Xuất khẩu lao động: Chỗ nào cũng khó
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Vậy, để thực hiện được chỉ tiêu đưa 90.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2009, có thể trông chờ vào thị trường nào?

Trông chờ vào đâu?

Đài Loan là nơi tiếp nhận nhiều lao động nhất trong năm 2008, với khoảng 30.000 người, theo số liệu của bộ LĐ–TB&XH.

Theo một nhà môi giới lao động cỡ lớn của Đài Loan cho biết, thị trường này thời gian gần đây đã cắt giảm đến 70% nhu cầu tiếp nhận lao động. Không chỉ vậy, đến giờ đã có khoảng 1.500 lao động làm việc phải về nước trước thời hạn vì không có việc làm.

Thị trường Nhật Bản cũng đứng trước nhiều khó khăn, khi các đơn hàng tuyển tu nghiệp sinh đang gần như “án binh bất động”. Thực tế đã có nhiều tu nghiệp sinh và chuyên gia Việt Nam làm việc tại Nhật Bản đã bị trả về nước vì không bố trí được việc làm.

Thị trường Hàn Quốc, vốn khá “chắc ăn” với chỉ tiêu trên dưới 10.000 người mỗi năm, hiện đang “lình xình”. Kỳ thi sát hạch tiếng Hàn để lựa chọn lao động không thể tổ chức vào trước tháng 5 như dự kiến.

Gần như chắc chắn là chỉ tiêu tiếp nhận lao động sẽ bị cắt giảm mạnh do nền kinh tế nước này cũng suy thoái, sản xuất của các nhà máy đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp nội địa tăng cao.

Theo thông báo của cục Quản lý lao động ngoài nước (bộ LĐ–TB&XH), đến cuối tháng 2 năm nay, có 2.000 lao động ở nước ngoài bị trả về. Nhưng các doanh nghiệp XKLĐ cho rằng, con số thực tế còn lớn hơn nhiều.

Trông chờ vào “tiềm năng”

Mới đây, Chính phủ Cộng hoà Czech đã nối lại việc cấp visa cho công dân Việt Nam. Điều này không đồng nghĩa với việc lao động Việt Nam sẽ được phép sang làm việc tại nước này, bởi trong danh sách các quốc gia được cấp thẻ xanh chưa có tên Việt Nam.

Slovakia là thị trường được hy vọng có thể thay thế cho Czech. Thông tin từ các doanh nghiệp XKLĐ cho hay, tình hình triển khai đưa lao động sang nước này gặp rất nhiều khó khăn, do thủ tục nhập cảnh rất phức tạp.

Sau gần một năm tiếp cận thị trường, số lao động đưa sang Slovakia chỉ khoảng vài trăm người. Tình hình đưa lao động sang các nước Đông Âu khác như Bulgaria hay Romania cũng tương tự.

Còn với thị trường Nga, mặc dù đã có một số doanh nghiệp đưa được vài trăm lao động qua, nhưng chỉ một thời gian ngắn đã phát sinh hàng loạt vấn đề bất ổn.

Hầu hết các doanh nghiệp tiếp nhận lao động đều thuộc sở hữu của những người gốc Việt, chủ yếu làm hàng gia công. Ngoài những rắc rối về quan hệ lao động, tính ổn định của công việc và thu nhập của người lao động là những điều đáng quan ngại. Chính vì thế, một số vụ tranh chấp đã xảy ra.

Một vài doanh nghiệp có kế hoạch “mở cửa” thị trường Bồ Đào Nha, khi nhận thấy thời gian gần đây, kinh tế nước này đang trên đường phát triển, nhu cầu nhập khẩu lao động có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, đây là thị trường vốn đã yêu cầu cao đối với lao động nhập cư, sẽ càng khó tính hơn trong thời kỳ kinh tế toàn cầu khó khăn.

Trong danh mục khoảng 40 thị trường lao động ngoài nước của bộ LĐ–TB&XH, còn có một số thị trường “tiềm năng”, như Síp, Macau (Trung Quốc), Mỹ, Australia, Canada, New Zealand…

Gần đây, với việc ký thoả thuận về hợp tác lao động giữa hai chính phủ, thị trường UAE cũng được nhìn nhận là có nhiều triển vọng, dự tính trong năm nay sẽ đưa khoảng 15.000 lao động sang.

Tuy vậy, thông tin từ các doanh nghiệp XKLĐ cho biết, việc đưa lao động sang UAE cũng không hề dễ dàng bởi hai lý do.

Thứ nhất, hầu hết các nhà tuyển dụng đều yêu cầu lao động phải có tay nghề chuyên môn, điều mà không nhiều lao động Việt Nam có thể đáp ứng.

Thứ hai, thu nhập ở thị trường này khá thấp, với lao động chân tay chỉ khoảng trên dưới 300 USD/tháng. Đó là chưa nói đến thời tiết khắc nghiệt và những khác biệt lớn về tôn giáo, văn hoá, luật pháp…

Mỗi thị trường có một đặc tính riêng, nhưng rõ ràng trong thời gian trước mắt, không thể hy vọng đưa lao động với số lượng lớn sang các thị trường này, nhất là khi chất lượng lao động Việt Nam vẫn chưa kịp cải thiện để có thể đáp ứng nhu cầu của phía tiếp nhận.

Theo Hải Việt
SGTT