Xuất khẩu năm 2010: Còn nhiều thách thức
Người Việt Nam đang lo ngại sâu sắc về USD trong bối cảnh hệ thống tài chính của nước Mỹ tiếp tục ngập sâu trong rắc rối.

Cùng với nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, hoạt động xuất khẩu trong năm 2010 đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu năm nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi như: Nền kinh tế thế giới và trong nước đang có những tín hiệu tiếp tục phục hồi, dự báo hoạt động thương mại và đầu tư sẽ được cải thiện. Các giải pháp chính sách kích thích kinh tế đã ban hành cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về tài chính của Chính phủ đã và đang có tác động tích cực tới doanh nghiệp. Môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn nhờ việc mở rộng quan hệ hợp tác song phương và tiềm năng tăng tốc của nhiều ngành sản xuất trong quá trình thu hút vốn đầu tư… thì hoạt động xuất khẩu đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Đó là những yếu tố rủi ro của thị trường tài chính, áp lực về vốn, về cạnh tranh, về rào cản từ các nước nhập khẩu và sự hạn chế về năng lực sản xuất … đang là những thách thức cho hầu hết các ngành hàng xuất khẩu.

Cùng chung những lo lắng cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2010, ông Nguyễn Hà Nam, đại diện Hiệp hội Cà phê, Ca cao cho biết: hoạt động xuất khẩu cà phê của nước ta đã đến lúc báo động đỏ vì tình trạng mất mùa được báo trước và rớt giá thê thảm. Bên cạnh đó những khó khăn về vốn đã đẩy các doanh nghiệp trong nước vào tình trạng thua lỗ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài thừa cơ lũng đoạn thị trường. Nếu không có kịp thời các giải pháp điều tiết, tồn trữ nguồn hàng nhằm giảm bớt áp lực trên thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ khó lòng đứng vững chưa kể đến mục tiêu 1 triệu tấn cà phê xuất khẩu trong năm nay.

Với mục tiêu 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2010, ngành điều cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, nguồn nguyên liệu không còn nhiều, giá bán ra thấp trong khi giá thu mua cao, bên cạnh đó chi phí đầu vào không ngừng tăng lên tình trạng khan hiếm lao động và những khó khăn về vốn cũng đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu điều phải lao đao tìm hướng ra trong khi thời vụ đang đến gần. Theo ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, hiện nay ngành này đang tập trung cho công tác thu mua và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu nhưng khó khăn lớn nhất của ngành điều vẫn là vốn. Thời vụ của ngành điều chỉ tập trung chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 5, trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp rất cần tập trung vốn để đầu tư nhà xưởng, tổ chức thu mua, chế biến và nhập khẩu nguồn nguyên liệu do sản lượng điều trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% công suất chế biến.

Nhìn lại hoạt động xuất khẩu hai tháng đầu năm có thể thấy một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã có sự sụt giảm mạnh về lượng trong đó trong đó cà phê giảm 21,1%, gạo giảm tới 24,9%, dầu thô giảm 51,3%, xăng dầu các loại giảm 41,5%, đá và kim loại quý giảm 97,5%… Bên cạnh đó năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản như lúa gạo, cà phê, cao su, thủy sản, dầu thô, than đá đã đến ngưỡng khó có khả năng tăng trưởng cao, chưa kể đến lượng dầu thô xuất khẩu trong năm nay sẽ phải giảm từ 3,5-4 triệu tấn do phục vụ cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Do đó với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 6% trong năm nay, trên thực tế phải đạt gấp đôi mới đảm bảo tốc độ tăng t rưởng xuất khẩu của năm 2010.

Trước những khó khăn của hoạt động xuất khẩu, Chính Phủ và các bộ, ngành cũng đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách, triển khai nhiều giải pháp nhằm trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong đó có nhiều chính sách về tài chính, tiền tệ như giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, điều hành thuế suất nhập khẩu, điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá linh hoạt, hỗ trợ lãi suất.. Về phía Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên cho biết, Bộ cũng đang triển khai hàng loạt các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh đó thông qua các chính sách về tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, tín dụng ưu đãi cho sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng nhất là đối với các mặt hàng thâm dụng lao động nhằm ổn định về an sinh xã hội; đẩy nhanh tiến độ tuyên truyền các hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn nhằm tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế. Đối với các mặt hàng đang chịu khó khăn nhất thời về giá như gạo, cà phê…

Bộ chủ trương cùng các hiệp hội, ngành hàng, địa phương điều tiết hoạt động xuất khẩu, hạn chế tình trạng ép giá của các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời phối hợp với Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án thu mua, tồn trữ để giữ giá tránh thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp.

Nguồn: Báo Công thương điện tử