Xuất khẩu năm 2009: "Tắm ao ta”… chớ quên “ao người”!
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

“Tắm ao ta”…

Thị trường nội địa với dân số trên 85 triệu người đang được các nhà kinh doanh đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng. Hơn nữa, dân số trẻ, tiêu dùng lại luôn tăng trưởng mạnh trong những năm qua và đều ở mức trên 20% khiến các nhà xuất khẩu “đôn đáo” tìm mọi cách để chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng trong nước. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chấp nhận làm gia công cho các “đại gia” đã giữ thị phần lớn trong nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, da giày… Một thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn trong các ngành này đã giảm giá từ 20 tới 70% nhưng vẫn không “xuất ngoại” được sản phẩm nên mục tiêu của họ là “hướng nội” để bù đắp lại khoảng thị trường bị thu hẹp.

“ông WTO” Trương Đình Tuyển – nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nhận định, doanh nghiệp của chúng ta có 3 ưu thế ở thị trường nội địa. Thứ nhất là hiểu thị trường hơn, hiểu văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam hơn nên vẫn có cơ hội để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Thứ hai là 85% người Việt Nam vẫn lựa chọn kênh phân phối truyền thống trong khi các nhà phân phối nước ngoài vào Việt Nam vẫn chủ yếu là phát triển kênh phân phối hiện đại. Thứ 3 là khi bán hàng ở thị trường nội địa thì chi phí các doanh nghiệp trong nước phải chi trả như vận tải, phân phối tiếp thị… cũng rẻ hơn. Chính vì 3 lý do trên, thị trường nội địa hoàn toàn có thể làm điểm tựa cho doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường nông thôn đang chiếm tới 97% hệ thống bán lẻ toàn quốc nhưng hầu như lại bị các doanh nghiệp Việt Nam “bỏ trống”. Trong khi đó, mấy năm gần đây, một số doanh nghiệp nước ngoài đã nhận thấy và “tấn công” vào lỗ hổng này, thậm chí nhiều hãng có thương hiệu đang dần chiếm lĩnh thị trường nông thôn như Unilever, Pepsi, bảo hiểm Prudential… Hơn nữa, chi phí cho việc quảng cáo, bán hàng, khuyến mãi ở khu vực nông thôn chỉ bằng 1/10 so với khu vực thành thị, trong khi hiệu quả lại cao hơn gấp nhiều lần.

Ông Tuyển cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nên xác định chiến lược phát triển lâu dài ở thị trường nội địa chứ không phải quay sang thị trường nội địa chỉ để đối phó với khủng hoảng và trong lúc xuất khẩu gặp khó khăn. Đây là bài học xương máu, cần nhìn nhận lại”.

… Chớ quên “ao người”!

Trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đang tìm mọi cách “hướng nội”, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp không nên chỉ nhìn vào một chiều nghĩa là dồn quá nhiều sức vào thị trường trong nước mà quên nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới. TS.Nguyễn Quang A khẳng định: “Không có công thức chung cho tất cả mọi người. Xâm nhập thị trường nội địa không có nghĩa làm theo kiểu phong trào, tất cả cùng tập trung vào thị trường nội địa để rồi lơ là việc xuất khẩu”.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công Thương, trong nền kinh tế thị trường không phải cái gì cũng là thuận lợi cả và không phải cái gì cũng đều là khó khăn. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải biết “lách” cái khó để tìm thị trường ngách. Kinh doanh trên thương trường quốc tế mà theo kiểu “chộp giật”, dễ thì lao vào, khó bỏ đi thì sẽ không thể “trụ vững” được lâu. Hướng nội trong khi kinh tế toàn cầu gặp khó khăn là một quyết sách đúng đắn, nhưng cũng rất cần lưu ý phát triển xuất khẩu, tìm thị trường mới hoặc giữ mối thị trường đã có để khi có điều kiện thuận lợi sẽ phát huy thế mạnh. Trong “cuộc chơi” có nhiều đối thủ “đáng gườm” này, nếu doanh nghiệp chỉ lơ là một chút thì có khi sẽ đánh mất những cơ hội lớn!

“Việc xâm nhập, bành trướng một thị trường mới hay một mảng thị trường mới luôn là một công việc cực kỳ khó khăn, tốn thời gian, công sức và rất nhiều tiền của. Với một số doanh nghiệp lâu nay chuyên tâm lo làm hàng xuất khẩu, thị trường trong nước luôn là mảnh đất mới mẻ mà họ chưa có nhiều kinh nghiệm. Không thể chủ quan coi đó là thị trường nội địa, nói quay về chiếm lĩnh là họ sẽ chiếm lĩnh ngay được. Mà họ cần phải tính toán xem sẽ vấp phải những đối thủ cạnh tranh nào và liệu có khả năng đánh bật các đối thủ này đến đâu để mà len vào” – TS Nguyễn Quang A lưu ý.

Nguyễn Hường
Nguồn: Báo Đời sống và pháp luật  điện tử