Xuất khẩu khó khăn hơn vì các vụ kiện chống bán phá giá
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Kiện ngày càng nhiều

Trước đó có các vụ: Ấn Độ đã áp thuế chống bán phá giá ở mức cao nhất với hàng sợi nhập từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan; tổng cục Chống bán phá giá Ấn Độ (DGAD) cũng xác định các nhà sản xuất của Việt Nam đã bán sản phẩm đèn huỳnh quang tại thị trường Ấn Độ; hiệp hội Các nhà sản xuất giày Canada khởi kiện một số doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá mặt hàng đế giày không thấm nước; hiệp hội Công nghiệp giày Brazil – Abicalcado yêu cầu tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với một số loại giày xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam từ cuối tháng 2.2009…

Các vụ kiện này không chỉ tác động đến một vài doanh nghiệp bị kiện mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới toàn ngành hàng khi nhiều đối tác nhập khẩu lo ngại, chuyển qua đặt hàng ở các nước khác.

Bị ép

Nguyên cớ quan trọng nhất dẫn đến bị kiện bán phá giá là giá xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam rẻ hơn so với giá bán mặt hàng cùng loại tại quốc gia nhập khẩu. Ông Lâm Viễn Minh, tổng giám đốc công ty 99 Plastic Packaging (có tên trong 59 doanh nghiệp nhựa Việt Nam bị kiện) thừa nhận, do xuất khẩu khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải hạ giá để có đơn hàng, giữ công nhân. Ông Minh dẫn chứng, Wal-mart đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam làm khoảng 800 container (mỗi container tương đương với 20 tấn túi bao bì)/tháng. Wal-mart luôn ép giá thu mua xuống thấp nhất, nếu doanh nghiệp không bán hàng, họ sẽ đi tìm đối tác khác. Và giá trung bình mà các doanh nghiệp nhựa Việt Nam xuất hàng cho Wal-mart rẻ hơn 10% so với giá bán ở thị trường Mỹ.

Ông Lê Quốc Ân, chủ tịch hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, việc Ấn Độ áp thuế mặt hàng vải sợi của Việt Nam, là một rào cản thương mại mới mà các nhà nhập khẩu “giăng” ra để bảo hộ cho hàng hoá nội địa.

Chưa có giải pháp

Điều đáng lo ngại là xu hướng các vụ kiện chống bán phá giá mà doanh nghiệp Việt Nam dính phải là các vụ kiện chùm. Phần lớn các vụ bị kiện gần đây là vụ doanh nghiệp Việt Nam bị kiện chung với doanh nghiệp nước khác do xu hướng bảo hộ trong nước đang ngày càng lớn ở nhiều quốc gia (để tránh sản phẩm bị kiện lại tiếp tục đi qua nước khác không bị đánh thuế phá giá tiếp tục nhập khẩu vào nước mình).

Đáng buồn là các vụ kiện đã dồn dập xảy ra nhưng trong nhiều cuộc họp bàn về đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian gần đây của bộ Công thương, nội dung này chưa được đưa ra bàn bạc như một vấn đề lớn để giúp các doanh nghiệp định hướng, tìm giải pháp ứng phó. Cũng đã có nhiều doanh nghiệp đề nghị bộ Công thương tổ chức cuộc họp chuyên đề về chống bán phá giá, hướng dẫn vượt qua các rào cản thương mại mới nhưng được trả lời là đề nghị tham gia phần hỏi – đáp trên website: thitruongngoainuoc.vn do bộ lập ra năm trước (!). Được biết, trước đây, cục Quản lý cạnh tranh thuộc bộ Công thương cũng đã từng có ý tưởng xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về các vụ kiện chống bán phá giá với hàng xuất khẩu Việt Nam. Tiếc rằng, ý tưởng này đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Mạnh Quân – Sơn Nghĩa
Nguồn: Báo Sài gòn tiếp thị điện tử