Xuất khẩu: Lấy công làm lời
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Đang ở đáy chuỗi giá trị

Thạc sĩ Lưu Minh Đức, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, cho biết theo khảo sát của CIEM, trong 3 sản phẩm đem lại doanh thu xuất khẩu lớn nhất cho ngành thủy sản, có 70% sản lượng xuất khẩu ở dạng sơ chế (đông lạnh). Cứ 2,8 kg nguyên liệu cho ra 1 kg sản phẩm. 1 kg cá phi-lê xuất khẩu thu được 2,8 USD thì chi phí nguyên liệu đã hết 2,52 USD, còn lại 28 cent chênh lệch bao gồm tất cả chi phí sản xuất và lợi nhuận của DN nên lợi nhuận từ xuất khẩu rất thấp. DN phải bù đắp thêm bằng tiền bán phế phụ liệu từ da, mỡ cá…

Đối với ngành điện tử, kim ngạch xuất khẩu năm nay dự kiến đạt 4 tỉ USD, đứng thứ 5 trong số những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất nhưng năng lực cạnh tranh cũng rất thấp. 99% sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa của khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì công nghệ của DN điện tử Việt Nam lạc hậu 10 – 20 năm so với khu vực và thế giới, không đủ năng lực tham gia xuất khẩu. Hàng điện tử của Việt Nam xuất khẩu đến 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu là gia công và lắp ráp, tỉ lệ giá trị gia tăng/tổng giá trị sản xuất chỉ chiếm 17%.

May mặc vốn là ngành dày dạn kinh nghiệm xuất khẩu nhất cũng có năng suất lao động rất thấp, chủ yếu là lấy công làm lãi vì DN gia công phải nhập 70% nguyên phụ liệu. Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM, nhiều DN 100% vốn FDI mang tiếng là sản xuất xuất khẩu nhưng thực tế là gia công, toàn bộ thiết kế mẫu mã, vốn, công nghệ, thị trường đều do công ty mẹ cung cấp. Sở dĩ nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam vì còn quota (hạn ngạch) và đang có chính sách ưu đãi. Thực chất, DN xuất khẩu của Việt Nam đang nằm ở đáy chuỗi giá trị.

Xem lại năng lực cạnh tranh

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá đây là 3 ngành hàng đại diện cho tố chất kinh tế chúng ta đang xem xét là công nghiệp nhẹ, nông nghiệp và công nghệ cao. Đáng buồn là hàng điện tử xuất khẩu phụ thuộc vào DN FDI cho thấy sự yếu kém của DN điện tử Việt Nam, dù đã có thời kỳ chúng ta có tham vọng đưa điện tử thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngành dệt may nhiều năm nay trở thành hiện tượng của nền kinh tế, chỉ 3,4% trong tổng số hơn 7.000 DN tham gia xuất khẩu đã đưa ngành này thành “anh cả” xuất khẩu. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của các DN này rất thấp, giảm dần từ năm 2007 đến nay, vậy thì năng lực cạnh tranh của hơn 96% DN còn lại không biết còn thấp đến đâu…

Theo bà Phạm Chi Lan, 4 nhóm sản phẩm cạnh tranh của dệt may đều là nhóm cạnh cạnh trực tiếp với hàng Trung Quốc và phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nên rủi ro rất lớn, khó duy trì được lợi thế lâu dài. Trong khi đó, Indonesia chọn nhóm sản phẩm khác để tránh đụng hàng Trung Quốc. n

Sẽ phải giảm dần ưu đãi

Theo CIEM, bản thân các DN xuất khẩu của Việt Nam không tự tin nhiều về lợi thế cạnh tranh của những sản phẩm xuất khẩu chủ lực do mình làm ra (chỉ 42% DN tự tin vào sản phẩm chủ lực nhất, 36,8% DN tin vào sản phẩm chủ lực thứ hai và 31,6% tin vào sản phẩm chủ lực thứ ba).

Kết quả xuất khẩu của DN Việt Nam phụ thuộc vào hai yếu tố là lợi thế so sánh và chính sách ưu đãi. Trong thời gian tới, Việt Nam giảm dần ưu đãi, thực hiện biểu thuế theo cam kết WTO có thể khiến DN khó khăn hơn trong xuất khẩu.

Tô Hà
Nguồn: Báo Người Lao động