hà (Hà Nội), cho rằng: Mặc dù là nước có sản lượng chiếm 1/3 sản lượng hồ tiêu thế giới nhưng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhiều khả năng sẽ điều tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ngành tiêu Việt Nam. Hiện sản lương tiêu của Việt Nam đứng đầu thế giới với hơn 100.000 tấn/năm nhưng Việt Nam vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn chung để doanh nghiệp áp dụng.

Để giúp bình ổn và tăng giá xuất khẩu hồ tiêu trong điều kiện sản xuất quốc tế đang có biểu hiện suy thoái theo chu kỳ, VPA đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa việc sản xuất cây tiêu vào dự án Việt GAP từ năm 2010, đồng thời hỗ trợ xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho các địa phương. Mặt khác, VPA đề nghị được tham gia vào các kho ngoại quan tại những khu vực tiêu dùng lớn như Trung Đông, Bắc Âu, Mỹ để có thể tận dụng thời cơ khi giá cả có lợi, hạn chế bán hàng ra khi giá xuống.

Thùy Dương
Nguồn: Báo điện tử Công thương